Thứ Sáu ngày 26 tháng 4 năm 2024

Tờ nhật báo 206 trang

201411-straits-times-04_resize

 

Chắc chắn các bạn bán báo dạo ở xứ Việt mình chớ hề khoái cái tờ báo Straits Times này của anh bạn láng giềng Singapore. Nó không chỉ khổ lớn mà còn nặng nữa. Hai số báo mà tôi cầm từ Singapore về hồi tháng 11-2014 có số trang là 138 trang và 206 trang, với khổ lớn nhất của dạng nhật báo. Riêng tờ 206 trang nặng sơ sơ có… 400g.

Tờ ra ngày 19-11-2014 có 138 trang gồm 6 phần, giá 90 xu SGP (15.000 đồng). Tờ ngày 22-11-2014 có tới 206 trang, gồm 10 phần, giá 1 SGD (khoảng 17.000 đồng).

201411-straits-times-01_resize

201411-straits-times-03_resize

Straits Times là một trong những tờ nhật báo tiếng Anh lâu năm nhất trong khu vực (từ ngày 15-7-1845). Nó là anh cả đỏ của tập đoàn xuất bản Singapore Press Holdings và là tờ báo được đọc nhiều nhất ở Singapore (ngoài bản tiếng Anh, nó còn có bản tiếng Hoa, tiếng Malay và tiếng Tamil). Ấn bản Chủ nhật Sunday Times hiện có số lượng phát hành 365.800 tờ và lượng bạn đọc lên tới 1,43 triệu người. Một số lượng không hề nhỏ so với dân số Singapore chỉ khoảng 5,5 triệu người.

Người Saigon từ nhiều chục năm rồi vẫn có thể đọc báo Straits Times in cùng ngày. Đó là những tờ báo đặt trên những chuyến bay từ Singapore sang và được ai đó chắp cánh bay tới một số sạp báo, chủ yếu bán cho khách nước ngoài. Cách đây gần 20 năm, khi chưa có Internet, tôi đã phải dựa vào nguồn báo này để viết tin bài quốc tế cho báo.

Tuy là báo của một nước Đông Nam Á, Straits Times mang đẳng cấp quốc tế. Nó hiện có văn phòng đại diện và đặc phái viên tại 16 thành phố lớn trên thế giới. Tất nhiên, tin bài của nó được mua từ các hãng tin lớn quốc tế.

Người nước ngoài dễ bị lẫn lộn giữa tờ Straits Times của Singapore với tờ New Straits Times của láng giềng Malaysia. Thật ra, cả hai có dây mơ rễ má với nhau. Năm 1956, Straits Times mở phiên bản dành cho Malaysia xuất bản tại Kuala Lumpur. Tới năm 1974, tờ này được tái cơ cấu lại và từ ngày 13-8-1974 đổi tên thành New Straits Times. Trước đó vào năm 1972, công ty xuất bản The Straits Times Press (Malaya) Berhad đã chuyển thành New Straits Times Press (Malaysia) Sdn Bhd (NSTP) và hiện đang xuất bản tờ New Straits Times cùng một số ấn phẩm khác.

Do hai nước láng giềng Singpore và Malaysia lục đục nhau về chính trị, đặc biệt là sau khi Singapore đã phải tách ra khỏi Liên bang Malaysia năm 1965, chỉ 2 năm sau khi sáp nhập, hai tờ nhật báo cùng một tổ tiên này có số phận đầy kịch tính. Ngay từ trước cuộc tổng tuyển cử tháng 8-1957 ở Malaysia, lệnh cấm bán tờ Straits Times phiên bản Singapore ở Malaysia và cấm bán tờ Straits Times phiên bản Malaysia ở Singapore đã được ban hành. Vào đầu năm 2005, hai nước đã thảo luận việc bãi bỏ lệnh cấm bán báo của nhau này. Trong khi Thủ tướng Singapore hồi đó là ông Lee Kuan Yew đồng ý thì các nhà chính trị ở Malaysia lại đầy nghi hoặc. Trong thời gian hai nước tranh cãi nhau về chuyện Malaysia xuất khẩu nước sinh hoạt cho Singapore (hiện chiếm tới 40% nhu cầu nước của Singapore), tờ báo Straits Times đã bị cấm ở Malaysia.

Từ ngày 1-1-1994, tờ Straits Times bắt đầu có phiên bản online. Ban đầu, người ta có thể đọc miễn phí mọi bài báo. Từ ngày 1-1-2005, website này bắt đầu yêu cầu người đọc đăng ký và chẳng bao lâu sau chuyển thành tờ báo online có thu phí. Hiện nay, chỉ có những người có đăng ký và trả phí mới có thể đọc được tất cả các nội dung của báo Straits Times online giống như được in trên số báo hàng ngày, trong đó có tin tức cập nhật thường xuyên. Khu vực đọc miễn phí chỉ có một số tin bài được chọn ra “câu khách”. Phí đọc báo Straits Times online hiện nay là 26,65 SGD (khoảng 450.000 đồng) một tháng (như vậy là giá báo online cũng same same với giá báo in). Nhưng ngặt một cái là tò báo online này chia làm 3 phiên bản khác nhau theo từng loại thiết bị (máy tính, smartphone và tablet), mỗi phiên bản phải đăng ký riêng. Chỉ riêng người đọc ở nước ngoài mới có thể đăng ký một tài khoản là có thể đọc trên bất cứ thiết bị nào (The Straits Times All in One Oversea) với phí 28,65 SGD mỗi tháng.

Có điều lạ là trên tờ báo giấy Straits Times, cho dù hơn 200 trang, địa chỉ website của bản online chỉ được ghi một cách khiêm nhượng phía dưới trang mục lục. Phải chăng tòa soạn muốn những người mua đọc bản in được toàn tâm toàn ý mà tự sướng với ý nghĩ những thông tin mình đang đọc chỉ có trên báo giấy? Tôi không nghĩ là báo Straits Times không mặn mòi với bản online.

201411-straits-times-05_resize

Tính tương tác và tính trách nhiệm được đề cao khi bên dưới bài viết có địa chỉ email của tác giả.

Tôi khệ nệ khuân về hai số báo dày cui (mà vẫn thường có như vậy) của tờ Straits Times với tâm trạng một người trong nghề ngưỡng mộ bạn đồng nghiệp. Còn thì chớ hề có ý nào khác (dù có cũng dại sao mà nói ra).

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 20-6-2015)