Thứ Bảy ngày 20 tháng 4 năm 2024

Thượng cái mà lưu

Tôi đã phải gọi tới vở vũ nhạc kịch hài (comédie-ballet) “Trưởng giả học làm sang” (Le Bourgeois gentilhomme) của kịch tác gia bất hủ Pháp Molière (1622-1673).

Người ta “rầy” những người “thượng lưu mà có hành vi hạ đẳng”. Thiệt ra, “rầy” là “thượng lưu” hóa ra ta đã xác thực verify cho cái danh phận mà họ hằng mơ ước. Tôi thì xác tín, họ chỉ là những người giàu nứt đố đổ vách thôi, thậm chí là “nhân vật của công chúng”, chớ hỗng phải là thượng lưu.

Tôi nói chung là thích cách giải thích của bạn Frank Dang trên Yahoo Hỏi và Đáp cách đây 4 năm: “Thượng lưu thực chất là tầng lớp tinh hoa có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sinh hoạt xã hội, trong đó có văn hóa, kinh tế, chính trị, nghệ thuật….Hiểu theo đúng nghĩa thì họ là tầng lớp có kiến thức, trí tuệ ưu việt, có tài sản lớn, có địa vị trong xã hội. Có thể họ có tất cả những yếu tố trên hoặc chỉ một hoặc một vài yếu tố đó. Tuy nhiên, ngày nay đôi khi bị nhầm lẫn với tầng lớp mới giàu. Tầng lớp này có tài sản lớn nhưng chưa kịp trang bị cho mình những tinh hoa của xã hội để có trách nhiệm với xã hội. Thực chất đó chỉ là những trọc phú chứ chưa phải thượng lưu. Thậm chí, đám trọc phú dù rất giàu nhưng khi tiếp xúc với giới thượng lưu thực sự thì họ vẫn bị “quê” dù có thể trọc phú giầu hơn nhiều lần. Đó chính là tinh hoa từ giới thượng lưu bộc lộ ra.”

Có thể nói rằng, thượng lưu mang tầm giá trị tinh thần, còn đại gia hay trọc phú là giá trị vật chất.



Nếu từng đọc qua tài liệu hay văn học về thời Pháp thuộc ở Việt Nam, bạn ắt biết có những người Việt cực giàu có nhưng vẫn không thể nào được dung nạp vào tầng lớp dân Tây thượng lưu.

Còn trên thế giới, tầng lớp thượng lưu và quý tộc có những chuẩn mực riêng của họ về văn hóa và tinh thần để khẳng định đẳng cấp bên trên thượng tầng xã hội của mình. Điều tốt đẹp là không phải tất cả các chuẩn mực của giới thượng lưu đó đều thuộc loại “sang chảnh”. Có rất nhiều chuẩn mực là những cái mốc để người ta vươn tới mà phát triển con người, thoát phần “con” để tăng phần “người”.

Xã hội có những kẻ giàu mà không sang, cũng như có những người nghèo mà chẳng hèn. Gõ phím tới đây, tôi bỗng dưng trào dâng cảm xúc, uất nghẹn, không thể tiếp tục mà chỉ ráng viết thêm 6 chữ: “Tôi đã nghèo mà còn hèn”.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.