Thứ Sáu ngày 26 tháng 4 năm 2024

Thực tế của những công nghệ đỉnh

 

Người dùng sản phẩm công nghệ thiệt là khổ. Nhiều khi biết thì biết nhưng vẫn phải tốn tiền để mua về những công nghệ mà mình chẳng hề cần tới. Bởi lẽ những công nghệ này đã được tích hợp vào trong những sản phẩm công nghệ trên thị trường.

Từ lâu rồi, tính năng công nghệ và cấu hình phần cứng đã được các nhà sản xuất sử dụng để câu khách. Có nhiều hãng chi rất nhiều tiền cho bộ phận nghiên cứu và phát triển R&D để không ngừng đưa ra những tính năng mới. Những cuộc chạy đua về công nghệ mới liên tục diễn ra. Các nhà sản xuất thiết bị khai thác những tính năng công nghệ mới không phải chỉ để cạnh tranh lẫn nhau, mà còn để làm thỏa mãn ý muốn của các fan luôn muốn có những sản phẩm được trang bị những tính năng công nghệ mới. Tình hình đặc biệt là căng thẳng khi những yếu tố về thiết kế trở nên hoặc bị bão hòa, hoặc có giới hạn.

Và thực tế, người tiêu dùng thông minh của thời công nghệ nếu chịu khó tìm hiểu rõ hơn về những tính năng công nghệ được quảng cáo và những sự thật về chúng sẽ biết chọn cho mình những sản phẩm phù hợp, đỡ phải tốn tiền mua về những tính năng công nghệ không cần thiết, đồng thời xài sản phẩm ngon hơn và bền chắc hơn.

 

Kháng nước, kháng bụi

smartphone-water-resistant_resize

Có lẽ trong vô số tính năng “đỉnh”, kháng nước thiết thực hơn với người dùng. Bởi lẽ, người ta có thể an tâm hơn khi gặp mưa đột ngột trên đường, lỡ té xuống nước, bị rơi điện thoại xuống nước, sơ ý làm đổ ly nước,… hay thậm chí cần phải chụp ảnh hay nghe cuộc gọi khi trời đang mưa.

Chỉ có điều, cho đến nay vẫn chỉ có vài ba nhà sản xuất và rất ít mẫu thiết bị có khả năng kháng nước. Có lẽ do quy trình sản xuất không đơn giản và có nhiều phiền phức khi sửa chữa, bảo hành. Mới nhất là bộ đôi smartphone iPhone 7, iPhone 7 Plus và đồng hồ Apple Watch Series 2 của nhà Apple. Trước đó cũng trong năm 2016 là bộ đôi smartphone Galaxy S7/S7 edge rồi Galaxy Note7 và đồng hồ Galaxy Gear S3 của hãng Samsung.

Nhưng xin bạn lưu ý, kháng nước (water-resistant) không phải là chống nước (waterproof). Các thiết bị kháng nước được sản xuất chỉ để tránh nguy cơ bị vô nước trong những trường hợp bất ngờ trong thời gian ngắn. Chúng hoàn toàn không phải là loại thiết bị để sử dụng dưới nước. Các nhà sản xuất đều ghi rõ như vậy trong các điều kiện bảo hành.

Việc bảo hành, sửa chữa các thiết bị có tính năng kháng nước rất nhiêu khê, cần phải được thực hiện ở những trung tâm lớn, có đầy đủ thiết bị chuyên dụng. Nếu không, thiết bị sau khi mở ra sẽ bị “phế võ công bạn cùng Hà Bá”.

Lâu nay người ta vẫn quảng cáo giải pháp kháng nước bất tử cho các thiết bị bằng cách cho chúng qua công nghệ phủ lớp Nano. Về lý thuyết, lớp phủ này có tính năng khiến những giọt nước bị trôi tuột đi. Nó giống như mặc áo mưa cho thiết bị và có những hạn chế, những chống chỉ định và những bất tiện.

Hiện nay, các sản phẩm kháng nước được ghi là đạt chuẩn IP67 hay IP68. Ngay cả các chuẩn này cũng cho thấy chúng chỉ có khả năng kháng nước tạm thời. IP là tên mã của Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (International Electrotechnical Commission, IEC). Hai chữ số đi sau là cấp độ. Số đầu tiên là cấp độ chống sự xâm nhập của những vật rắn (solid protection), từ 1 tới 6. Ở cấp 5 và 6 mới có khả năng chống bụi lọt vào. Chữ số thứ hai là cấp độ chống ẩm (moisture protection), từ 1 đến 8. Cấp độ 7 có thể ở dưới nước sâu tới 1 mét trong vòng 30 phút. Cấp độ 8 có thể ở dưới nước sâu 1,5 mét trong vòng 30 phút hay hơn một chút.

 

Camera như máy ảnh DSLR

smartphone-vs-camera

Trong sự kiện ra mắt bộ đôi iPhone 7 và iPhone 7 Plus ngày 7-9-2016 ở Mỹ, Apple nói rõ là hệ thống camera hoàn toàn mới trên thiết bị này mặc dù là tốt nhất trong lịch sử iPhone, nhưng không thể thay thế máy ảnh số ống kính rời DSLR.

Thực tế là các nhà sản xuất smartphone đang chạy đua cạnh tranh camera bằng cách đưa những tính năng có trên máy ảnh DSLR vào camera của smartphone. Cụ thể như ở camera của iPhone 7 Plus có hiệu ứng xóa phông (bokeh) DOF trước đây là độc quyền trên máy ảnh ống kính rời.

Thậm chí công bằng mà nói, camera được coi là “xịn” nhất trên smartphone cũng chỉ có thể qua mặt những chiếc máy ảnh du lịch compact phổ thông và ngang ngửa những chiếc máy ảnh tầm trung. Máy ảnh là máy ảnh, smartphone là smartphone. Sở dĩ, máy ảnh trên trên smartphone gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho tình hình kinh doanh máy ảnh compact chủ yếu ở tính tiện dụng của nó và đặc biệt là có sẵn trên smartphone.

Ngay cả kích thước cảm biến trên smartphone cũng không thể bằng được trên máy ảnh DSLR rồi. Cho dù có thể xoay xở nhét được cảm biến của máy ảnh DSLR vào smartphone đang càng ngày càng mỏng và gọn hơn, người ta vẫn bị hạn chế bởi thấu kính, ống kính và cả lô lốc yếu tố khác chỉ có ở máy ảnh vốn sinh ra là để…. chụp ảnh.

Vì thế nên hiểu chính xác là camera trên những smartphone high-end được trang bị thêm những tính năng, công nghệ như của máy ảnh DSLR chứ không phải có khả năng ngang ngửa máy ảnh DSLR. Chẳng hạn, tính năng xóa phông của camera smartphone làm sao có thể bằng trên máy ảnh DSLR.

 

HD và UHD

hd-vs-uhd

HD là ký hiệu của độ rõ nét cao (high-definition). Với hình ảnh, đây là độ phân giải cao. Mà về lý thuyết, độ phân giải càng cao, hình ảnh càng có nhiều chi tiết hơn và hiển thị rõ nét hơn. Ở đây, ta nói về màn hình.

Khi được giới thiệu là màn hình HD, bạn cần nhớ đó là chuẩn HD thấp nhất, hay còn gọi là HD Ready, với độ phân giải HD 720 (1280 x 720 pixel). Cao hơn và được coi là HD chuẩn là Full HD với độ phân giải HD 1080 (1920 x 1080 pixel). Vượt qua độ phân giải Full HD được gọi là Ultra HD (UHD). Thực tế về công nghệ, chuẩn 2K (hay còn gọi là HD 1440), có độ phân giải 2048 x 1440 pixel, không được gọi là UHD mà chỉ là HD 2K, hay nói cách khác là chuẩn UHD Ready. Còn UHD phải từ HD 2160 với độ phân giải 3.840 x 2.160 pixel trở lên. Lâu nay, người ta quen gọi và thích gọi độ phân giải 3.840 x 2.160 pixel là 4K, thực tế nó là UHD. Còn 4K thật sự phải có độ phân giải 4096 x 2160 pixel.

Như vậy, độ phân giải hình ảnh được đo bằng đơn vị pixel (điểm ảnh), tức 1 chấm li ti trên màn hình. Số lượng điểm ảnh càng lớn, ảnh càng rõ nét. Chẳng hạn, màn hình HD 720 có 1 triệu điểm ảnh, trong khi UHD 4K có tới hơn 8 triệu điểm ảnh.

Mặc dù về lý thuyết, độ phân giải càng cao, hình ảnh càng sắc nét hơn, nhưng để phân biệt được sự khác biệt giữa các độ phân giải HD lại là chuyện khác.

Người ta đã thử nghiệm rằng 1 người có thị lực tốt nhất 20/20 ngồi cách một TV 51 inch khoảng 6 feet (1,8 mét) mới có thể phân biệt được chất lượng hình ảnh gữa HD 720 và HD 1080. Nhưng nếu ngồi xa 10 feet (3 mét), HD 720 hay HD 1080 cũng giống như nhau. Có nghĩa là, càng gần màn hình, mắt càng có thể phân biệt được độ nét của hình ảnh hơn.

Đó là lý do mà người ta khuyên khi muốn thưởng thức độ video Full HD nên chọn màn hình từ 40 inch trở lên và UHD 4K cần màn hình từ 50 inch trở lên.

Với màn hình to đùng như TV mà còn như vậy, thử hỏi trên màn hình smartphone chỉ 6 inch đổ lại, hiệu quả của 2K hay 4K làm sao đạt được tối ưu. Tất nhiên, smartphone có đặc điểm khác TV là người dùng nhìn rất gần, thậm chí có khi dí sát mắt vào, giúp phân biệt độ nét rõ hơn. Ngoài ra, về lý thuyết, với các ảnh tĩnh, mắt con người có thể nhìn lâu hơn, độ phân giải càng cao càng thấy nét hơn. Nhưng có lẽ, giới hạn của màn hình smartphone nên dừng lại ở 2K. Sau khi Sony hồi tháng 9-2015 đưa ra Xperia Z5 Premium là smartphone đầu tiên trên thế giới có màn hình 4K (2160 x 3840 pixel), các hãng khác vẫn chỉ giữ cho các smartphone high-end của mình cao nhất là 2K.

Bên cạnh đó còn có yếu tố mật độ điểm ảnh ppi (pixel per inch density). Theo nhiều nhà chuyên môn, mắt người chỉ có khả năng ghi nhận được mật độ điểm ảnh tối đa là 300 – 480 ppi. Vì thế, mật độ điểm ảnh tới 806ppi của Xperia Z5 Premium là phí của… người.

Mà màn hình có độ phân giải càng cao, càng ngốn điện năng hơn.

Còn nhiều thứ để nói nữa, hẹn một dịp khác, chúng tôi sẽ tiếp tục chia sẻ cùng các bạn.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.

+ Bạn có thể đọc bài trên báo Pháp Luật TP.HCM Chủ nhật 11-9-2016 và trên báo Pháp Luật TP Online

160911-baibao-phapluattp-2_resize