Tai bèo, mắt khóm
CƯ DÂN MẠNG:
Một vụ đánh ghen có yếu tố “xế xịn” ở Hà Nội được ai đó quay clip tung lên mạng và trở thành một trend trên mạng. Các nhân vật không chỉ bị mất mặt, đổ vỡ nhiều thứ, mà còn bị truy cứu về hình sự.
Một vụ quán cà phê ở Vũng Tàu cho nhân viên đổ rác xuống biển bị ai đó chụp ảnh và quay video gửi báo online lên ngay và luôn. Ngay trong vài nốt nhạc, chủ quán và những nhân viên tham gia bị nhà chức trách địa phương xử phạt khá nặng và bị đề nghị bị rút cả giấy phép kinh doanh.
Cư dân mạng tự hào: không có cộng đồng mạng thì làm sao những vụ việc như thế trong xã hội được phát hiện và bị xử lý.
Không ai có thể phủ nhận được chuyện mạng xã hội có sức mạnh giám sát xã hội. Hồi trước, thời 2.0, ở Việt Nam ta có câu “mắt dân như mắt khóm, tai dân như tai bèo”. Còn ngày nay, thời 4.0, người ta phán rằng “không gì có thể thoát khỏi tai mắt của cộng đồng mạng”.
Hồi thời “cơ học”, muốn theo dõi, giám sát, người ta cần có công cụ chuyên dụng hay thiết bị cồng kềnh. Ngày nay, khoan nói tới những đồ nghề điệp viên “không không thấy” có khả năng quay video, ghi âm (như cây bút,…) bán đầy trên mạng, chỉ cần có chiếc smartphone là ai cũng có thể trở thành điệp viên, thám tử. Mà Việt Nam, tính đến cuối năm 2019, đã lọt vào Top 15 thị trường có số lượng người dùng smartphone cao nhất thế giới. Theo báo cáo Thị trường quảng cáo số Việt Nam 2019 do Công ty Adsota phát hành hồi tháng 2-2020, Việt Nam hiện có 43,7 triệu người đang sử dụng smartphone trên tổng dân số 97,4 triệu dân, tức chiếm tỷ lệ 44,9%.
Có điều giám sát với soi mói chỉ cách nhau một tiến trình (khe hở) bàn phím. Nguy cơ, đa phần là vô ý, không nghĩ vậy, xâm phạm đời tư cá nhân, vi phạm các quy định pháp luật, kể cả an ninh mạng, là rất lớn. Bình thường thì cho qua, nhưng đụng chuyện lại mắc kẹt.
Với đặc thù của mạng xã hội và đặc tính của người dùng, ngay từ đầu, mạng xã hội không phải chỉ là nơi để người ta chia sẻ cảm xúc, chuyện buồn vui, thể hiện ý kiến cá nhân, mà còn là cái “bản mặt” để công khai những chuyến xấu xí mà cộng đồng mạng ghi phận được. Dù có nhiều tranh cãi, nhưng xét kết quả, đây lại là một mặt tích cực của mạng xã hội. Nó là nơi để người ta thể hiện tinh thần trách trách nhiệm với xã hội mà mình đang sống, góp phần chống lại cái xấu xí và độc hại, làm cho xã hội ngày càng trong lành, tốt đẹp hơn.
Xin mời đọc bài in trên báo Người Lao Động Chủ nhật 20-9 và trên báo Người Lao Động Online.
ANH PHÚC