Thứ Sáu ngày 15 tháng 11 năm 2024

Còn nhiều chuyện khác quan trọng hơn…

Đầu tuần mới lại ngay chóc giữa tháng 7-2019 rồi, tôi xin phép được nói đôi điều về chuyện cái lu. Theo thiển ý của mình, tôi nghĩ tới đây là quá đủ rồi. Rất mong các bạn tôi không tiếp tục đẩy vấn đề đi quá xa, vượt qua khỏi tầm kiểm soát của chính mình. Chúng ta đang còn những chuyện khác chung quanh mình, thiết thực hơn để quan tâm. Mặc dù không thể bỏ qua như không có gì, nhưng chúng ta biết coi đó như những mảnh ghép Lego của dòng đời, có những thứ chỉ như gia vị nêm nếm cho cuộc đời có thêm mùi vị. Nếu không chịu buông bỏ cho chúng trôi theo dòng đời, ta lại rơi vào cái khía cạnh “tích tụ nước” thay vì “thoát nước” chất chồng lâu dần dành thành khối u nặng lòng.

Thiệt tình, trong những ngày qua, tôi hoàn toàn không đồng tình với việc tung lên mạng những chi tiết mang tính cá nhân, riêng tư, đặc biệt là cả số điện thoại di động của người ấy. Tất nhiên, tôi cũng không bao giờ Like những nội dung mang tính thóa mạ, chửi rủa, bêu riếu, xúc phạm quá đáng tới người ấy. Khổ nỗi, định mệnh, người Việt ta rất tài trong việc nối vận ráp vần nên từ cái “lu” quá dễ nhảy thành cái “ngu”, và hơn thế nữa! Tôi nghĩ, nhiều người nói vậy do nó trơn tru vần điệu quen miệng thôi chớ trong bụng chưa hẳn đã chửi ai đó là “ngu”. Tin tôi đi, lên tới level, cảnh giới đó, người ta không thể là “ngu” toàn tập đâu. Ờ hén, có lẽ nào mình chê người ta ăn nói hồ đồ mà mình lại thể hiện kém “lady and gentleman” thơm tho hương Channel 5 vậy sao? Bất luận thế nào, người ấy vẫn là một phụ nữ – đối tượng luôn được xã hội toàn cầu dành cho một cách xử thế mang bóng dáng hoa hồng. Tôi lại trộm vía nghĩ mình sẽ có cảm giác mất thần thái ra sao nếu như một người bạn hay một người thân của mình bị thiên hạ đưa ra làm trò cười chỉ vì một case “lỡ lời” hay thậm chí “lỡ lầm”. 

Và cũng thiệt tình, ban đầu, tôi nghĩ người ấy lỡ lời. Nhưng sau đó, xuất hiện chính thức thêm chuyện người ấy vốn đang là một đại diện cử tri lại mưu cầu dùng luật pháp để xử lý những cử tri phản bác mình (đành rằng có chuyện quá đáng của một bộ phận cử tri “giang cư mận”, tuy nhiên đó là chuyện nhức nhối khác, xin không đề cập ở đây) và thêm cái “sáng kiến thứ hai” là trục xuất về quê cũ những dân nhập cư xả rác bừa bãi – hay nói rộng ra là thiếu nếp sống văn hóa theo câu hát “Anh ơi đô thành ở đây em sống không quen” (trong bài hát Tàu Về Quê Hương của nhạc sĩ Trần Quý) mà người ấy thốt lên giữa nghị trường. Mọi chuyện cứ bày ra như một hệ sinh thái, khiến có lúc, tôi hoang mang, e rằng người ấy không phải diện “lỡ lời” mà thuộc dạng “lỡ lầm”. Mà thôi, dù sao cũng đủ mùi vị rồi…

Bất luận thế nào, tôi nghĩ mình cũng nên ghi nhận những ý kiến đóng góp của người ấy. Chuyện những ý kiến đó có “ngô nghê” như thế nào so với đẳng cấp công khai và được cầu chứng tại tòa của người ấy lại là chuyện khác. Hơn nữa, hỗm rày, nhiều nhà chuyên môn thật sự đã phân tích thấu đáo về “sáng kiến” này, (không phải là một số ít người lộ ra ý định “bưng lu” bổ sung vào đội ngũ “bưng bô” xưa nay). Thực tế chúng ta phải chấp nhận: ngay cả những nhà chuyên môn có uy tín, có bằng cấp chuyên ngành hẳn hoi mà có khi còn ứng xử, nói năng về chuyện của mình tào lao cứ như bị bà nhập, vong vật nữa là những người ngoại giáo. Ừ, cứ coi đó là những ý kiến đóng góp, nếu thấy tức cười hay buồn cười thì cứ cười, rồi thôi, vì nếu khả thi thì làm, không thì nghe qua chơi.

Tôi đồng tình với người ấy khi phân bua rằng nếu cứ bị ném đá, phản ứng – nhiều khi là “auto chửi” như vậy thì sau này có ai dám có ý kiến ý cò gì nữa. Mà nghĩ cũng gian nan thiệt, ngậm miệng nín thở qua sông cho hết giờ họp, mãn nhiệm kỳ nào tránh bị thiên hạ chửi. Vậy nên mới đề cập tới văn hóa nói, trình độ nói. Cần nói, nhưng chỉ nói cái cần, chớ không thể bạ cái gì cũng nói hay nói ẩu tả.

Tôi luôn khoái những người hăng hái phát biểu ý kiến tranh luận và đóng góp trong các cuộc họp. Chỉ có điều, tùy cương vị mỗi người mà thực hiện một cách nghiêm túc, không thể muốn nói gì thì nói, làm gì thì làm. Ở một đẳng cấp cao và giữa một sự kiện quan trọng, người ta không thể nói như chuyện phiếm, trà dư tửu hậu, tào lao bát xế giữa bạn bè.

Ờ, đã làm khoa học thì phải hành xử một cách khoa học. Nhà khoa học thật sự luôn phải đặt ý kiến của mình giữa các giải pháp tổng thế, săm soi đa chiều đa kích, nghiên cứu mọi khía cạnh ảnh hưởng, cả hiện tại lẫn tương lai. Và làm khoa học thì phải chấp nhận phản biện và biết thức thời, lắng nghe, phân tích và thừa nhận cái được và chưa được của ý kiến của mình. Một khi xác quyết là mình đúng, ta có thể bảo lưu ý kiến của mình lẫn của thiên hạ, và nên xem xét lại coi phải chăng ta chưa đủ khả năng truyền thông cho người khác thấu đáo.

Cuối cùng, mong rằng không có quan hệ chi nhau, chúng ta đang có sự nhầm lẫn giữa “người trí thức” và “người có bằng cấp”. Về lý thuyết và theo truyền thống quốc tế từ cổ chí kim từ Đông sang Tây, bằng cấp có thể được coi là một loại dấu chỉ xác nhận trí thức. Chỉ có điều, nhận định này từ lâu rồi không còn đúng với cái thực tế bát nháo ở xứ mình. Vậy mới có chuyện “học giả” có “bằng thật” giữa cái vũng đời đảo lộn tùng phèo nhiều giá trị xã hội.

Mong rằng đây là một bài học kinh nghiệm mới của người ấy và hết thảy chúng ta.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.