Thứ Hai ngày 14 tháng 10 năm 2024

Chương trình Kinh tế Xanh Úc – Việt Nam: cơ hội vàng để Việt Nam thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào kinh tế xanh

Trung tâm Quốc gia về Lực lượng Lao động Châu Á của Úc Asialink và Trung tâm Climateworks Centre (thuộc Đại học Monash University, Úc) vừa giới thiệu một sáng kiến mới với hy vọng mở đường cho các doanh nghiệp Úc khai thác cơ hội thương mại và đầu tư kinh tế xanh (green economy) tại Việt Nam, tập trung vào các nguồn năng lượng tái tạo (renewable energy) và phát triển bền vững để hỗ trợ mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0.

Dưới sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc, Chương trình Kinh tế Xanh Úc – Việt Nam (Australia-Vietnam Green Economy Program) mới đây đã được triển khai nhằm thúc đẩy hợp tác và phát triển kinh tế xanh giữa chính phủ và doanh nghiệp hai nước.

Chương trình Kinh tế Xanh Úc – Việt Nam mới đây đã được triển khai dưới sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc.

Chương trình bao gồm việc biên soạn và phát hành 5 tài liệu vắn tắt (briefing papers) đi kèm các phiên thảo luận và hội thảo trực tuyến liên quan diễn ra trong 7 tháng, nhằm cung cấp những hiểu biết sâu sắc về cơ hội và thách thức để hiện thực hóa tham vọng của Việt Nam và Úc trong việc chuyển đổi sang kinh tế năng lượng sạch. Chương trình sẽ kết thúc với một hội nghị tại TP.HCM vào tháng 4-2024.

Tài liệu vắn tắt thứ ba vừa phát hành vào giữa tháng 11-2023 này được thực hiện bởi Trung tâm Climateworks của Đại học Monash. Theo báo cáo, tiềm năng sản xuất và xuất khẩu công nghệ khử carbon (decarbonisation) của Việt Nam là rất lớn, và các doanh nghiệp Úc cũng nên bắt đầu tìm kiếm cơ hội tham gia vào ngành công nghiệp này.

Bà Anna Skarbek, Giám đốc điều hành Trung tâm Climateworks, cho biết môi trường chính sách thuận lợi là rất quan trọng để thúc đẩy quan hệ đối tác kinh tế xanh. Bà nói: “Chương trình của chúng tôi sẽ cung cấp thông tin cho việc ra quyết định và tạo các diễn đàn đối thoại nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng, huy động tài chính và tăng cường hợp tác về kỹ năng và đổi mới.”

Bà Anna Skarbek, Giám đốc điều hành Trung tâm Climateworks.

Ông Leigh Howard, Giám đốc điều hành Asialink Business, nhìn nhận Chương trình Kinh tế Xanh Úc – Việt Nam thể hiện quyết tâm xây dựng quan hệ đối tác kinh doanh bền vững, cùng phát triển và chia sẻ tầm nhìn chung về một tương lai xanh hơn. Ông nói: “Sáng kiến này đại diện cho tinh thần hợp tác, kết nối hai quốc gia với mục tiêu chung là phát triển kinh tế bền vững và thịnh vượng. Đó là minh chứng cho những gì có thể đạt được thông qua việc kết hợp thế mạnh của hai bên và hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn.”

Ông Andrew Goledzinowski, Đại sứ Úc tại Việt Nam, cho biết: “Úc cam kết thúc đẩy hợp tác kinh tế xanh với Việt Nam”. Chính phủ Úc đã công bố gói viện trợ trị giá 105 triệu đôla Úc (AUD) vào tháng 6-2023 nhằm quy hoạch cơ sở hạ tầng bền vững và đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng năng lượng sạch tại Việt Nam.

Trong triển vọng ổn định ngành năng lượng, Việt Nam đang dần trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn khi tập trung vào mục tiêu dài hạn để đạt được mức thải ròng bằng 0. Kế hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia năm 2023 nhấn mạnh việc phát triển các nguồn điện và mở rộng lưới truyền tải để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng.

Tài liệu vắn tắt Chuỗi cung ứng công nghệ khử cacbon tại Việt Nam, (The supply chain of decarbonisation technologies in Vietnam), do Trung tâm Climateworks thực hiện chỉ ra nhu cầu toàn cầu về năng lượng mặt trời, gió, lưu trữ năng lượng, chất bán dẫn và hydro đang tăng cao, báo trước một kỷ nguyên mới về đầu tư vào công nghệ khử carbon.

Việt Nam đang dần trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn khi tập trung vào mục tiêu dài hạn để đạt được mức thải ròng bằng 0.

Bà Trang Nguyễn, người đứng đầu Trung tâm Climateworks khu vực Đông Nam Á, chia sẻ: “Sự toàn diện của chuỗi cung ứng chính là cốt lõi để sản xuất năng lượng sạch và có tầm quan trọng đặc biệt trong việc nuôi dưỡng một nền kinh tế xanh, trong đó Việt Nam được xem là quốc gia dẫn đầu trong khu vực. Bối cảnh địa chính trị là nền tảng của nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng cho công nghệ khử carbon. Việt Nam, với các chính sách thương mại đổi mới và năng lực sản xuất hiện có, sẵn sàng đóng vai trò quan trọng. Tiềm năng xuất khẩu công nghệ khử carbon của Việt Nam là rất lớn. Cùng với các kế hoạch thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, các công ty Úc có cơ hội tham gia vào kỷ nguyên khử carbon.”

Báo cáo vắn tắt cũng cho biết việc điều chỉnh chính sách và các biện pháp quản lý đang khiến đầu tư khu vực vào Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn. Kế hoạch Chuyển đổi Năng lượng Công trị giá 15,5 tỷ USD đã thể hiện vai trò quan trọng của đầu tư tư nhân.

Bà Trang Nguyễn nói thêm: “Những nỗ lực của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, đơn cử như Úc, cùng với vai trò tích cực của khối tư nhân trong việc mở rộng đầu tư xanh, đã đóng một vai trò không thể thiếu trong hành trình hướng tới cơ sở hạ tầng năng lượng xanh và bền bỉ của Việt Nam. Việc mở rộng hợp tác với Việt Nam để cùng định rõ các lĩnh vực chính của thương mại công nghệ carbon thấp và hợp tác FDI phù hợp với các ưu tiên trong mục tiêu phát triển và thương mại của Chính phủ Úc. Điều này có thể tạo nên tiền đề cho việc phát triển chiến lược thúc đẩy xuất khẩu tích hợp mang tính chiến lược ở cấp quốc gia.”

Bà Martine Letts, Giám đốc điều hành Asialink, cho biết: “Hành trình hướng tới tương lai bền vững của Đông Nam Á hé lộ tiềm năng hợp tác quan trọng giữa Úc và Việt Nam. Chương trình Kinh tế Xanh Úc – Việt Nam cho thấy tầm quan trọng của việc chia sẻ kiến thức, xây dựng mối quan hệ và trang bị cho các doanh nghiệp Úc trước những cơ hội mới đầy tiềm năng này.”

Asialink là tác giả của hai tài liệu vắn tắt đầu tiên: Định hướng nền kinh tế xanh Australia-Việt Nam (Navigating the Australia-Vietnam Green Economy) và Giảm phát thải carbon trong sản xuất năng lượng của Việt Nam (Decarbonising Vietnam’s Energy Generation).

  • Bạn đọc có thể download các tài liệu vắn tắt (briefing papers) đã phát hành của Chương trình Kinh tế xanh Úc – Việt Nam (Australia-Vietnam Green Economy Program) tại đây.

N.L.G.

Nguồn do Climateworks cung cấp.