Thứ Sáu ngày 06 tháng 12 năm 2024

Old Friend

 

Bạn cũ, bạn xưa, bạn thuở nhỏ… mỗi danh xưng đều gợi ra nhiều xúc cảm, nhưng tâm hồn tôi cảm thấy gần hơn với tiếng gọi “old friend”. Âm thanh “old” như có chút huyền âm “Ohm” của nhà Thiền,  đồng thời nội dung của nó man mác nỗi niềm của tuổi già trong dòng đời.  Cụ John Leonard, một nhà phê bình văn học trứ danh, đã tâm sự, “It takes a long time to grow an old friend”. Có lẽ trong tâm của cụ, cũng như của mọi người, 20 hay 30 năm đã quá đủ để gọi là “a long time”. Vào thời loạn ly, 20 hay 30 năm còn dài hơn thời gian thật của nó, đôi khi đó là tất cả vốn liếng còn lại của một đời người. Sau đó, tất cả cảnh vật và người, qua cuộc bể dâu, đều trở thành old. Nhưng sự xa cách giữa vợ chồng chúng tôi và bác Sơn (*), đã 50 lần thu qua đông tới. Nửa thế kỷ loạn lạc phôi pha, old friends vẫn còn hiện diện đã là may, mà dù bạn còn đó, chẳng dễ gì biết tin nhau. Nay, vào lúc về chiều được gặp lại nhau thì còn gì may mắn hơn.

Bác Sơn tâm sự với tôi, “vì Trang Thủy không thể về Việt Nam, nên tôi qua Mỹ gặp hai người. Tôi quyết lòng như vậy đã lâu.” Tôi nghĩ không có lời chào bạn nào mang nhiều ý nghĩa như thế. Sau năm 1975, bác Sơn từ Kiến Bình lặn lội lên Saigon nhờ em Bách dẫn đường đi tìm vợ chồng tôi. Lần đó bác bị thất vọng vì chúng tôi đã qua Mỹ định cư. Đây là lần thứ 2 bác đi tìm chúng tôi. Lần này bác nhờ hai con là Võ Xuân Quang và Võ Xuân Phong dẫn đường. Chúng tôi gặp nhau ở Elk Grove, bang California. Chúng tôi biết nhau trong lớp tuổi hai mươi, nay gặp lại nhau mọi người đều đã trên bảy mươi. Nhà tôi nói, “Nhìn thầy hồng hào, đẹp lão quá. ”  Bác Sơn trả lời, “Coi vậy chớ mà bên trong tan nát hết cả rồi.” Chúng tôi cùng phá lên cười ha hả và tôi nhận ra đó là âm thanh của thời tuổi hai mươi.

Từ trái qua phải: Xuân Phong (con bác Sơn), bác Xuân Sơn, Martin Duẫn (con trai tôi), Theresa Thư (vợ của Duẫn), Bích Thủy (phu nhân tôi), Xuân Quang (con bác Sơn), tôi (Trang)

 

Sau 50 năm biến dịch, vợ chồng tôi và bác Sơn như ba mảnh puzzle, với những vết cắt xén trong hai thế giới đảo ngược đủ mọi khía cạnh, ráp thành tấm hình old friends. Trong câu chuyện, chúng tôi nhắc tới bác Cao Thành Phát. Hồi đó, trưa nào bốn chúng tôi cũng đi với nhau đến quán cơm. Rồi vào buổi chiều, chúng tôi thường ngồi ở sân cỏ trường THKT nói chuyện gẫu đợi mặt trời lặn.

Tôi xin nói một chút về môi trường đã thành hình tình bạn của chúng tôi. Thuở ấy Kiến Tường là một tỉnh nhỏ, chơ vơ giữa cánh đồng, bao bọc bởi những con sông. Nét linh hoạt của tỉnh là những chiếc xuồng tắc ráng đến rồi đi. Học trò đến trường bằng xuồng. Đám cưới, đám ma đều chuyên chở bằng xuồng. Phố xá trong tỉnh chỉ là những con đường đất khô cằn, tung bụi dưới sức nóng mặt trời. Hai bên lề đường là những căn nhà đơn sơ. Tỉnh lỵ nhỏ nhoi và cuộc sống cũng nhỏ nhoi.

Một buổi sáng không tên, trên đường đến trường, tôi thấy xác một người đàn ông ngồi tựa lưng vào vách của một quán nước. Người ta bảo hắn bị bắn chết đêm qua vì đi trong giờ giới nghiêm. Ai đi ngang qua chỗ đó cũng thấy xác hắn, nhưng không ai dừng lại. Người lớn tránh né cảnh chết chóc để bám víu vào một niềm vui. Học trò thì không muốn trí óc đi xa hơn khuôn viên sân trường. Thỉnh thoảng nửa đêm tỉnh lỵ bị pháo kích. Chúng tôi tung mình ra khỏi giường lủi vào hầm trú ẩn. Sáng hôm sau, chúng tôi chế diễu cái bộ dạng hốt hoảng của nhau đêm qua để ôm bụng cười. Đời sống là mối giao hưởng sống nay chết mai rất hồn nhiên. Phải nói, chúng tôi sống với đầy tiếng cười, vì chúng tôi tiêu giải những vấn đề trầm cảm qua tình bạn và tình thầy trò. Thật nghịch lý, cái thế giới mong manh và tầm thường ấy đối với chúng tôi lại rất quí. Chúng tôi chia sẻ chỉ một phần quá khứ với nhau, nhưng lại là một phần đời quan trọng.

Hồi đó các vị thầy cô của THKT thường tụ lại từng nhóm để mướn nhà chung với nhau. Có lần vào website THKT tôi được biết có hộ gồm 8 quí anh chị, đã lập nhóm “kết nghĩa vườn đào”. Người trong nhóm thân mật gọi nhau là anh em, theo đó anh Dương Đệ là anh Hai, rồi xuống tới chị Lý Thị Kim Oanh là em Út. Tình cảm của quí anh chị vườn đào thật đáng mến. Trái lại chúng tôi có 4 người, trừ nhà tôi được gọi là cô Thủy, còn lại ba chúng tôi đều xưng hô mày tao với nhau. Đến nay, khi mới bắt được liên lạc với bác Sơn qua điện thoại, tôi và bác Sơn buột miệng gọi nhau là mày tao, như hồi xưa, rất tự nhiên. Làm ơn chỉ cho tôi biết lối xưng hô nào tốt hơn khi gọi old friend. Thi sĩ Waldo Emerson đã có một câu triết lý để đời: “It is one of the blessings of old friends that you can afford to be stupid with them.” Lời thơ thật khó chuyển ngữ vì nó nói đến cái ý chứ không bám vào ngôn từ. Câu đó có thể diễn nghĩa là “Một trong những ơn phước của tình old friends là mình được xả láng, chẳng cần câu nệ ý tứ, khi gần nhau.” Dĩ nhiên, tình bạn cốt ở lòng chân tình chứ ai lại đặt tình bạn căn cứ vào sự thông minh hay tiền bạc của bạn. Gần bạn, mình có thể “stupid” mà không có mặc cảm bị chê bai. Chúng tôi có làm chuyện gì khờ dại không nhỉ? Tôi nghĩ là có, chẳng phải một mà là khá nhiều, chẳng hạn bốn người chúng tôi đi tắm sông Vàm Cỏ Tây bì bõm cười đùa như trẻ thơ.

Trò Kiến Đen Phạm Hồng Phước nói diễu cái vườn sau nhà tôi là “Động Đình hồ”. Thực ra thì cũng có một “cái” xin lộng ngôn gọi là hồ. Trong hồ có sen, có bầy cá vàng “trông giống như cá chép” và hai con cóc. Tôi đưa bác Sơn ra “Động Đình hồ” để khỏi mang tiếng là xù show, vì Phạm Hồng Phước đã quảng cáo trước với bà con. Sáng đầu xuân trời se lạnh, nhưng bác Sơn cởi áo gió máng sau lưng. Bác muốn hiện diện trong bộ áo thương hiệu của bác. (Thương hiệu của tôi là bộ râu. Thương hiệu của bà nhà tôi là dây Thánh Giá đeo trước ngực).

Từ trái qua phải: Võ Xuân Phong và Võ Xuân Quang

Hai cháu Võ Xuân Phong và Võ Xuân Quang rất đáng mến và lịch thiệp. Hai cháu là 2 sự đối nghịch độc đáo. Cháu Quang người đầy đặn, ăn nói hoạt bát. Cháu Phong người mảnh khảnh, ăn nói từ tốn. Hai cháu là khách mà cuối cùng lại vô tư là người đầu bếp cho cả nhà. Phong và Quang cùng bác Sơn được bạn của Quang đưa đi chơi vùng vịnh San Francisco. Buổi chiều ba cha con trở lại Sacramento bằng xe đò. Được tin nhắn đi đón, tôi rất ngạc nhiên, vì quả thật tôi ở đây lâu mà chưa hề biết có xe đò đi San Francisco.

Trong công viên trước điện The California State Capitol building.

Các thi sĩ thường ví von màu tóc bạc là màu của sương gió, hay là màu bụi thời gian. Nhìn mái tóc bạc của bác Sơn thật khó mà nghĩ tới làn mây bụi thời gian. Mái tóc cứ bất khuất dựng đứng. Giọng nói của bác vẫn oang oang pha một chút âm hưởng “thầy giáo giảng bài”. Nhìn mái tóc nghe giọng cười không đổi là thấy cái nội tại của bạn. Nó vẫn luôn luôn là thế không hề bị xâm phạm bất chấp thời gian vùi dập.

Bạn cũ đến thăm rồi cũng phải về, nhưng quãng đứt từ 50 năm qua đã được nối. Đời sống có những cái có tên và còn nhiều cái không có tên. Chúng là những cái chỉ tâm hồn mới nhìn thấy. Tất cả đều run rẩy đón nhận sự sống. Cám ơn bác Sơn, my old friend, và hai cháu Phong và Quang đã đến thăm.

ĐỖ NGỌC TRANG

(Elk Grove 21-4-2017)

(*) Thầy Võ Xuân Sơn.

Thầy Sơn và cô Võ Bích Thủy (em gái thầy Sơn) đang trò chuyện qua điện thoại Internet với cô Thủy, thầy Trang ở Mỹ trong cuộc họp mặt Gia đình THKT lần đầu tiên tại nhà thầy Cao Thành Phát (Gò Công) ngày 8-2-2010. Lần đầu tiên họ được nhìn thấy nhau sau gần 50 năm xa cách.

Thầy Sơn (bìa trái), cô Nguyễn Thị Bích Thủy, thầy Đỗ Ngọc Trang và người bạn hồi mới về dạy ở Kiến Tường. Khu cư xá bên sông Vàm Cỏ Tây.

Cô Nguyễn Thị Bích Thủy và thầy Đỗ Ngọc Trang trong ngày thầy Sơn “sang ngang”. Ảnh chụp trước nhà “nhạc phụ đại nhân” của thầy Sơn.