Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Người Việt Nam thiệt là…

Xin đừng ai tới thời đại này rồi mà còn đặt vấn đề là phải chăng chữ quốc ngữ dùng bảng chữ cái Latin đã giúp Việt Nam có thêm điều kiện thuận lợi để phát triển hơn là dùng chữ Nôm với ký tự tượng hình. Nó sẽ gây tranh cãi dữ lắm. Mà là tranh cãi triền miên và sùi bọt mép, mòn bàn phím vì tất cả chỉ là cảm tính.

Thiệt tình thì một đất nước phát triển, giàu có hay văn minh là dựa trên nhiều yếu tố, mà cách viết chữ của nước đó lại thuộc khía cạnh khác. Nhiều người sẽ liên hệ tới Nhật Bản và Hàn Quốc hay Đài Loan. Họ là những nền kinh tế phát triển cao và giàu có cho dù không dùng bảng chữ cái Latin. Nhật Bản và Hàn Quốc đều có chữ quốc ngữ được cải biên trên gốc chữ Hán, và đó là những chữ quốc ngữ độc quyền của họ (không có nước nào khác sử dụng). Nhưng có một chi tiết nên tham khảo: Nhật Bản và Hàn Quốc cùng hầu hết các nước không sử dụng bộ chữ cái Latin trong quốc ngữ của mình đều có phiên bản dùng chữ Latin để ký âm cho quốc ngữ. Chẳng hạn Nhật Bản ngoài bộ ký tự tượng thanh gọi là Hiragana (chữ nét mềm) và Katakana (chữ nét cứng) dựa theo chữ Hán (Kanji) còn có bảng ký tự Latin gọi là Romaji. Mục đích chủ yếu của việc dùng thêm bộ chữ cái Latin này là để dễ giao tiếp với thế giới bên ngoài – nói theo ngôn ngữ “cấp cao” là “hội nhập quốc tế”. Liệu có ai cắc cớ hỏi ngược lại là vì sao các nước dùng bộ chữ cái Latin không có thêm phiên bản dùng chữ Hán hay chữ Arập hoặc chữ Ấn Độ? Mà hỏi thiệt lòng, đối với người ngoài Trung Quốc, viết “Beijing” hay “北京” dễ hơn?

Theo World Standards, hiện nay trên thế giới có khoảng 2,6 tỷ người (chiếm 36% dân số thế giới) sử dụng bảng chữ cái Latin; khoảng 1,3 tỷ người (18%) dùng ký tự tiếng Hoa; khoảng 1 tỷ người (14%) dùng ký tự Devanagari – Ấn Độ; khoảng 1 tỷ  người (14%) dùng bảng chữ cái Arập….

Bản đồ phân bổ các bảng chữ cái và ký tự ngôn ngữ được sử dụng trên thế giới hiện nay. (Nguồn: Internet. Thanks.)  

Phải sòng phẳng mà nói rằng hai vị giáo sĩ Thiên chúa giáo Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes không phải là “cha đẻ” của chữ quốc ngữ – hiểu theo nghĩa chữ viết chính của một nước. Linh mục De Pina được biết đến rộng rãi là người đã Latin hóa tiếng Việt bản địa. Khi tới Việt Nam năm 1617, giáo sĩ Francisco de Pina, người Bồ Đào Nha, có lẽ đã dùng phép chuyển tự mà mình trong thời gian theo học tại Đại học Thánh Paul (Macao) đã cùng giáo sĩ João Rodrigues, nhà ngữ học tiếng Nhật tiên phong, soạn thành cuốn văn phạm tiếng Nhật chuyển tự sang chữ cái Latin dựa vào cách phát âm tiếng Bồ (Người Nhật nay gọi là Romaji) để ghi lại tiếng Việt lúc đó (khi người Việt dùng chữ Hán và chữ Nôm). Giáo sĩ Alexandre de Rhodes sau đó là người kế thừa và cải thiện công trình của giáo sĩ Pina.

Nhưng liệu có ai có thể phản bác sự thật hai giáo sĩ thừa sai này là những người có công hàng đầu trong việc Latin hóa chữ Việt từ tiếng Nôm.

Và liệu có ai thử hỏi vì sao kiểu chữ Việt Latin hóa của họ sau này được chọn là chữ quốc ngữ của Việt Nam. Đừng nói là do thực dân Pháp áp đặt sử dụng trong gần 1 thế kỷ chiếm đóng và cai trị Việt Nam (mà nếu có áp đặt thì phải là tiếng Pháp chớ). Bởi thời Pháp thuộc đó chỉ bắt đầu từ năm 1867 (kéo dài 78 năm tới năm 1945), khi Nam Kỳ Lục tỉnh bị nhà Nguyễn cắt nhượng cho Pháp, trở thành lãnh thổ đầu tiên Pháp chiếm được trong quá trình Pháp xâm lược Đại Nam, hoặc từ năm 1884 (kéo dài 61 năm) khi Pháp ép triều đình Huế chấp nhận sự bảo hộ của Pháp, hay lâu hơn từ năm 1858 (kéo dài 87 năm) khi tàu chiến Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam tại bán đảo Sơn Trà – Đà Nẵng. Thực dân Pháp xâm lược Việt Nam hơn 230 năm sau khi 2 nhà truyền giáo này đến Việt Nam. Giáo sĩ Bồ Đào Nha Francisco de Pina từ Macao đến Đàng Trong của Việt Nam năm 1617 và bị chết đuối ở Đà Nẵng năm 1625 khi ông cố cứu khách trên một con thuyền bị đắm. Còn giáo sĩ Alexandre de Rhodes, người thuộc Lãnh địa Giáo hoàng Avignon (nơi mãi tới năm 1791 mới là của Pháp quốc) từ Trung Hoa đến Hội An năm 1625 và tới năm 1645 bị Chúa Nguyễn trục xuất vĩnh viễn khỏi Việt Nam. Ông mất ngày 5-11-1660 ở Isfahan (Ba Tư, nay là Iran). Cũng không thể nói do tác động của tôn giáo khi thực tế chữ Việt Latin hóa của họ chỉ dùng để truyền giáo và đạo Công giáo cho tới tận ngày nay cũng chỉ chiếm có khoảng 8% dân số Việt Nam.

Mà thôi, khi nào thật bình tâm, bạn thử nghĩ một cách thiệt bụng coi bây giờ mình dùng chữ Việt được Latin hóa có thích hơn là nếu như vẫn phải dùng kiểu chữ Nôm tượng hình?

Trong thời thế giới phẳng và truyền thông không biên giới này, tôi nghĩ chắc chắn cộng đồng thế giới đang thắc mắc vì sao giờ đây có những người Việt Nam lại đi quật mồ hai vị giáo sĩ truyền giáo phương Tây đã an nghỉ cách đây gần 4 thế kỷ chỉ vì họ đã góp công sáng tạo ra thứ chữ mà chính những người Việt Nam đó đang sử dụng và tự hào gọi là chữ Quốc ngữ? Người Việt Nam thiệt là…

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Mời đọc thêm bài “Alexandre de Rhodes và sự tưởng tượng về lịch sử cận đại của nền sử học Việt Nam” của Khôi Nguyễn, Đại học Oregon.

+ Himiko Nguyễn Cho em giơ tay phát biểu về phần tiếng Nhật :
Hiragana, chữ nét mềm sẽ được học đầu tiên, và là chữ thuần Nhật. Katakana, nét cứng, là chữ dùng để phiên tâm từ mượn của nước ngòai (chủ yếu là tiếng Anh, mà người Anh nghe đọc chữ mượn cũng chẳng hiểu chẳng hạn hô_tê_rư, rê_sư_tô_ran). Kanji (Hán Tự) là chữ tượng hình, cũng gần như từ Hán Việt của mình (em thường dựa theo từ Hán Việt để theo nguyên tắc phát âm mà nói một từ chưa biết (đa phần người lớn tuổi hiểu liền khi nghe, người trẻ thì phải viết ra và diễn lại ý mình (họ nói em hay dùng từ trong từ điển), Romaji thì chỉ là một kiểu phiên âm theo chữ La Mã cho dễ đọc của người nước ngòai, nên họ cũng có phần La Mã tự, người Nhật đọc lên đương nhiên sẽ hiểu nhưng chẳng mấy ai dùng trong văn viết, vì ngay cả tiếng Nhật họ còn phải có Kanji cho đỡ loạn mắt, đọc toàn romaji sao hiểu (trừ khi chat, đa số câu ngắn). ngay cả khi em dạy học trò cũng không khuyến khích xài vì sẽ khóai mà quên mấy chữ khác, qua Nhật sẽ không đọc được). katakana là dễ quên nhất vì ít từ mượn tiếng Anh. Kanji thì khó nhớ nhưng cần thiết khi đọc cho đỡ mỏi mắt và hiểu nhanh hơn vì tiếng Nhật có nhiều chữ đồng âm, chẳng hạn như cùng 1 chữ hi, mà có 2 nghĩa, nên phải dùng Hán Tự viết NHẬT thì hiểu là ngày, viết HỎA thì hiểu là lửa.
đa số tu nghiệp sinh học tiếng 3_ 6 tháng để đi xuất khẩu lao động ở Nhật sẽ không được học chữ Hán tự (Kanji), (đa số là nói, ít khi viết lại).