Những gạch đầu dòng về chuyện nước non ngàn dặm…
- Bạn có để ý thấy nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping) hoặc tỉnh bơ hoặc chỉ nhếch mép khi thấy có người biểu tình đòi ông ta phải trả lại lãnh thổ cho họ. Mà sao lại đòi ông Tập trả đảo lại cho mình? Thực tế là ông ta không có cái quyền đó và cũng như ông ta đâu có trực tiếp xâm chiếm chúng. Bất luận thế nào, ông Tập cũng chỉ là nhà lãnh đạo cao nhất có nhiệm kỳ ở Trung Quốc, một đất nước xưa nay có một nền chính trị và hệ thống cầm quyền phức tạp. Theo thể chế, tổng bí thư và chủ tịch nước chỉ là hai thành viên được Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng đề cử đứng ra trực tiếp cầm quyền. Nghĩa là ông Tập không cầm quyền một mình. Ngoài ra, lâu nay báo chí thế giới vẫn nói về một thế lực rất mạnh, thậm chí có quyền chi phối, trong bộ máy cầm quyền ở Trung Quốc, đó là giới tướng lãnh quân đội.
Oan có đầu, nợ có chủ. Bởi vậy, các đảo ở Biển Đông là do Trung Quốc chiếm đóng. Đối tượng để đòi lại lãnh thổ chính là Trung Quốc mà người đại diện trước pháp luật là chính quyền Trung Quốc, viết tắt là Bắc Kinh.
- Thiệt tình mà nói, mấy cái chuyện bành trướng lãnh thổ này chủ yếu là do giới cầm quyền và một số bộ phận nào đó ở Trung Quốc chủ xướng và đeo đuổi. Không phải toàn bộ người dân Trung Quốc có ý như vậy, mặc dù ai mà không khoái có thêm đất đai. Trong nhiều lần sang làm việc tại Trung Quốc trước đây, tôi hỏi nhiều người Trung Quốc có biết Việt Nam không? Với giới trung niên trở lên, nghĩa là những người có chịu ảnh hưởng (phải cầm súng hay có người thân thương vong) hoặc trải qua lần biến động cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980 (Bắc Kinh xua quân sang tấn công vùng biên giới phía bắc của Việt Nam), còn có những người nhớ Việt Nam là một cuộc chiến tranh. Còn với giới trẻ, hầu hết chẳng biết Việt Nam là nước nào. Nếu nói tới Hà Nội, TP.HCM thì có nhiều người nghe tên hơn. Ở đây xin thưa thiệt là hồi đó, tôi còn dám hỏi vậy, chớ gần đây qua bển, tôi chớ dám lồ lộ ra mình là người Việt Nam. Trước khi qua đời lúc tôi mới 13 tuổi, cha tôi dặn: muốn sống sót trên đời phải luôn cẩn tắc vô áy náy nghen con.
Vì vậy, tôi nghĩ mình phải phân biệt rạch ròi giữa nhà cầm quyền Bắc Kinh và người dân Trung Quốc. Không ít người Trung Quốc mà tôi từng tiếp xúc, họ sống “được” lắm – có lẽ phần chính do họ còn trẻ và có học thức.
Tôi sợ nhất là lòng dân và tình yêu nước bị ai đó lợi dụng và làm cho chệch hướng, lợi bất cập hại. Tin tôi đi, không một ai thật sự là người Việt Nam mà không đau lòng khi lãnh thổ cha ông đổ máu xương và mồ hôi khai phá và bảo vệ để lại cho cháu con lại bị kẻ khác lấn chiếm.
- Cái gọi là “nhận thức chung” ỏ đây thật sự là gì? Đối với giới cầm quyền Trung Quốc, họ luôn khẳng định Trường Sa và Hoàng Sa là của họ. Họ đã đưa điều này vào sách giáo khoa để các thế hệ người Trung Quốc sau này “nhận thức” như vậy.
Tường thuật về chuyến thăm chính thức của ông Tập đến Mỹ hồi tháng 9-2015, báo Mỹ International Business Times (28-9-2015) dẫn lời nhà lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố ở Mỹ rằng: “Các đảo ở Biển Nam Trung Hoa (South China Sea, tên quốc tế của Biển Đông) từ thời cổ đại tới nay là lãnh thổ của Trung Hoa” (“Islands in the South China Sea since ancient times are Chinese territory”). Ông Tập thậm chí đầy thâm ý khi không dùng tên tiếng Anh của Trường Sa (Spratlys) mà gọi nó bằng tên tiếng Hoa là Quần đảo Nam Sa (Nansha Islands).
Mới đây nhất, theo báo Mỹ New York Times (7-11-2015), ở Singapore ngày 7-11-2015, một ngày sau khi kết thúc chuyến thăm ở Việt Nam, ông Tập đã lặp lại trong bài phát biểu tại trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS) rằng: “các đảo ở Biển Nam Trung Hoa luôn là lãnh thổ của Trung Hoa kể từ thời cổ đại, và chính quyền Trung Quốc phải nhận lãnh trách nhiệm để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và các lợi ích hàng hải hợp pháp của mình” (“islands in the South China Sea have been China’s territory since ancient times, and the Chinese government must take responsibility to safeguard its territorial sovereignty and legitimate maritime interests”).
Đó, nhận thức chung của Trung Quốc là như vậy. Đừng ai ảo tưởng gì hết. Và cũng không thể cố ý hiểu khác đi được. Nó đã được họ công bố công khai trước toàn thế giới nhiều lần như vậy.
- Ở đây cần rõ một điều: Trung Quốc có thể đồng ý đàm phán về Biển Đông, nhưng đó là về việc sử dụng và các hoạt động ở vùng biển có tranh chấp này. Họ dứt khoát không chấp nhận đàm phán gì về chủ quyền của các đảo ở Biển Đông mà họ luôn lớn tiếng khẳng định là di sản thừa kế của tổ tiên. Cũng không nên có sự mơ hồ ở đây.
Tôi có thể đoan chắc rằng không nước nào có thể đòi lại được lãnh thổ của mình đang nằm trong tay Trung Quốc chỉ thông qua có mỗi con đường đàm phán. Thiệt ra đàm phán chỉ có thể diễn ra nếu các bên không ngang bằng thì cũng xấp xỉ ngang cơ với nhau. Còn kẻ ở thế yếu mà không có chỗ dựa thì chỉ có nước đánh đổi chớ làm gì có cửa mà đàm phán với kẻ đang nắm thế thượng phong.
Tất nhiên, chẳng ai dại gì lại đi gây chiến với một nước như Trung Quốc. Đó là lý do mà Philippines đã khôn ngoan nhìn xa trông rộng kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế phân xử.
Trong thế giới này và vào thời đại này, không thể dùng liệu pháp “duy ý chí”, mà tất cả đều phải dựa trên lý lẽ và chứng lý. Mà nơi được thế giới lập ra để phân xử các tranh chấp giữa các nước chính là các tòa án quốc tế. Ở đó, bên nào có chứng cứ mạnh hơn, bên đó thắng kiện. Nếu bên thua kiện không tâm phục khẩu phục hay cảm thấy mình bị xử ép, họ có quyền củng cố chứng cứ và kháng cáo tiếp. Đời con chưa xong thì đời cháu tới đời chắt rồi chút rồi chít….
Cũng đừng nên có quan niệm tiêu cực hễ đưa nhau ra tòa là mất hòa khí, gây căng thẳng, phá hỏng mối quan hệ. Cha mẹ, con cái, anh chị em, họ hàng,… vẫn kiện nhau nhan nhản đó mà. Tất nhiên, một khi đã không thể “trong nhà đóng cửa dạy nhau” để tới mức phải ra tòa thì chẳng hay ho chút nào. Vấn đề ở đây là tùy nhân cách của các bên. Điều gì chưa tự giác đạt được “nhận thức chung” thì nhờ các cơ quan tài phán phân xử theo chứng lý, còn thì chẳng nên làm gì có hại cho cái gọi là “đại cục”.
Có người bày rằng ta cứ nín thở nằm im câu giờ chờ kết quả vụ kiện của anh bạn Philippines. Nếu anh bạn láng giềng thắng, ta sẽ té nước theo mưa. Nhưng chơi vậy thì chẳng đẹp chút nào – nói thẳng nghen, chơi vậy thì chơi với ma á. Hơn nữa, hợp quần gây sức mạnh, một mình anh Philippines ra chiến trường làm sao mạnh bằng có được những liên quân hợp đồng tác chiến từ các hướng khác.
Ngày xưa Việt Nam vốn rất giỏi về việc vận dụng các mũi giáp công kia mà. Đàm phán được thì cứ tranh thủ tối đa các cơ hội, song hành với việc sử dụng các công cụ tài phán quốc tế, cũng như tranh thủ sự ủng hộ của các diễn đàn và các thế lực quốc tế. Nhưng cốt lõi vẫn là nội bộ phải mạnh và đồng tâm hiệp lực.
Vấn đề ở đây là các cơ quan chức năng bao năm nay được người dân đóng thuế nuôi dưỡng củng cố được chúng cứ ra sao về chủ quyền của Việt Nam đối với các đảo đang bị các nước khác tranh chấp ở Biển Đông. Một khi đã đem nhau ra chốn công đường ở Phủ Khai Phong nhờ Bao Chánh án thăng đường phân xử thì không có vụ nói miệng khơi khơi à nghen.
Cũng có người e ngại rằng kiện tụng chỉ mất công vì Bắc Kinh dễ gì chấp nhận những phán quyết không theo ý mình. Đó lại là chuyện khác. Cái mà ta tìm kiếm là sự công nhận lẽ phải của mình trên tầm quốc tế và có tính pháp lý quốc tế.
Cho dù có ngang nhiên hay ngang ngược tới mức nào, cho dù có tham vọng vĩ đại tới đâu, Bắc Kinh rồi cũng sẽ phải chịu theo luật chơi của thế giới nếu muốn tồn tại trong thế giới.
- Có một đặc thù địa lý là chỗ nhược của Việt Nam. Trong số các nước đang bị Trung Quốc tranh giành lãnh thổ và lãnh hải, chỉ có mình ên Việt Nam nằm sát nách Trung Quốc trên đất liền. Bởi vậy, Việt Nam cũng phải có những bài bản riêng của mình, kẻo được vạ thì má đã sưng. Và hơn ai hết, Việt Nam ắt phải hiểu thấu thế nào là những chiêu thức hình như có trong Binh pháp Tôn Tử: được đằng chân, lân đằng đầu; lấn dần từng chút một; lấn được lần này, lần sau lấn tiếp; mềm nắn, rắn buông.
Nhiều lần viết về mối quan hệ phức tạp Việt – Trung, tôi vẫn thường nhắc tới cái sự nghiệt ngã của lịch sử hai nước. Do thâm thù những kẻ ly khai là dân Việt phải di tản xuống phương Nam trốn tránh ách cầm quyền của Hán tộc, đồng thời với tham vọng thống lĩnh thiên hạ, trong chiều dài lịch sử hàng ngàn năm, nhiều triều đại phương Bắc liên tục xâm lược Việt Nam, nên hễ chiến thắng của nước này lại là chiến bại của nước kia. Sách sử hai nước ghi rành rành như vậy. Vì thế, các thế hệ con dân hai nước, hễ còn học lịch sử nước mình là đều biết điều đó. Cũng hên là người học chân chính hiểu rằng đó là chuyện của lịch sử, của quá khứ. Tới đây, tôi giựt cả mình khi nhớ mới đây có những ai đó ở ngành giáo dục mưu toan bỏ môn lịch sử ra khỏi chương trình giáo dục toàn dân. Chẳng lẽ…
- Như đã nói ở trên, do đặc thù địa lý và lịch sử giữa Việt Nam và Trung Quốc, mối quan hệ giữa hai nước luôn mang tính nhạy cảm và phức tạp, đòi hỏi phải được xử lý một cách cẩn trọng với những phương cách phù hợp. Tôi hiểu rằng trong giới lãnh đạo Việt Nam trước nay, có những người rất đau đầu. Cũng có những người giờ phải tìm cách dọn dẹp cái mớ bòng bong và cả hậu quả của những người tiền nhiệm.
Trong bài tường thuật chuyến thăm Singapore của ông Tập, báo Mỹ New York Times (7-11-2015) viết từ Bắc Kinh rằng: “Trước khi đến Singapore, ông Tập đã thăm Việt Nam, nơi những nhà lãnh đạo của Đảng CSVN duy trì những mối quan hệ bình thường với những người đồng cấp ở Trung Quốc nhưng cũng đua tranh một cách mãnh liệt với Trung Quốc về những yêu sách chủ quyền ở Biển Đông.” (Before arriving in Singapore, Mr. Xi visited Vietnam, where leaders of the Vietnamese Communist Party maintain regular ties with counterparts in China but also compete intensely with China over claims in the South China Sea.)
- Đừng ảo tưởng rằng có thể nhờ Mỹ đòi lãnh thổ cho mình. Mỹ không có quởn làm chuyện bao đồng thiên hạ như vậy đâu. Thay vào đó, để chứng tỏ với thế giới mình là “đại ca”, Mỹ có thể chọn cho mình vị thế khách quan, ủng hộ ai có chứng lý mạnh hơn. Thiệt ra người ta chỉ mong Mỹ làm như vậy và dùng thế lực của mình để bảo vệ lẽ phải, đem lại sự công bằng và vì lợi ích cho cả thế giới. Còn nếu Mỹ cảm thấy quá busy hay khó xử, chỉ cần Washington đừng nhúng tay can thiệp.
Huân tước Anh Palmerston, một chính khách thế kỷ 18-19, nói rằng: “Các nước không có kẻ thù hay bạn bè vĩnh viễn, họ chỉ có lợi ích vĩnh viễn” (Nations have no permanent friends or allies, they only have permanent interests.) “Nhận thức chung” của cả Mỹ và Trung Quốc hiện nay là hai nước không hề có tranh chấp trực tiếp về lãnh thổ, lãnh hải với nhau. Điều này đã được họ xác tín trong chuyến thăm của ông Tập tới Mỹ hồi tháng 9-2015.
Có lẽ với Mỹ, chuyện tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông là chuyện giữa Trung Quốc và những nước chung quanh. Mỹ chỉ quan tâm và can dự (có thể can thiệp) nếu như nước nào đó có ý đồ độc chiếm và quân sự hóa Biển Đông – một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới. Washington nhìn những hành động của Bắc Kinh trong việc lấn chiếm các đảo, xây dựng các cơ sở hạ tầng trên những đảo mà họ chiếm, hay bồi đắp hàng loạt đảo nhân tạo,… như những chiêu thức phục vụ cho ý đồ sâu xa và lâu dài của Bắc Kinh trong khu vực. Mỹ không lo hão huyền vì Bắc Kinh đã tuyên bố vùng chủ quyền 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà họ vừa bồi đắp. Hồi tháng 5-2015, Mỹ cho biết trong vòng 18 tháng qua, Trung Quốc đã mở rộng thêm được 2.000 mẫu Anh (acre) cho các vùng mà mình chiếm. Báo Mỹ Navy Times (8-10-2015) cho biết sân bay dài 10.000 feet (3.000 mét) mà Trung Quốc đã xây dựng ở vùng đảo này đủ sức tiếp nhận các máy bay quân sự tới hoạt động.
Lâu nay, thế giới vẫn nói rằng Trung Quốc dùng tiền mua cả thế gian. Nước đông dân nhất thế giới và được coi là nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu này không chỉ có sức mạnh quân sự để làm quyền lực cứng, mà còn có nhiều đòn phép chính trị và rủng rỉnh tiền bạc làm quyền lực mềm trong đối ngoại.
Trong chuyến công du Mỹ vừa qua, ông Tập đi trên một chiếc máy bay Boeing 747 của hãng Air China và ngày 22-9-2015 hạ cánh đầu tiên xuống nước Mỹ tại thành phố Seattle (bang Washington), nơi hãng máy bay Boeing của Mỹ có xưởng đóng những model máy bay lớn nhất của mình. Và như một món quà ra mắt của ông Tập, ngay sau đó, Trung Quốc công bố thỏa thuận mua 300 máy bay Boeing trị giá khoảng 38 tỷ USD.
Trước đó, hồi tháng 5-2014, ông Tập đã tặng cho Nga món quà lớn mừng Tổng thống Vladimir Putin thăm Thượng Hải là hợp đồng Trung Quốc bỏ ra 400 tỷ USD mua khí đốt của Nga trong vòng 30 năm.
Đó đó, thực tế là như vậy đó. Nếu cứ ảo tưởng, huyễn hoặc, thậm chí ngây thơ (không tính kiểu ngây thơ cụ), mà không chịu nhìn thẳng và dựa vào thực tế, người ta sẽ chẳng bao giờ tìm ra được những giải pháp thật sự đúng đắn cho bất cứ vấn đề nào. Thật ra, những gạch đầu dòng ở trên của tôi cũng chẳng phải chỉ là do tôi nghĩ ra hay nhìn thấy. Chúng đã bày ra lồ lộ trên khắp các dòng thông tin thế giới bấy lâu nay. Tôi chỉ muốn hệ thống lại và dọn theo phong cách fast-food cho những người ngán ngại thôi. Duty-free nhé. Vậy há!
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 8-11-2015)
+ Bản đồ của báo New York Times.
Hùng Chềnh · Friends with Tuan Quyet and 3 others
Pham Hong Phuoc Quần đảo Trường Sa có hơn 750 đảo lớn nhỏ, bãi đá ngầm, bãi san hô,… Các nước trong khu vực tuyên bố chủ quyền ở những đảo nằm gần bờ biển mình nhất. Ở đây TQ xâm chiếm những đảo mà Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền.
Hùng Chềnh · Friends with Đỗ Toàn and 3 others
Nguyễn Hoài Sơn · Friends with Hải Đức Vũ and 2 others
Hùng Chềnh · Friends with Viet Present and 3 others