Thứ Sáu ngày 29 tháng 3 năm 2024

personal-security-01

Mark Zuckerberg đã phải dùng băng keo dán kín webcam và lỗ microphone trên máy tính của mình. Nhà tỷ phú công nghệ 32 tuổi, nhà sáng lập và CEO của Facebook, mạng truyền thông xã hội lớn nhất thế giới, có hơn 1,7 tỷ người dùng thật sự hàng tháng (số liệu ngày 30-6-2016), đã phải làm xấu đi dung nhan máy tính của mình vì ý thức được nguy cơ an ninh, bảo mật cá nhân.

 

Chiếc webcam của mình – con mắt cú vọ của ké khác

Webcam từ lâu đã trở thành một thành phần không thể thiếu được trên máy tính xách tay và máy tính tất cả trong một all-in-one. Nhiều máy tính để bàn cũng được trang bị những webcam rời. Nhiệm vụ của webcam là phục vụ cho những tác vụ gọi điện thoại có hình (video call) và hội nghị truyền hình (video conference) hay còn gọi là hội nghị trực tuyến. Từ thời Yahoo Messenger làm “trùm” cái nhu cầu chat trên mạng, webcam đã được yêu chuộng. Tới thời những ứng dụng và dịch vụ như Skype thì webcam càng lợi hại hơn.

Trong khi webcam ngày càng tiên tiến, ghi hình cực nét và hoạt động được cả trong điều kiện ánh sáng yếu, chiếc máy ảnh trước trên smartphone và tablet cũng đang được các nhà sản xuất thiết bị chạy đua nâng cấp để ghi hình đẹp hơn, nét hơn, sáng hay tối đều ghi ngon,… nhằm phục vụ cho trào lưu chụp ảnh selfie của thiên hạ.

Nhưng coi chừng bạn đang nuôi một con ma xó trong nhà hay tự đèo bồng một ả gián điệp kè kè bên mình mọi lúc mọi nơi. Bởi lẽ, trong cái thời tin tặc và 500 anh em tội phạm mạng (cybercrime) nhan nhản trên Internet, webcam hay máy ảnh trước có thể bị kẻ xấu chiếm dụng điều khiển ghi hình theo ý chúng.

Hồi Samsung mới trang bị webcam cho các dòng Smart TV để tạo tiện dụng cho những người dùng có nhu cầu Skype trên Internet, chúng tôi có cảnh báo: người dùng mà quên tắt webcam trên TV, mọi chuyện đang diễn ra trong nhà có thể bị chiếu live trên Internet cho mọi người coi. Thiệt là mắc cỡ nếu như chiếc TV thông minh có webcam đó đặt trong phòng ngủ.

Mark Zuckerberg không phải là người duy nhất phải dán keo bít kín webcam và microphone đâu.

Ngay cả James Comey, Giám đốc Cơ quan Điều tra Liên bang Hoa Kỳ FBI, hôm 15-9-2016 đã lặp lại trong một hội nghị tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cái vụ chính ông cũng phải dán băng keo che webcam trên laptop của mình và nhấn mạnh rằng “cái chiêu bảo mật” này là một ý thức chung mà hầu hết người dùng thiết bị công nghệ phải sử dụng để tự bảo vệ mình. Ông Comey chia sẻ: “Không phải khùng điên gì mà ngay cả Giám đốc FBI cũng phải quan ngại về an ninh cá nhân đâu. Vì thế, tôi nghĩ rằng mọi người phải có trách nhiệm với sự an toàn và an ninh của chính mình.”

Matthew Green, một chuyên gia mã hóa tại Viện Đại học Johns Hopkins (Mỹ), đã tự nhận mình là một kẻ ngốc khi đã không quan tâm tới “chiêu” dán băng keo che webcam. Ông nói lỡ một ngày nào đó ông bị “trình chiếu” hình ảnh mình đang “trần như nhộng” trên mạng thì đó là sự trừng phạt mình rồi.

Ngày nay, cài mã độc, mở cửa hậu trên máy tính, thiết bị là cách phổ biến nhất của tin tặc. Chỉ cần mất cảnh giác click vào một đường dẫn “đầy khêu gợi” trên Internet hay mạng xã hội là bạn có thể bị kẻ xấu cài cắm “đặc công” vào thiết bị của mình.

Trong buổi ra mắt những dòng màn hình máy tính mới tại TP.HCM ngày 14-9-2016, hãng HP đã giới thiệu sản phẩm có thiết kế sẵn nắp che webcam gọi là Webcam Privacy Shutter.

 

Cái góc nhìn rộng của màn hình

Bây giờ, góc nhìn rộng (wide viewing angle) đã trở thành một trong những chuẩn về chất lượng màn hình hiển thị, từ TV tới màn hình máy tính, màn hình smartphone, tablet. Các hãng đua nhau dùng tấm nền IPS thay cho TN Film để có góc nhìn rộng nhất. Một trong những ưu điểm của IPS là góc nhìn rộng tới 178 độ cho cả ngang và dọc. Với góc nhìn màn hình cực rộng như thế (chỉ 2 độ nữa là đạt 180 độ), bạn có thể đứng gần ngang với bề mặt màn hình mà vẫn có thể nhìn thấy hình ảnh hiển thị. Đối với loại màn hình có góc nhìn hẹp, khi đứng qua khỏi góc giới hạn của nó, bạn chỉ thấy màn hình đen thui.

Màn hình có góc nhìn rộng cho người xem cảm giác thú vị và tiện dụng hơn, có thể ngồi ở góc nào phía trước màn hình cũng có thể xem được. Tính năng này quả là lợi hại với các màn hình lớn và lý tưởng cho làm việc theo nhóm.

Nhưng mặt trái của màn hình góc nhìn rộng là không bảo mật, cái gì cũng bị khoe trước bá tánh. Bạn thử nghĩ xem khi vào một quán cà phê, bạn mở laptop ra làm việc và rồi mọi thứ xuất hiện trên màn hình đều có thể bị mọi người khác trong quán nhìn thấy, chỉ cần họ ngồi gần ngang với bạn.

Đó là lý do mà trong dòng laptop của năm 2016, hãng HP đã đưa ra mẫu thiết bị dành cho doanh nghiệp được trang bị màn hình có góc nhìn cực hẹp, chỉ 50 độ. Có nghĩa là, chỉ ai ngồi ngay phía trước màn hình mới có thể nhìn thấy được những gì trên màn hình.

 

Từ GPS tới camera an ninh – lạy ông con ở bụi này

Ai cũng biết công nghệ định vị toàn cầu GPS hữu dụng tới đâu trong các tác vụ tìm đường, sử dụng các bản đồ số. Với tính năng xác định vị trí, GPS đang được tích hợp ngày càng nhiều vào các thiết bị thông minh có thể đeo được (wearables), như trong những mặt dây chuyền, nhẫn, vòng đeo tay hay cái nút áo. Nhờ GPS, bạn có thể biết được người thân lẫn các vật dụng của mình (từ chiếc xe hơi tới chiếc nhẫn) đang nằm ở đâu. Thường thì các cảm biến GPS vẫn hoạt động cho dù bạn đã tắt thiết bị.

Nhưng mặt trái của GPS là người ta có thể khai thác nó để tìm thấy bạn, biết bạn đang ở hay từng đi tới đâu. Trên mạng có vô số ứng dụng có thể dò tìm GPS như vậy. Sợ chưa?

Nếu là người ghiền các series phim điều tra hiện trường CSI, NCIS,… trên truyền hình Mỹ (đang chiếu trên kênh hành động AXN), bạn sẽ không còn xa lạ trước việc cả nhân viên an ninh lẫn bọn tội phạm xâm nhập hệ thống camera giao thông, camera an ninh trong cơ quan và nhà riêng để quan sát những gì đang diễn ra ở đó.

Vậy đó, sử dụng sản phẩm công nghệ cao với nhiều tính năng tiên tiến thì khoái thiệt. Nhưng có khoái tới đâu, bạn cũng phải nhớ ý thức bảo vệ chính mình và người thân của mình. Hiện đại cũng đồng nghĩa với “hại điện” đó thôi.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.

+ Bạn có thể đọc bài trên báo Pháp Luật TP.HCM Chủ nhật 18-9-2016 và trên báo Pháp Luật TP Online

160918-baibao-phapluattp-2_resize