Thứ Sáu ngày 04 tháng 10 năm 2024

Ngày 8-3 chỉ có yêu thương và vui chơi

womensday-02-php

 

Sáng sớm 8-3 mắt nhắm mắt mở, nói gọn là mắt tèm lem, vừa vào trình diện ông Thần Ve Chai Mark Zuckerberg, tôi đã thấy ngay trên đầu trang Facebook có cái thiệp mừng ngày 8-3 của mạng truyền thông xã hội lớn nhất hành tinh này với yêu cầu hãy chia sẻ nó đi. Nhưng khi đọc thấy cái dòng “Here’s to equality for women worldwide” (Đây là để bình đẳng cho các phụ nữ trên toàn thế giới), tôi đã thở hắt ra và xì bong bóng nhuệ khí.

ngay-phu-nu-facebook

Vậy là tôi out khỏi “cõi Phây” trong 5, 10, 15… trở về nhà mình Media Online để viết những lời chúc mừng gửi các bạn nữ một cách đầy tâm trạng như vầy:

“Chúc mừng các Bạn Nữ yêu quý của chúng tôi.

Nhân Ngày Phụ nữ Quốc tế 8-3, toàn thể cánh đàn ông của Media Online nồng ấm gửi tới tất cả các Bạn Nữ yêu quý của chúng tôi những lời chúc tốt lành nhất.

Chúng tôi không nói tới chuyện bình đẳng giới, bình quyền, vì chúng không có trong ngôn ngữ của chúng tôi. Bởi lẽ, chúng tôi luôn yêu quý và tôn trọng các Bạn Nữ, thậm chí còn yêu hơn cả yêu chính mình.

Chúng tôi chỉ muốn có thể đem lại niềm vui và hạnh phúc, làm cho các Bạn Nữ luôn thanh thản và mỉm cười.

Xin chúc các bạn luôn an lành và may mắn, luôn thành công trong mọi việc và luôn yêu đời.

Happy Women’s Day”

Rồi tôi search trên Internet để coi thiên hạ chúc mừng nhau ra sao. Trong vô số mẫu thiệp mừng ngày 8-3 năm nay, tôi chỉ ưng cái bụng hai mẫu thể hiện ngày Phụ nữ Quốc tế là ngày chị em phụ nữ vui chơi nhảy múa và là ngày hào hứng shopping. Chúng hợp với cách nghĩ của riêng tôi: ngày 8-3 chỉ là ngày để chị em phụ nữ được yêu thương và vui chơi xả láng sáng… dậy sớm!

womensday-04

womensday-03_resize

Vốn nhạy cảm như chiếc lá cuối cùng của mùa thu tím, tôi không thích chính trị hóa ngày 8-3.

Đành rằng nguyên thủy ngày Phụ nữ Quốc tế ra đời mang màu sắc chính trị. Theo từ điển bách khoa Wikipedia, ngày Phụ nữ (Women’s Day) đầu tiên được tổ chức vào ngày 28-2-1909 tại thành phố New York (Mỹ), do Đảng Xã hội Mỹ (Socialist Party of America, tôi viết đầy đủ, sợ viết tắt là SPA lại gợi nhớ lung tung hôm nay rất nguy hiểm) tổ chức để kỷ niệm cuộc đình công năm 1908 của Liên đoàn Công nhân Dệt may của Phụ nữ Quốc tế. Trong những năm sau đó, các ngày Phụ nữ được tổ chức vào những ngày khác nhau ở nhiều nước (như ngày Phụ nữ Quốc gia – National Women’s Day ở Mỹ được tổ chức vào ngày Chủ nhật cuối cùng của tháng 2). Ngày Phụ nữ Quốc tế lần đầu tiên được tổ chức vào ngày 8-3 là ở năm 1914, có thể vì đó là ngày Chủ nhật.

Có lẽ “có sự kiện” là ngày Phụ nữ Quốc tế tổ chức ở Nga năm 1917. Hôm đó là ngày thứ Năm cuối cùng của tháng 2 theo lịch Nga (tức ngày 8-3 theo lịch Gregorian hay lịch Gregory, tức Dương lịch mà ta đang dùng), phụ nữ tại thành phố Saint Petersburg đã đình công và kéo biểu tình tuần hành với chủ đề “Bánh mì và Hòa bình”, yêu cầu chấm dứt Chiến tranh Thế giới thứ nhất, chấm dứt tình trạng thiếu thốn lương thực ở Nga và đòi kết thúc chế độ Sa hoàng.

Trên quy mô thế giới, ngày Phụ nữ Quốc tế lần đầu tiên được cả phương Tây tổ chức như một sự kiện công chúng là sau năm 1977, khi Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc mời gọi các nước thành viên tuyên bố ngày 8-3 là Ngày Liên Hiệp Quốc về quyền của phụ nữ và hòa bình thế giới. Thiệt là LHQ rất có tính ngoại giao và chính trị – khôn khéo róc mấu. Họ trói ngày về quyền của phụ nữ với hòa bình thế giới nên các nước dễ tổ chức hơn.

Mỗi nước có thể có chủ đề riêng cho ngày Phụ nữ Quốc tế. Còn LHQ thì mỗi năm đều đưa ra một chủ đề chính thức cho ngày 8-3. Và chủ đề của LHQ cho ngày Phụ nữ Quốc tế 2016 là “Planet 50-50 by 2030: Step It Up for Gender Equality” (Hành tinh 50-50 vào năm 2030: tăng tốc cho bình đẳng giới).

Thì ra là vậy. Chàng “Mát Phây” quả là bám sát chủ đề của LHQ dữ à nghen.

Bây giờ xin thanh minh thanh nga vì sao tôi không thích chính trị hóa ngày 8-3.

Chuyện đấu tranh cho các quyền của phụ nữ, cho bình đẳng giới, cho thái độ tôn trọng phụ nữ là chuyện hàng ngày. Và thiệt là đáng tiếc, lẽ ra là phải mắc cỡ, khi cho tới tận năm thứ 17 của thế kỷ 21 này, thế giới vẫn còn phải nặng lòng về những vấn đề đó. Đàn ông ngoan cố hay đàn bà chưa tự nâng mình lên? Một câu hỏi thiệt dễ gây tranh cãi từ 0 giờ ngày 8-3 tới 0 giờ ngày 9-3.

Vì thế, tôi chỉ thích trong ngày 8-3, chị em phụ nữ được cởi bỏ tuốt tuồn tuột các chiếc áo chính trị để thong dong tận hưởng một ngày dành riêng cho mình. Trong ngày này, họ không phải bận lòng với các nghi lễ và các chuyện đấu tranh (coi chừng biết tránh đâu), chuyện chính trị mà có thể dành hết tâm sức để làm đẹp cho mình và cho đời, để vui chơi nhảy múa. Tôi thích 8-3 là ngày phụ nữ được yêu thương nhiều hơn so với sự yêu thương mà họ vốn nhận được trong 365 ngày khác của năm 2016, và là ngày họ được vui chơi nhiều hơn sau những tháng ngày dồn hết tâm sức và tình yêu cho các thiên chức và công việc của mình.

Phần mình, tôi chỉ nói thế này, nếu thế gian này không còn phụ nữ, nó sẽ giống như trong bộ phim The Book of Eli về ngày tận thế mà tôi vừa coi. Đó là lý do vì sao cả đời mình, tôi luôn trong tư thế sẵn sàng và tự nguyện hiến dâng cho phụ nữ – những người mà tôi yêu thương với tình yêu lần đầu.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.