Thứ Bảy ngày 27 tháng 4 năm 2024

Quả táo Apple đâu dễ ăn…

 

Cuộc chơi nào rồi cũng có lúc kết thúc. Cuộc chơi kinh doanh ăn theo thương hiệu của người khác mà không được khổ chủ cho phép lại càng phải “game over” sớm hơn, thậm chí không khéo sẽ còn lôi người chơi ra chốn công đường với những hệ lụy “trông thấy mà đau đớn lòng”.

Mới nhất và nóng nhất là vụ hãng công nghệ Apple (Mỹ), thông qua đại diện pháp lý về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) ở Việt Nam, gửi “thư thông báo và khuyến cáo” tới một loạt các cửa hàng kinh doanh và dịch vụ di động yêu cầu phải chấm dứt ngay trong vòng 7 ngày việc “xâm phạm quyền SHTT” của Apple. Nội dung vi phạm phổ biến nhất là sử dụng logo trái táo, thương hiệu Apple, tên các sản phẩm của Apple (iPhone, iPad, MacBook,…) trên các biển hiệu, giấy tờ giao dịch,… Họ làm bài bản, kỹ lưỡng. Thư này được ghi tên từng cửa hàng và có kèm theo cả những chứng cứ (như ảnh chụp biển hiệu cửa hàng,…).

Động thái này của Apple không phải là nhất thời hay sáng nắng chiều mưa. Nó nằm trong một chuỗi các hành động của hãng này trong thời gian qua và càng gay gắt, quyết liệt và khó chịu hơn trong những tháng gần đây. Ảnh hưởng nặng nhất là thị trường hàng xách tay Apple tại Việt Nam – có thể gọi là kênh phân phối lớn nhất và chủ yếu của sản phẩm Apple. Tất nhiên đó là hàng ngoài luồng, hoặc do xách tay từ nước ngoài về, hoặc được người thân ở nước ngoài gửi về, hoặc do những cửa hàng có nguồn hàng từ nước ngoài chuyển về. Apple “trảm” tất tần tật, thậm chí thà giết oan còn hơn tha lầm. Chính sách của Apple cấm các đại lý ủy quyền sở tại bảo hành các thể loại cho hàng Apple xách tay nào không có hóa đơn mua hàng chính hãng. Cho dù chiếc iPhone được mua hợp pháp ở Mỹ để xài ở Mỹ, nhưng được chuyển về xài ở nước khác cũng bị coi là bất hợp pháp.

Không như các thương hiệu khác, Apple quản lý chặt chẽ quy về một mối các sản phẩm của mình. Nếu muốn khôi phục lại thiết đặt ban đầu (reset) hay nâng cấp lên đời phiên bản phần mềm mới, máy cần phải kết nối với chính hãng. Và chiếc iPhone sẽ trở thành “cục gạch” chỉ để ngó chơi cho vui nếu như Apple phát hiện có điều gì sai sai và ra tay khóa nó lại.

Do đặc thù của sản phẩm Apple, mà phổ dụng nhất là chiếc iPhone, lâu nay, người ta nghĩ ra đủ chiêu trò để có thể sở hữu được một thiết bị Apple mà không phải qua các kênh chính hãng, vốn giá đắt hơn hẳn trong cùng phân khúc thị trường. Dĩ nhiên cũng có những cái gọi là hoàn cảnh, tình thế. Hơn 2,5 triệu người Mỹ gốc Việt đang sinh sống ở Mỹ và hầu hết sử dụng iPhone. Và chuyện họ gửi iPhone về tặng cho bạn bè, người thân là chuyện thường ngày ở huyện. Có cái họ đang xài (chiêu quen dùng là khai báo bị mất để được nhận cái khác), nhưng phổ biến nhất là hàng “cũ người mới ta” sau khi đã hết hạn hợp đồng được đổi phiên bản mới. Các chuyên gia của các dịch vụ di động luyện được những bí kíp có thể hô biến chiếc iPhone trong hợp đồng nhà mạng di động Mỹ thành bản quốc tế chạy phà phà ở tận Việt Nam. Apple chưa bao giờ thích chuyện này. Sản phẩm sau khi kết thúc hợp đồng phải cho vào thùng rác để họ có thể bán phiên bản mới. Bên cạnh đó, lượng hàng ngoài luồng đó lạc trôi về Việt Nam sẽ làm rối loạn thị trường, ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của các đối tác ủy quyền sở tại, cũng như quyền lợi của những khách hàng mua hàng chính hãng.

Có thể nói rằng, qua những hoạt động bảo vệ bản quyền SHTT này, Apple đang muốn làm trong sạch thị trường sản phẩm Apple ở Việt Nam theo hướng chỉ có một nguồn là chính hãng. Tất nhiên điều này có lợi cho các đại lý ủy quyền của Apple ở Việt Nam. Nó cũng giúp người tiêu dùng tránh được tình trạng bị rối trí và nhầm lẫn giữa những nơi bán hàng chính hãng và hàng trôi nổi. Chỉ e rằng với cung cách làm ăn “trời thần” của nhiều doanh nghiệp Việt, một khi càng có nhiều hơi hướm độc quyền, họ càng giở trò làm khó cho khách hàng, cụ thể như tăng giá sản phẩm và dịch vụ.

Nếu như Apple đã được Nhà nước Việt Nam bảo hộ các thương hiệu và các yếu tố liên quan tới SHTT, họ có quyền cấm và kiện những ai xâm phạm. Mục 13 Điều 8, Chương 1 của Luật Quảng cáo (2012) cấm quảng cáo vi phạm pháp luật về SHTT. Nhà chức trách Việt Nam mà không xử lý theo luật định thì Apple có thể thưa lên tới tòa quốc tế. Chưa kể, họ có thể đề nghị chính phủ Mỹ có hành động để bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp và công dân nước mình. Nếu để “lầy lội” tới mức đó, lôi chính trị vào kinh doanh, thì thiệt là rách việc.

Và nếu như các thứ có liên quan tới Apple được bảo hộ trên toàn cõi Việt Nam, việc Apple “sờ gáy” các cửa hàng vi phạm sẽ không bị giới hạn tại các thành phố lớn.

Vậy còn các thương hiệu công nghệ khác thì sao? Về nguyên tắc, nếu được bảo hộ quyền SHTT ở Việt Nam, họ cũng có quyền làm như Apple. Nhưng do những nguyên nhân dích dắc riêng, họ sẽ không chọn tốn tiền của vào những chuyện như vậy. Nói thiệt, lẽ ra họ còn phải trả tiền cho các cửa hàng giúp phát tán logo, thương hiệu của họ nữa kia.

Có thêm một diễn biến khác có thể xảy ra là việc Apple khiếu nại cửa hàng dùng logo và tên thương hiệu của họ trên bảng hiệu kinh doanh có thể đánh động nhà chức trách xử lý chuyện “quảng cáo trá hình” trên biển hiệu mà lâu nay có lúc làm gắt củ kiệu rồi lại “lặng lẽ nơi này”. Và chuyện đó mới làm thị trường công nghệ sôi nổi lên. Điều 66 trong Nghị định 158/2013 của Chính phủ quy định phạt 10 tới 15 triệu đồng cho hành vi quảng cáo hàng hóa lẫn với biển hiệu.

Apple đang “tuyên chiến” với những cửa hang sử dung trái phép logo Apple và thương hiệu các sản phẩm của Apple.

Trong khuôn khổ quy định, Apple có thể và có quyền làm những gì để bảo vệ quyền lợi chính đáng cũng như bảo đảm hoạt động kinh doanh hợp pháp của mình. Và với đặc thù của mình, Apple có thể làm những việc mà không hãng công nghệ nào khác có thể hay muốn làm. Tất nhiên họ phải tuân thủ luật pháp ở nước mình kinh doanh. Riêng ở Việt Nam, cho tới nay, Apple chỉ bán hàng thông qua các đại lý ủy quyền và mọi quan hệ chỉ dừng lại giữa hãng và nhà phân phối. Nói thật, thị trường xách tay, hàng trôi nổi luôn là một vấn nạn đau đầu tất cả các hãng chứ không phải chỉ có Apple.

Khi họ lẳng lặng hay làm ngơ, nhà kinh doanh có thể làm gì tùy ý. Nhưng một khi họ lên tiếng, người kinh doanh hợp pháp bắt buộc phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành. Và đó chính là chuyện làm ăn.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.

+ Có thể đọc bài in trên báo Người Lao Động 12-4-2017 và trên báo Người Lao Động Online

edf