Thứ Bảy ngày 16 tháng 11 năm 2024

Ngày hòa bình

Có lẽ hầu hết những người sinh từ năm 1970 trở về trước cho tới nay vẫn nhớ được những gì đã diễn ra ở Việt Nam trong những ngày cuối tháng 4 cách đây 44 năm, tức năm 1975. Đó là những người sống với 2 ký ức và 2 vế của lịch sử. Còn những người sinh vài năm trước 1975 và sau năm 1975 trở đi chỉ có thể nghe nói về trước 1975 và chỉ sống với một vế của lịch sử mà họ sinh ra và lớn lên. Và đó chính là một đặc trưng lịch sử của xã hội Việt Nam, dẫn tới một thực tiễn là suốt 44 năm qua, chí ít là ở những góc cạnh nào đó, người Việt vẫn còn tranh cãi nhau về bên này, bên kia.

Tôi luôn thiệt vui mỗi khi thấy có ai gọi ngày 30-4 là “ngày thống nhất đất nước” hay dài hơn một chút là “ngày chấm dứt chiến tranh, thống nhất đất nước”. Về nguyên tắc, đó thật sự là ngày chấm dứt cuộc Chiến tranh Việt Nam (ở đây tôi đành tránh dùng từ “nội chiến” quá nhạy cảm) và tiến tới thống nhất đất nước. Về lịch sử, ngày 25-4-1976, hai nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (miền Bắc) và Cộng hòa miền Nam Việt Nam (miền Nam) tiến hành cuộc tổng tuyển cử thống nhất trên cả nước bầu ra Quốc hội chung cả nước, nhưng vẫn gọi là Quốc hội Khóa 6 (1976-1981) kế thừa Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời từ năm 1946. Và tại kỳ họp thứ nhất từ ngày 24-6 đến ngày 3-7-1976, một nước Việt Nam thống nhất mới chính thức ra đời với tên gọi hoàn toàn mới là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (có lẽ do ảnh hưởng bởi Liên Xô, có tên gọi chính thức là Liên bang CHXNCN Xô viết). Mặc dù vậy trên thực tế và trong lòng người, từ ngày 30-4-1975, cả giang san Việt Nam đã quy về một mối.

Còn nhớ, trong dịp kỷ niệm 30 năm ngày đất nước về một dải “từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái”, nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có cuộc trao đổi với phóng viên tuần báo Quốc Tế (Bộ Ngoại giao) về những kỷ niệm ngày tiếp quản Sài Gòn và những bức xúc trước thời cuộc. Trong bài báo tên “Những đòi hỏi mới của thời cuộc” in trên báo Tổ Quốc ngày 31-3-2005, ông Kiệt trải lòng: “Chiến thắng của chúng ta là vĩ đại, nhưng chúng ta cũng đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và nhiều mất mát. Lịch sử đã đặt nhiều gia đình người dân miền Nam rơi vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia, ngay cả họ hàng tôi cũng như vậy. Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm nó thêm rỉ máu.”

Lịch sử đã khiến cho tháng 3 và tháng 4-1975 trở thành 2 tháng cuối cùng của cuộc Chiến tranh Việt Nam, nhưng đồng thời cũng là 2 tháng nhiều tang tóc nhất trải dài trên khắp đất nước Việt Nam. Từ đó trở đi, hai tháng 3 và 4 hàng năm vừa là ngày vui của nhiều người, nhưng cũng là những ngày giỗ diễn ra hàng loạt rộng khắp đất nước.

Tôi không thể vui khi thấy có những bạn mình cho tới nay vẫn đón ngày 30-4 với tâm thế của ngày “giải phóng miền Nam”. Có thể với những bên nào đó, điều đó có thể hiểu được, nhưng chỉ trong những năm đầu nay đã xa. Tôi nói thẳng rằng, chừng nào vẫn còn tâm thế như vậy thì khi đó chuyện hòa giải, hòa hợp dân tộc chỉ là điều đầu môi chót lưỡi.

Thiệt lòng, tôi sẽ hạnh phúc biết bao nếu như được gọi ngày 30-4 là “Ngày Việt Nam Hòa bình”, hay nói gọn là “Ngày Hòa bình”.

Các việc diễn ra chỉ sau một giây đã trở thành quá khứ và lịch sử mà người ta chỉ có thể đảo ngược trở lại bằng Cỗ máy Thời gian trong phim khoa học giả tưởng của Kinh đô điện ảnh Hồ Ly Vọng (Hollywood). Huống chi đã 44 năm trôi qua. Không ai được quyền quên quá khứ, đối với một dân tộc đó là lịch sử, nhưng phải hiểu đó là quá khứ và lịch sử để làm nền tảng mà nhìn về tương lai – có thể cùng với nhau. Luôn ghi nhớ quá khứ u buồn, không phải để ghim gút hận thù và nung nấu trả thù, mà là để không cho quá khứ như vậy tái diễn, cũng như là để biết trân quý hiện tại và hướng tới tương lai.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.