Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Nghỉ lễ nghỉ làm

Một nền kinh tế có năng suất lao động vào hàng đầu thế giới về… thấp.

Theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố cuối năm 2017, năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2017 ước tính đạt 93,2 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 4.159 USD/lao động). Tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2017 tăng 6% so với năm 2016, bình quân giai đoạn 2011-2017 tăng 4,7%/năm. Tổng cục Thống kê cho biết, năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua tuy có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN gồm 10 nước. Tuy nhiên, mức năng suất của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực. Tính theo sức mua tương đương năm 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7% của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia; 56,7% của Philippines và bằng 87,4% năng suất lao động của Lào.

Một đất nước chuyên tính mốc thời gian của năm bằng các ngày nghỉ lễ hay ngày lễ hội lớn.

Sau Tết Tây (tháng 1) là Tết Ta (tháng 2); rồi Quốc tế Phụ nữ (tháng 3); Giỗ Tổ Hùng Vương (tháng 4); sau đó là 30-4 và 1-5; rồi Quốc tế Thiếu nhi (tháng 6); ngày 27-7; Cách mạng tháng Tám (tháng 8); Quốc khánh (tháng 9); ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10); ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11); Noel (tháng 12). Xoay vòng lại tới Tết Tây.

Không chỉ có Tết Âm lịch được nghỉ dài ngày là chuyện truyền thống, trong năm còn có những đợt nghỉ lễ dài lê thê vốn là con đẻ của chiêu thức mang tên “nghỉ bù”. Nghỉ nhiều tất nhiên là người lao động khoái và ngành du lịch, vận chuyển hành khách hưởng lợi. Nhưng doanh nghiệp nói chung bị ảnh hưởng, hoạt động sản xuất và kinh doanh bị đình trệ – mà tình trạng này về lâu dài dẫn tới ảnh hưởng trực tiếp tới nồi cơm của người lao động (bi kịch là nghỉ lâu, đi chơi nhiều, tốn tiền nhiều, giảm thu nhập hay công việc trở nên bấp bênh do doanh nghiệp gặp khó khăn). Trong thời hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các hoạt động có dính dáng tới ngoại thương, giao dịch quốc tế, hợp tác nước ngoài,… chịu ảnh hưởng nghiêm trọng vì các kỳ nghỉ lễ dài lê thê của Việt Nam. Phía Việt Nam nghỉ trong khi cả bộ máy toàn cầu của người ta vẫn hoạt động ắt không thể tránh khỏi cảnh rối hàng tiền đạo hay hậu vệ. Chỉ nội chuyện Việt Nam nghỉ Tết Âm lịch lê thê cũng đủ méo mặt mà người ta đành phải chịu rồi.

Chỉ tính từ đầu năm 2019 tới nay, người lao động ở Việt Nam đã được nghỉ 3 đợt dài ngày, gồm đợt Tết Âm lịch (9 ngày); đợt Giỗ Tổ Hùng Vương (3 ngày); và mới nhất là đợt 30-4/1-5 (5 ngày). Tất cả diễn ra trong vòng… 4 tháng.

Theo World Atlas, Việt Nam về chính thức vốn không nằm trong số những nước có tổng số ngày nghỉ lễ trong năm nhiều nhất thế giới. Mỹ trong năm 2019 có 14 ngày nghỉ lễ cấp Liên bang (Federal public holiday). Vấn đề ở đây là những đợt nghỉ lễ dài lê thê ở Việt Nam. Và chính điều này đã đẩy Việt Nam trong năm 2019 vào Top những nước có nhiều ngày nghỉ lễ nhất thế giới (tới 21 ngày) – xếp hạng 3, tương đương Ấn Độ.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.