Thứ Hai ngày 14 tháng 10 năm 2024

Thế giới nối tiếp nhau tắt sóng 3G

Trong khi Việt Nam đang vào giai đoạn cuối để tắt sóng di động 2G với những xoay trở, thế giới chung quanh đang nối tiếp nhau tắt sóng 3G. Băng tần di động là nguồn tài nguyên có giới hạn. Nhu cầu băng tần cho các công nghệ di động mới tiên tiến hơn đang ngày càng tăng cao và thúc ép, buộc người ta phải sớm giải phóng nguồn tài nguyên băng tần đang bị các công nghệ cũ đã lỗi thời chiếm dụng.

Công nghệ 2G ra đời năm 1991 số hóa cuộc gọi thoại và cung cấp tin nhắn SMS. Công nghệ 3G ra đời năm 1998 phục vụ dữ liệu di động, cung cấp kết nối Internet di động.

Nước gần Việt Nam nhất tuyên bố “khai tử” 3G là Singapore. Hồi tháng 7-2023, Singapore thông báo các nhà mạng di động bắt đầu vào giai đoạn cuối để sẽ tắt sóng 3G từ ngày 31-7-2024. Cơ quan Phát triển Truyền thông Infocomm (IMDA) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông Singapore cho biết trước thời hạn tắt sóng 3G, các nhà mạng được cho 1 năm để tiến hành chuyển đổi các thuê bao 3G lên 4G và 5G. Sau 20 năm triển khai ở Singapore, mạng 3G của 3 nhà mạng di động M1, Singtel, và StarHub hiện nay chỉ còn khoảng 1% thuê bao sử dụng. Các nhà mạng này sẽ phải chủ động tắt 3G sớm cho dù các giấy phép sử dụng mạng 3G của họ mãi tới năm 2033 mới hết hạn. (Tham khảo)

Cách làm của Singapore là lấy thuê bao làm trung tâm, bảo đảm để họ “lên đời” 4G/5G một cách thoải mái và vui lòng. Cụ thể, thuê bao 3G được lên 4G/5G miễn phí với những gói cước có chi phí ngang bằng hay thậm chí ưu đãi hơn. Nhiều mẫu mã điện thoại 4G/5G cũng được giới thiệu phù hợp với mọi đối tượng. Kể từ ngày 1-2-2024, các nhà bán lẻ di động sẽ không được phép bán các điện thoại 3G hay các điện thoại 4G “lai” (chỉ có dữ liệu 4G, nhưng vẫn yêu cầu kết nối 3G để gọi thoại).

(Nguồn: Internet. Thanks)

Theo trang Mobile World Live, ngày càng nhiều nhà mạng di động ở các thị trường tiên tiến khắp Châu Á – Thái Bình Dương đã đóng hay công bố kế hoạch tắt sóng 3G. Ở Nhật Bản, KDDI đã công bố vào đầu năm 2022, SoftBank Corp có kế hoạch tắt 3G vào tháng 1-2024 và  NTT Docomo sẽ tắt vào đầu năm 2026. Nhà mạng Spark New Zealand có kế hoạch hoàn tất việc tắt 3G vào cuối năm 2025.

Trang TeleGeography cho biết: Tính đến cuối năm 2022, thế giới có 10 nước đã tắt tất cả các dịch vụ 2G. Trong đó, mạng 2G cuối cùng tại Hàn Quốc là LG Uplus đã đóng vào ngày 1-7-2021. Trước đó, ở nước này, mạng SKT đã đóng hệ thống CDMA của mình vào tháng 7-2020 và KT Corp đã rất sớm ngừng cung cấp các dịch vụ CDMA 2G vào đầu năm 2012.

Các khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và Châu Đại dương đang đi đầu trong tiến trình đóng các mạng 2G.

Nhật Bản chính là nước đầu tiên thế giới hoàn tất việc tắt hoàn toàn 2G vào tháng 9-2012. Kể từ đó, nhiều thị trường khác cũng lần lượt đóng mạng 2G. Ma Cao – Trung Quốc tháng 6-2015, Singapore tháng 4-2017, Đài Laon – Trung Quốc tháng 12-2017, Úc tháng 6-2018.

Hiện nay, nhà mạng cuối cùng còn hỗ trợ 2G ở Canada là Rogers. Nhà mạng này duy trì băng tần 850MHz cho cả 2 mạng 2G GSM và 3G W-CDMA, nhưng mạng 2G chỉ còn giới hạn ở những vùng xa xôi hẻo lánh không có sóng 3G.

Ở Thụy Sĩ, nhà mạng Sunrise sau khi thông báo vào tháng 8-2022 đã bắt đầu tiến trình đóng dần kết nối 2G từ ngày 3-1-2023. Hai nhà mạng Salt và Swisscom đã hoàn tất việc tắt sóng 2G lần lượt vào tháng 12-2020 và 4-2021.

Theo cơ sở dữ liệu GlobalComms Database, hiện nay có 89 nước có số thuê bao 2G còn dưới 10% tổng thuê bao. Dự báo vào năm 2028, có 172 nước sẽ có ít nhất 90% tổng số thuê bao dùng các mạng 3G/4G/5G.

Riêng đối với mạng 3G, Đài Loan là thị trường đầu tiên trên thế giới tắt sóng 3G vào cuối năm 2018. Tiếp theo đó là CH Czech (11-2021), Đức (12-2021), Malaysia (3-2022).

Theo thông báo, nói lời chia tay với mạng 3G trong năm 2023 có các nước Đan Mạch, Slovakia, Hy Lạp, Hungary, và Thụy Điển.

Ở Mỹ, tất cả 3 nhà mạng lớn đều đã tắt sóng 3G. Đầu tiên là mạng AT&T vào đầu năm 2017, T-Mobile giữa năm 2022 và Verizon cuối năm 2022. Mạng Verizon cho biết việc tắt sóng 3G đã khiến mình bị đánh đổi với việc mất 909.000 thuê bao trả sau và 237.000 thuê bao trả trước.

Rõ ràng, việc tắt mạng di động 2G và 3G hiện nay đang là một xu thế toàn cầu. Theo quy luật công nghệ, điều đó không thể tránh được, vấn đề là vào lúc nào cho thích hợp với thực tế từng nước và làm thế nào cho khả thi.

Việt Nam hiện nay đang trong giai đọan cuối để tắt sóng 2G và tất nhiên sau đó là 3G. Bộ Thông tin và Truyền thông đã đặt mục tiêu giảm số thuê bao 2G còn dưới 5% vào cuối năm 2023, và cũng đã đưa ra hạn cuối cho việc dừng công nghệ 2G tại Việt Nam là tháng 9-2024. Đó là thời điểm khi các giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động và các giấy phép tần số để triển khai mạng di động hết hạn. Tại họp báo thường kỳ tháng 9-2023 của Bộ TT-TT, Thứ trưởng Phạm Đức Long khẳng định: “Bộ sẽ có giải pháp xử lý để đảm bảo đến thời điểm tháng 9-2024 khi giấy phép tần số cấp cho mạng 2G hết hạn thì sẽ không còn máy 2G. Mục tiêu của việc này nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, đưa hoạt động của người dân lên môi trường số.”

Giống như hầu hết các nước, nhà chức trách của Việt Nam chắc chắn sẽ chọn giải pháp tắt sóng 2G rồi 3G sao cho vẫn bảo đảm được quyền lợi của thuê bao. Cụ thể như “lên đời” miễn phí SIM và dịch vụ, có các gói cước linh hoạt, có chính sách giúp các điện thoại 4G có giá tốt nhất cho các thuê bao 2G/3G.

Để bảo đảm cho người dùng không bị thiệt thòi, ngay từ năm 2020, Bộ TT-TT đã ban hành Thông tư 43/2020/TT-BTTTT, trong đó quy định tất cả điện thoại di động được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu vào Việt Nam từ tháng 7-2021 phải tích hợp công nghệ 4G. Theo giới chuyên môn, cần phải xác định cụ thể đây là smartphone 4G thật sự hỗ trợ 4G cho cả gọi lẫn data. Thực tế trên thị trường vẫn có những loại smartphone danh nghĩa là 4G nhưng lại chỉ hỗ trợ data 4G, còn thoại thì vẫn là 3G.

Không chỉ có tắt sóng 2G mà Việt Nam hiện nay đã có nhà mạng Viettel tiến hành lịch trình tắt sóng cả 3G. Sau bước thử nghiệm vào năm 2020, Viettel đã tắt sóng 3G trên diện rộng trong năm 2022 (với quy mô lên tới 35.000 trạm BTS) để tập trung phát triển 4G và 5G. Họ ắt có những bài học kinh nghiệm và động lực cho các nhà mạng khác.

Công cuộc tắt sóng 2G và 3G cần huy động được sự chung tay xã hội hóa. Các nhà mạng, các hệ thống kinh doanh điện thoại, các hãng điện thoại có thể tham gia hợp tác với nhau để cung cấp các gói cước, các mẫu smartphone 4G với chi phí phù hợp cho các thuê bao lên đời từ 2G/3G.

Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Đức Long nhấn mạnh tới nguyên tắc không để người dân mất liên lạc khi tắt sóng 2G. Ông cho biết các nhà mạng cũng đang xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ thiết bị đầu cuối và hỗ trợ cước cho khách hàng chuyển đổi từ thiết bị 2G sang 4G.

Hiện nay, Việt Nam đang sử sử băng tần trải dài từ 900MHz tới 1800MHz cho mạng 2G và 2100MHz cho mạng 3G. Do mạng 4G cũng phải dùng băng tần 1800MHz và 2100MHz nên phải chia sẻ từ mạng 2G và 4G. Hậu quả là mạng 4G chưa thể tối ưu hóa được, chất lượng không đúng chuẩn. Theo giới chuyên môn, nếu được sử dụng toàn bộ băng tần đang phải chia sẻ với 2G, tốc độ mạng của 4G có thể tăng thêm 25% so với hiện tại. Tình hình sẽ càng tốt hơn nữa nếu như mạng 4G được sử dụng toàn bộ băng tần 2100MHz hiện phải chia sẻ với 3G.

Bản in trên báo Người Lao Động thứ Tư 18-10-2023 và trên báo NLĐ Online.

ANH PHÚC