Thứ Ba ngày 16 tháng 4 năm 2024

Vấn nạn SIM “rác”, thuê bao ảo

Liệu lần này nhà chức trách có triệt tận gốc được vấn nạn SIM “rác”, thuê bao ảo vốn hoành hành những năm qua ngày càng thêm trầm trọng? Các quan chức Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định với báo chí rằng đây là trận quyết chiến, làm tới cùng chứ không theo kiểu phong trào như trước. Và theo báo cáo, sau 3 tuần trước sự quyết liệt kiểm tra của bộ chức trách, 5 nhà mạng di động đã khóa dịch vụ của 10,7 triệu SIM “rác” được kích hoạt sẵn, đăng ký sai thông tin. Con số báo cáo này thật ấn tượng so với tổng số 12,2 triệu SIM “rác” đã được xác định lần này.

Sở dĩ đặt lại câu hỏi muôn đời này vì trong những năm qua, sau hết những chiến dịch này, đến những đợt kiểm tra nọ, SIM “rác” vẫn như “đầu Phạm Nhan” chặt hoài không hết nổi, nó không chỉ sống “khỏe” mà còn càng “mọc thêm nhiều đầu” hơn.

SIM “rác” và thuê bao ảo

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến cuối tháng 9-2016, tổng số thuê bao di động tại Việt Nam là 129 triệu (tăng 6% so với cùng kỳ năm trước). Đây lại là một con số ấn tượng nữa nếu so sánh với dân số Việt Nam hiện nay khoảng 92 triệu người. Và nếu trừ đi khoảng 20 triệu người dưới 15 tuổi, độ vênh càng lớn hơn. Đành rằng chuyện một người sở hữu hơn 2 thiết bị di động ngày nay đã là chuyện bình thường, nhưng với số lượng thuê bao di động chênh như vậy, rõ ràng là số thuê bao ảo không hề nhỏ.

Thực tế thuê bao ảo chính là hệ quả của SIM “rác”. Và đây là là điều khiến cho việc xóa sổ SIM “rác” gặp khó khăn, trước hết ngay từ các nhà mạng – nơi sản sinh ra SIM “rác”.

Thiết nghĩ ở đây cũng cần phân biệt rõ ràng giữa SIM trả trước (pre-paid) và SIM “rác” cho dù bản chất 2 loại SIM này đều là SIM được thuê bao trả tiền trước sử dụng sau. Sở dĩ phải phân biệt như vậy là để trả lại sự chính danh và hợp pháp cho SIM trả trước – một loại hình dịch vụ di động có mặt trên khắp thế giới. Nhưng ở Việt Nam và một số nước khác – chủ yếu ở thế giới đang phát triển châu Á, châu Phi, SIM trả trước bị biến tướng trở thành SIM “rác” khi bị nhà mạng sử dụng làm vật khuyến mãi để thu hút khách hàng. Họ bán những loại SIM này thật rẻ nhưng lại có giá trị cước dịch vụ nạp sẵn rất cao, có khi cao hơn nhiều lần. Chẳng hạn 1 SIM khuyến mãi giá 50.000 đồng nhưng có sẵn tiền cước dịch vụ ít thì 70.000 đồng, nhiều thì 100.000 đồng hay hơn thế nữa. Như vậy, đây là những SIM miễn phí cho những thuê bao “cho không”. Người ta mua SIM này, có số điện thoại riêng cho từng SIM, xài hết cước chứa sẵn trong đó thì quẳng SIM đi, mua SIM mới xài tiếp. Và cứ mỗi lần bán ra một SIM mới được kích hoạt, nhà mạng lại kiếm thêm được một thuê bao mới. Đó là lý do mà các nhà mạng trước đây chạy đua nhau về số lượng thuê bao với những con số tăng trưởng hoa cả mắt. Ở đây là một hiệu ứng dắt dây, có số lượng thuê bao đông thì càng dễ quảng cáo để thu hút thêm thuê bao mới.

Bán SIM “rác” vừa có doanh thu, vừa có thêm thuê bao mới, đó là lý do nhà mạng khó lòng từ bỏ SIM “rác”.

Nhưng cái điều quan trọng nhất và chính nhà mạng di động cũng dựa vào đó để bám sống bám chết vào SIM “rác” là lợi ích của người sử dụng. SIM “rác” có lợi thực tế cho cả nhà mạng lẫn người tiêu dùng. Nhờ có SIM “rác” mà người ta có thể sử dụng các dịch vụ di động rẻ hơn nhiều. Thực tế là thị trường SIM đã có phản ứng ngay sau khi nhà chức trách có biên pháp mạnh để xóa sổ SIM “rác”. Hồi hạ tuần tháng 11-2016, nhiều cửa hàng đã tăng giá SIM khuyến mãi, SIM “rác” lên, thậm chí gấp đôi, gấp ba lần mà lại không có sẵn đồng nào trong tài khoản như trước. Theo một số nguồn tin tại những khu vực chuyên kinh doanh SIM ở TP.HCM, SIM 11 số có giá mới từ 50.000 đồng tới 175.000 đồng (so với từ 25.00 đồng tới 50.000 đồng trước đó), SIM 10 số tăng thêm khoảng 50.000 đồng.

Vì đâu nên tội?

Ai cũng rõ SIM “rác” gắn với lợi lộc của cả nhà mạng lẫn người dùng. Đó là lý do mà nó tồn tại bấy lâu nay bên cạnh sự quản lý ầu ơ ví dầu của các cơ quan chức năng. Và cũng rõ ràng, việc triệt SIM “rác” vẫn mang ý nghĩa quản lý nhà nước hơn là vì lợi ích của công chúng.

Thật ra, SIM “rác” lâu nay vẫn là một công cụ gây án của bọn tội phạm. Những lần qua Đài Loan, tôi không thể mua được SIM trả trước vì nhà chức trách chỉ cho phép bán loại SIM này cho các công dân hay thường trú nhân. Một trong những lý do được giải thích là để đề phòng kẻ xấu dùng SIM “rác” không có dấu vết hòng làm những chuyện phạm pháp. Ngay ở Việt Nam, trong những năm qua, bọn tội phạm vẫn dùng SIM “rác” để liên lạc, tống tiền, tống tình,… và đủ thứ chuyện xấu khác.

Trong khi đó, thuê bao ảo (chủ yếu phát sinh SIM “rác”) gây rối loạn thị trường viễn thông, cho ra những con số không thực tế gây nên vô số hệ lụy liên quan. Các nhà quản lý viễn thông buộc tội thuê bao ảo chiếm dụng kho số di động về lâu dài khiến kho số này bị cạn kiệt buộc cơ quan chức năng phải mở thêm những đầu số mới. Thực tế là trong số các số thuê bao di động đã kích hoạt và được coi là tồn tại, có vô số tài khoản không còn được sử dụng nữa.

Theo giới chuyên môn, mấu chốt vấn đề cuối cùng vẫn quay về hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động viễn thông. SIM trả trước sẽ không thể biến thành SIM “rác” nếu như việc kích hoạt được làm đúng quy trình và tuân thủ việc đăng ký thông tin thuê bao. Nhà mạng thay vì chạy đua số lượng thuê bao vô tội vạ như vừa qua, có thể áp dụng khuyến mãi qua những thẻ nạp tiền, tăng tiện ích, tăng thời lượng và dung lượng dịch vụ,… Bằng những hình thức ưu tiên khuyến mãi cho các thuê bao mới, nhà mạng vẫn có thể phát triển được số lượng thuê bao của mình trong vòng kiểm soát. Làm gì thì làm, nhà mạng vẫn phải bảo đảm cho được yêu cầu quản lý thông tin của từng thuê bao. Với quy định số lượng thuê bao mỗi người có thể sở hữu, những người đã hết chỉ tiêu sẽ phải hủy số thuê bao cũ khi muốn dùng một số thuê bao “khuyến mãi” mới.

Tại sao Mỹ và nhiều nước khác vẫn có SIM trả trước mà lại không có vấn nạn SIM “rác”? Điều cơ bản là nhà chức trách quản lý thuê bao chặt chẽ. Cho dù người dùng mua SIM qua mạng, việc quản lý thông tin vẫn chặt chẽ khi thanh toán qua thẻ tín dụng, thẻ ngân hàng, đặc biệt là khi tiến hành kích hoạt SIM qua điện thoại hay Internet. SIM cũng được bán với giá chẳng hề rẻ, và đó là SIM trắng, chưa có số điện thoại mà chỉ có mã số, cho dù có loại có nạp sẵn một số tiền. Một SIM trắng như vậy của nhà mạng T-Mobile giá 20 USD. Một số nhà mạng tặng SIM trắng cho khách hàng nhưng thu phí, có thể là 10 USD, khi kích hoạt SIM. Chỉ khi nào tiến hành kích hoạt SIM trắng này, thuê bao mới có thể được chọn một số điện thoại mới hay lấy lại số đang xài của mình.

Bệnh quỷ cần có thuốc tiên. Đành rằng, SIM “rác” gắn liền với lợi ích tức thời của người dùng, nhưng rồi vì sự sinh tồn của mình, các nhà mạng cũng sẽ tìm ra những chiêu thức mới để chiêu dụ khách hàng mà thôi. Vấn đề ở đây vẫn là các quy định và cơ chế rõ ràng và nghiêm ngặt để quản lý hoạt động phát hành SIM và phát triển thuê bao. Quản lý nhà nước không thể làm ảnh hưởng xấu tới hoạt động kinh doanh chính đáng của nhà mạng và quyền lợi thiết thực của người tiêu dùng. Nhà chức trách cứ việc áp dụng các hình thức chế tài thật nặng đối với nhà mạng khi phát hiện thuê bao ảo (thuê bao không có đăng ký đúng quy định). Cuối cùng vòng trở lại vẫn là hiệu quả của công tác kiểm tra và xử lý sai phạm ra sao?

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.

+ Có thể đọc bài in trên báo Pháp Luật TP.HCM Chủ nhật 4-12-2016 và trên báo Pháp Luật TP Online