Thứ Hai ngày 29 tháng 4 năm 2024

Tem xuất xứ trên trái dưa hấu

Một số báo chí vừa cho lên sóng vụ nông dân Phú Ninh (Quảng Nam) phải dán những con tem được người mua in sẵn lên những trái dưa hấu thì mới được chất lên xe tải. Đây là tem xuất xứ hàng hóa. Nội dung mã hóa QR cho biết dưa có nguồn gốc ở Việt Nam. Vấn đề trở thành vấn đề là các con tem này in chữ Trung Quốc.

Nông dân cho biết họ phải dán tem này để xuất dưa hấu qua thị trường Trung Quốc

Kết quả do công ty dịch vụ Trung Quốc CCIC quét mã QR trên tem cho thấy dưa hấu có xuất xứ từ Việt Nam.


Kết quả do công ty dịch vụ Trung Quốc CCIC quét mã QR trên tem cho thấy dưa hấu có xuất xứ từ Việt Nam.

Vậy là có người rần rần lên với tinh thần bài Trung cao độ bất chấp. Hễ cái gì có dính tới Trung Quốc là thiếu điều “truy cùng diệt tận”. Nông dân có làm sai trái không? Phải chiếu theo quy định và thông lệ, ở đây là ngoại thương nên mang tính quốc tế, mà xem xét, quyết định.

Tôi nghĩ, nếu dưa hấu dán tem xuất xứ bằng chữ Trung Quốc mà bán ở Việt Nam là sai rồi. Còn nếu dán như vậy để xuất qua Trung Quốc lại là chuyện khác.

Nhiều nước bắt buộc hàng nhập khẩu phải có tem và nhãn phụ ghi xuất xứ bằng tiếng nước sở tại. Viêt Nam cũng vậy. Hàng nước ngoài muốn bán ở Việt Nam phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Ai không dán tem phụ hay in tem thiếu chi tiết, không đúng quy cách là bị xử phạt hộc máu luôn chớ hỗng giỡn. Để tiện cho tất cả, không ít nhà sản xuất ở nước ngoài đã in luôn phần tiếng Việt lên nhãn và bao bì của mình vào Việt Nam thì không cần tốn thêm công đoạn in dán nhãn phụ nữa. Chẳng lẽ họ cũng bị nước họ coi là sai trái?

Thiệt ra, nếu việc dán tem xuất xứ này do chính nhà nhập khẩu dán sau khi hàng hóa đã được thông quan sang nước họ thì tốt cho tất cả. Nhưng tất cả phải tùy vào các điều khoản hợp đồng xuất nhập khẩu giữa doanh nghiệp hai nước. Cụ thể là đầu mối xuất khẩu của Việt Nam phải đạt được thỏa thuận với phía Trung Quốc như vậy.

Mà chẳng lẽ nếu nhà nhập khẩu cứ kiên quyết yêu cầu phải dán sẵn tem xuất xứ theo mẫu chuẩn của họ thì họ mới nhận hàng, ta lại cứ khăng khăng bác bỏ yêu cầu đó bất chấp người sản xuất có thể không bán được sản phẩm. Trên thương trường, có những thứ mà người bán phải chấp nhận yêu cầu của người mua, và có những thứ ngược lại. Đừng nên cứng nhắc và cố chấp. Hãy để thị trường vận động theo quy chế thị trường – trừ phi ta chớ hề có nền kinh tế thị trường (không có gắn thêm cái đuôi chính trị ở đây).

Con tem có kích thước nhỏ mà có ý nghĩa lớn. Nhưng đáng sợ nhất là khi một chuyện nhỏ bị làm cho lớn chuyện một cách bất chấp.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.