Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Một số nhà trí thức ký thư thỉnh nguyện Đà Nẵng dùng tên 2 vị giáo sĩ có công với chữ quốc ngữ để đặt tên đường

Sau khi xảy ra vụ một nhóm 12 người được coi là thuộc giới trí thức, chủ yếu ở Huế, ký đơn kiến nghị TP Đà Nẵng không lấy tên hai vị giáo sĩ thừa sai phương Tây Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes để đặt tên đường phố, một nhóm trí thức gồm giáo sư, tiến sĩ, nhà báo, nhà văn, nhà điêu khắc, bác sĩ, luật sư… chủ yếu ở Đà Nẵng đồng ký tên vào thư thỉnh nguyện TP. Đà Nẵng dùng tên 2 vị giáo sĩ xưa nay được công nhận là những người có công lớn với việc sáng tạo và truyền bá chữ quốc ngữ để đặt tên đường.

Rối à nghen.

Bây giờ, quyết định là ở chính quyền Đà Nẵng. Mà có chuyện kỳ kỳ là chuyện đặt tên đường ở Đà Nẵng mà nhóm 12 ở tận Huế lại có ý kiến phản đối.

Tất nhiên, nếu tôn trọng tự do và dân chủ, ai cũng có quyền thể hiện ý kiến của mình, thậm chí có quyền phản biện đối với những vấn đề mình không đồng tình. Và cũng tất nhiên, người có ý kiến phải chịu trách nhiệm về ý kiến của mình. Và lại cũng tất nhiên, không phải các ý kiến phản biện đều đúng hết hay đúng 100%. Cũng có những trường hợp đúng mà không hợp. Vì thế, quyền quyết định vẫn là ở những người hữu trách.

Tôi nghĩ, trong trường hợp này, nếu không tự tin vào quyết định của mình, cơ quan hữu trách Đà Nẵng có thể tổ chức thăm dò ý kiến người dân TP mình thông qua website của thành phố và của báo TP. Nên để cho người Đà Nẵng có thể bày tỏ ý kiến về công việc của thành phố mình. Đó có thể được xem như một cứ liệu để tham khảo.

Khúc đường ở quận Hải Châu được dự định đặt tên 2 vị giáo sĩ có công với chứ quốc ngữ. Ảnh: Internet. Thanks/

Nhân tiện, xin tạt ngang một xí. Nếu TP Đà Nẵng ngần ngại không dùng tên 2 vị giáo sĩ chữ quốc ngữ đặt tên đường như dự định thì tôi đề nghị đặt cho con đường đó là đường “Nhóm 12” để “tri ân công lao” của những người kia.

Xin mời đọc bài trên báo Tuổi Trẻ.

P.H.P.