Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

Sự lựa chọn cho hôm nay và ngày mai

Hình ảnh một cô gái trẻ quỳ dưới đất với hai tay bị trói quặt ra phía sau lưng bằng sợi dây nhựa chuyên dụng thay còng đã trở thành một trong những hình ảnh mang tính biểu tượng cho cuộc đấu tranh của giới trẻ Hong Kong hiện nay. Cô gái này là một trong những người biểu tình bị cảnh sát chống bạo động Hong Kong bắt giữ.

Thay vì chưng diện, trang điểm tạo dáng chụp ảnh tự sướng khoe trên Facebook, Twitter và các mạng xã hội như đại đa số người đồng trang lứa bình thường khác, cô gái này cùng rất nhiều bạn trẻ Hong Kong khác đã quyết định lựa chọn tham gia làn sóng biểu tình phản đối bùng nổ ở Đặc khu hành chính (Special Administrative Region) thuộc Trung Quốc này từ tháng 6-2019 tới nay. Họ chấp nhận bị hành hạ thân xác, đối đầu với bị bắt giữ ở tù, thậm chí bị mất mạng. (Có những thông tin nói rằng trong cao độ biểu tình nặng bạo lực cuối tuần qua, không ít bạn trẻ đã nói lời từ biệt với gia đình mình. Họ nhận thức và chấp nhận dấn thân).

Những người lựa chọn nghiệt ngã này nói rằng họ đấu tranh vì cuộc sống hiện tại của mình và tương lai của họ và con cháu. Họ không được cho sự lựa chọn nào khác nếu không muốn cam chịu. Ở độ tuổi đôi mươi hiện nay, hầu hết họ chưa từng trải qua hay chỉ sống vài ba năm lúc nhỏ xíu đối với cuộc sống Hong Kong trước khi được Anh trao trả lại cho Trung Quốc vào ngày 1-7-1997. Cuộc sống “thời đó” chủ yếu là hoài niệm và có trong những câu chuyện kể của cha ông họ. Nhưng họ hiểu giá trị của cuộc sống đó. Sau một thời gian dài là thuộc địa của Anh (sau cuộc Chiến tranh Nha phiến lần thứ nhất –  First Opium War năm 1842), vào thời điềm được trao trả cho Trung Quốc và hiện nay, Hong Kong đã vươn lên trở thành một trong những trung tâm tài chính lớn nhất thế giới, có thị trường chứng khoán Hong Kong Stock Exchange lớn thứ 7 trên thế giới; nền kinh tế lớn thứ 35 của thế giới; một trong 4 con rồng kinh tế mới ở Châu Á (3 con rồng kia là Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan);  xếp thứ 7 về Chỉ số Phát triển Con người của Liên Hiệp Quốc; cảng container sầm uất thứ 7 của thế giới; cảng hàng hóa hàng không quốc tế tấp nập nhất thế giới; có nhiều nhà chọc trời hơn bất cứ thành phố nào trên thế giới; có tuổi thọ cư dân thuộc hàng thọ nhất thế giới,… Và vượt trên tất cả là những giá trị nhân bản, nhân văn, khai phóng ảnh hưởng từ văn hóa và văn minh Phương Tây – cụ thể là Anh. Bắc Kinh cam kết cai quản Hong Kong theo nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” (one country, two systems), cho Đặc khu HKSAR hưởng “một mức độ tự trị cao, trừ các vấn đề về quốc phòng và ngoại giao” trong suốt 50 năm sau khi trao trả (tức tới năm 2047). Nhưng mới “chung sống” được hơn 20 năm, người Hong Kong đã có thể mường tượng được tương lai sắp tới của mình như thế nào rồi… Họ lâm vào tình cảnh như trong ca khúc Đời Không Như Là Mơ của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng: “Đời không như là mơ / Nên đời thường giết chết mộng mơ).

Cuộc biểu tình gọi là “2019 Hong Kong protests” hay “Phong trào chống dự luật dẫn độ” (Anti-Extradition Law Amendment Bill (Anti-ELAB) movement) bùng nổ từ giữa năm 2019. Những người ủng hộ dân chủ lo sợ rằng dự thảo luật này là dấu hiệu gia tăng sự kiểm soát Hong Kong từ Bắc Kinh. Cuộc biểu tình tuần hành đầu tiên được tổ chức ngày 9-6-2019 với 1 triệu người tham gia yêu cầu rút bỏ dự luật này. Sau đó, theo sự phát triển của tình hình, phía biểu tình đưa ra thêm 4 yêu cầu nữa.

5 yêu cầu của phong trào phản đối ở Hong Kong gồm:

1. Rút bỏ hoàn toàn dự thảo luật dẫn độ khỏi tiến trình phê chuẩn nó (Complete withdrawal of the extradition bill from the legislative process).

2. Nhà cầm quyền Hong Kong rút bỏ việc gọi cuộc biểu tình là “bạo loạn” mà họ đưa ra từ sau cuộc biểu tình ngày 12-6-2019. (Retraction of the “riot” characterisation).

3. Thả và miễn tội cho các người biểu tình đã bị bắt giam (Release and exoneration of arrested protesters).

4. Thành lập một ủy ban điều tra độc lập về hành vi của cảnh sát và việc cảnh sát dùng vũ lực trong các cuộc biểu tình của phong trào phản đối. (Establishment of an independent commission of inquiry into police conduct and use of force during the protests).

5. Đặc khu trưởng Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) phải từ chức và áp dụng thể thức bầu cử phổ thông cho các cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp và Đặc khu trưởng. (Resignation of Carrie Lam and the implementation of universal suffrage for Legislative Council and Chief Executive elections).

Nhà cầm quyền Hong Kong tuyên bố dự luật dẫn độ đã chính thức được rút bỏ vào ngày 23-10-2019, nhưng vẫn từ chối 4 yêu cầu còn lại.

Và thế là, làn sóng biểu tình phản đối vẫn tiếp diễn. Điều nguy hiểm là phong trào biểu tình đã chuyển từ ôn hòa, bất bạo động sang dùng bạo lực. Và bạo lực gọi bạo lực. Tình hình biểu tình chống đối ở Hong Kong đang ngày càng leo thang bạo lực từ cả 2 phía: người biểu tình và cảnh sát. (Nếu tin vào những hình ảnh trên báo chí quốc tế là sự thật, bạn ắt hoang mang khi nhìn thấy những loại vũ khí mà những người biểu tình chuẩn bị hay đã sử dụng. Bạn cũng ắt nhói lòng khi nhìn thấy cảnh sát Hong Kong “mạnh tay” giáng trả ra sao. Nguy hiểm quá. )

Phải chăng cuộc khủng hoảng (hay biến động) Hong Kong này chỉ có thể được giải quyết bằng một trong 2 giải pháp: hoặc thương thảo hòa bình tìm ra tiếng nói chung để cùng chung sống – chí ít là gần 30 năm nữa, hoặc bị đẩy tới đỉnh điểm của bạo lực để đổ vỡ? Chính người Hong Kong sẽ phải lựa chọn cho mình, nhất là khi về công pháp quốc tế, Hong Kong là một phần lãnh thổ hợp pháp của Trung Quốc, mà bên ngoài dính vào là bị coi như can thiệp vào chuyện nội bộ nhà người khác. Chỉ sợ là có bóng ma ủ mưu, lợi dụng cho những mưu đồ chính trị của ai đó khiến những người dân bị biến thành những nạn nhân.

P.H.P.

+ Ảnh: Internet. Thanks.