Thứ Ba ngày 24 tháng 12 năm 2024

Agoda mở rộng quan hệ đối tác với WWF và cam kết 1 triệu USD cho bảo tồn động vật hoang dã

Agoda Việt Nam ngày 29-1-2024 cho biết: nền tảng du lịch kỹ thuật số Agoda đã công bố tại Diễn đàn Du lịch Đông Nam Á (ASEAN Tourism Forum – ATF)  2024 diễn ra tại Vientiane (Lào) từ ngày 22 đến 27-1-2024 việc mở rộng quan hệ hợp tác với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (World Wildlife Fund, WWF), từ đó mở rộng Chương trình Ưu đãi Sinh thái (Eco Deals Program) nhằm hỗ trợ 8 dự án bảo tồn trên khắp Đông Nam Á.

Tại sự kiện, ông Omri Morgenshtern – CEO Agoda, và bà Elizabeth Clarke – Giám đốc Bảo tồn của WWF-Singapore, đã trình bày về tầm nhìn và mục tiêu hợp tác. Chương trình Ưu đãi Sinh thái của Agoda là một ví dụ về quan hệ đối tác công-tư hỗ trợ cho chủ đề của ATF: “Du lịch chất lượng và trách nhiệm – Bền vững Tương lai ASEAN” (Quality and responsible tourism – Sustaining ASEAN Future). 

Agoda sẽ tăng gấp 4 lần số tiền đóng góp cho WWF – Singapore, lên tới 1 triệu USD trong Chương trình Ưu đãi Sinh thái năm nay, hỗ trợ các nỗ lực bảo tồn của các văn phòng đại diện WWF tại 8 quốc gia, bao gồm Lào, Cambodia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Theo như những năm trước đây của chương trình, Agoda sẽ quyên góp 1 USD cho mỗi lượt đặt phòng tại các khách sạn tham gia sáng kiến. Những khoản tiền này sẽ hỗ trợ các dự án bảo tồn đa dạng của WWF, bao gồm bảo tồn biển, rừng và động vật hoang dã, trong đó có việc bảo vệ hổ ở Malaysia, cá mập voi ở Philippines và voi ở Thái Lan. Các dự án khác được hỗ trợ trong năm nay tập trung vào bảo tồn sao la ở Việt Nam, phục hồi hệ sinh thái ở Indonesia, hỗ trợ kiểm lâm ở Cambodia và cải thiện đất ngập nước đô thị ở Lào. Chương trình Ưu đãi Sinh thái đang tích cực thu hút các đối tác lưu trú và sẽ bắt đầu áp dụng từ ngày 3-3 đến ngày 3-12-2024. 

Ngày 26-1-2024, tại sự kiện ATF, ông Omri Morgenshtern, Tổng Giám đốc Agoda, phát biểu: “Là một doanh nghiệp hướng đến việc tạo điều kiện cho mọi người có thể đi du lịch dễ dàng hơn, chúng tôi nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc đóng góp vào việc bảo tồn các điểm đến. Qua quan hệ đối tác lâu dài với WWF trong Chương trình Ưu đãi Sinh thái và sự hỗ trợ hợp tác từ các đối tác khách sạn, chúng tôi mong muốn tích cực thúc đẩy các sáng kiến góp phần bảo tồn và bảo vệ thế giới, gìn giữ môi trường để cho các thế hệ tương lai có thể khám phá và tận hưởng.” 

Từ trái sang phải: Tiến sĩ Kanchana Wanichkorn – Giám đốc Phát triển Khu vực, Tổ chức ASEAN; bà Juliana Kua – Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Singapore; Tiến sĩ Nguyễn Trung Khánh – Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Du lịch Việt Nam; Dato’ Roslan Tan Sri Abdul Rahman – Tổng Thư ký Bộ Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa Malaysia; ông Sudawan Wangsuphakijkosol –  Bộ trưởng Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan; ông Omri Morgenshtern – Tổng Giám đốc Agoda; bà Suanesavanh Vignaket – Bộ trưởng Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào; ông So Mara – Quốc vụ khanh Bộ Du lịch Cambodia; bà Martini Paham – Phó Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Indonesia; bà Hajah Tutiaty binti Haji Abdul Wahab – Thư ký Thường trực, Bộ Tài nguyên và Du lịch Brunei Darussalam; bà Verna Buensuceso – Thứ trưởng Du lịch Philippines.

Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 27 (MATM), bà Suanesavanh Vignaket – Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào, cho biết: “Chúng tôi khuyến khích các lĩnh vực công và tư nhân tích cực tham gia vào việc thúc đẩy và phát triển các phương thức bền vững tại ASEAN, tuân theo các nguyên tắc được đề ra trong Khuôn khổ Phát triển Du lịch Bền vững ASEAN (ASEAN Framework on Sustainable Tourism Development). Các hợp tác đáng chú ý như mối quan hệ đối tác giữa Agoda và WWF là những ví dụ xuất sắc, đóng góp đáng kể trong việc nâng cao nhận thức về du lịch có trách nhiệm và quảng bá ASEAN là điểm đến du lịch thú vị.”

Ông Vivek Kumar, Tổng Giám đốc WWF-Singapore, chia sẻ: “Báo cáo Sức sống Hành tinh (Living Planet Report) mới nhất của WWF cho thấy quần thể các loài hoang dã đã giảm 69% kể từ năm 1970. Với tầm ảnh hưởng quốc tế của mình, WWF-Singapore ở một vị trí thuận lợi để thúc đẩy sự thay đổi tích cực tại Đông Nam Á. Những tác động bảo tồn tích cực trong hai năm vừa qua đã chứng minh được tính hiệu quả của các chương trình hợp tác môi trường của chúng tôi. Bước sang năm thứ ba hợp tác với Agoda, chúng tôi mong muốn có thể mở rộng các dự án bảo tồn sang các lĩnh vực biển, rừng và động vật hoang dã.” 

Các dự án bảo tồn của WWF được hỗ trợ trong phiên bản thứ hai của Chương trình Ưu đãi Sinh thái đã đạt được một số thành công đáng chú ý: 

  • Singapore tổ chức 5 buổi tập huấn Chương trình Cyber Spotters dành cho tình nguyện viên, trang bị kỹ năng cho 156 người, giúp nhận diện hơn 6.000 danh sách buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp trên các nền tảng trực tuyến và mạng xã hội. 
  • Ở Cambodia, tổng cộng 41 kiểm lâm chính phủ và 42 kiểm lâm cộng đồng đã được đào tạo nâng cao năng lực thực thi pháp luật, thực hiện 299 cuộc tuần tra trên hơn 17.000km tại các khu bảo tồn Srepok và Phnom Prich, phát hiện 13 địa điểm khai thác gỗ và săn bắn trái phép. 
  • Ở Indonesia, tổng diện tích 142,39 hecta rừng đã được phục hồi thông qua các hoạt động trồng cây cùng cộng đồng địa phương và các bên liên quan. 28 camera giám sát được triển khai để giám sát động vật hoang dã, ghi lại hình ảnh hiếm hoi của một cá thể hổ Sumatra trưởng thành và 2 con non. 
  • Ở Malaysia, 20 đội gồm 116 người đã tuần tra Khu rừng Belum-Temengor trong 2.849 ngày, đánh dấu năm thứ hai liên tiếp không ghi nhận có bẫy đặt trong rừng. 282 camera cũng được lắp đặt tại 141 vị trí trong khu vực để theo dõi các loài hoang dã. 
  • Ở Việt Nam, hiện có kế hoạch trang bị GPS và điện thoại thông minh sử dụng SMART Connect và SMART Mobile cho các đội tuần tra. Các khóa đào tạo đã được lên kế hoạch để hướng dẫn 90 kiểm lâm và nhân viên kỹ thuật tại Vườn Quốc gia Yok Don và Trung tâm Bảo tồn Voi Đắk Lắk về cách sử dụng công nghệ SMART trong quá trình tuần tra nhằm quản lý và bảo vệ động vật hoang dã và môi trường sống của chúng tốt hơn. 

Chương trình bảo tồn thiên nhiên năm 2024

Trong phiên bản thứ ba của Chương trình Ưu đãi Sinh thái, Agoda sẽ đóng góp ít nhất là 500.000 USD với mục tiêu đóng góp là 1.000.000 USD. Agoda sẽ hỗ trợ tài chính cho các dự án bảo tồn của WWF tại 8 quốc gia tham gia Chương trình Ưu đãi Sinh thái. 

Singapore: tăng cường Bảo tồn Biển tại các đảo phía Nam 

Các đảo phía Nam của Singapore là nơi sinh sống của các rạn san hô đa dạng và đời sống biển phong phú. Phối hợp với Đại học Quốc gia Singapore (NUS), dự án này hỗ trợ triển khai các hệ thống video dưới nước tại 5 địa điểm và phân tích hình ảnh dưới nước để lấp đầy các khoảng trống dữ liệu quan trọng về quần thể sinh vật biển địa phương. Dữ liệu thu thập sẽ được công bố và giúp hướng dẫn công tác bảo tồn địa phương để bảo đảm bảo vệ tốt các loài này. 

Malaysia: tăng cường Bảo tồn Hổ tại Belum-Temengor 

Khu rừng Belum-Temengor rộng hơn 3.400 km2, là một trong ba địa điểm ưu tiên bảo tồn hổ tại Malaysia theo Kế hoạch Hành động Bảo tồn Hổ Quốc gia. Từ ước tính 3.000 con hổ vào những năm 1950, số lượng hổ đã giảm nhanh chóng xuống dưới 150 cá thể, chủ yếu do mất môi trường sống và săn bắn trái phép. Dự án này nhằm duy trì môi trường sống và liên kết quan trọng của hổ, đối phó với các hoạt động săn bắn trái phép với hy vọng tăng số lượng và bảo vệ quần thể hổ hiện tại. 

Philippines: bảo vệ Cá Mập Voi tại Donsol 

Thị trấn Donsol là nơi có một trong những quần thể cá mập voi (Whale Shark) lớn nhất thế giới. Được biết đến với cái tên “butanding”, cá mập voi có vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe và cân bằng hệ sinh thái biển. Dự án này hỗ trợ theo dõi chuyển động và mô hình di cư của cá mập voi bằng cách sử dụng các mẫu đốm đặc trưng của chúng. Năng lực các Sĩ quan Tương tác Butanding (BIO) và nhân sự điều khiển tàu sẽ được cải thiện. Dữ liệu thu thập từ việc theo dõi sẽ hỗ trợ chiến lược bảo tồn loài sinh vật biển đang có nguy cơ này. 

Indonesia: phục hồi Hệ sinh thái tại Thirty Hills 

Khu vực cảnh quan Thirty Hills, hay còn gọi là Bukit Tigapuluh, là nơi sinh sống của hơn 8.000 người và là môi trường sống quan trọng cho động vật hoang dã nguy cấp như báo mây, orangutan và tê giác. Khu vực này là môi trường sống của 5% loài hổ Sumatra và 20% voi Sumatra quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng còn lại trên thế giới. Dự án này hỗ trợ bảo vệ động vật hoang dã thông qua việc theo dõi, phục hồi cảnh quan rừng và hợp tác với cộng đồng địa phương và các bên liên quan để xây dựng lối sống bền vững hơn mà không ảnh hưởng đến giá trị bảo tồn môi trường. 

Thái Lan: bảo tồn Voi tại Vườn Quốc gia Kuiburi 

Vườn Quốc gia Kuiburi với hệ sinh thái phong phú nuôi dưỡng nhiều loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng, với hơn 200 voi hoang dã. Dự án hỗ trợ bảo tồn các loài này thông qua các hoạt động cải thiện môi trường sống như mở rộng các khu vực đồng cỏ để làm thức ăn, cũng như duy trì các điểm liếm khoáng (mineral lick) và hồ nước để bảo đảm nguồn nước đủ trong mùa nóng hạn. Ngoài ra, các hoạt động tuyên truyền cộng đồng sẽ được tiến hành để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của bảo tồn voi trong khu vực, nhằm giảm thiểu xung đột giữa con người và động vật hoang dã. 

Việt Nam: hỗ trợ Bảo tồn Sao la trên dãy Trường Sơn

Khu vực Trung Trường Sơn của Việt Nam với diện tích 2,3 triệu ha, là một điểm nóng về đa dạng sinh học toàn cầu. Nơi đây là nhà của nhiều loài động vật được bảo vệ, bao gồm cả sao la. Thường được gọi là “Kỳ lân Châu Á” (Asian Unicorn) do tính chất hiếm hoi và khó bắt gặp, sao la là một loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cực kỳ cao, bị đe dọa do mất môi trường sống, săn bắn và buôn bán động vật hoang dã trái phép. Dự án hỗ trợ bảo tồn loài này và môi trường sống của chúng bằng cách thiết lập chương trình tái hoang dã, mở rộng phạm vi phát hiện sao la tại 15 lưu vực sông và hỗ trợ một trung tâm cứu hộ và nhân giống bảo tồn. Ngoài ra, các hoạt động tuyên truyền cộng đồng sẽ được tiến hành ở các khu vực vùng đệm của khu bảo tồn thiên nhiên, để giao tiếp với cộng đồng địa phương và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của đa dạng sinh học địa phương. 

Lào: hỗ trợ Khu đất ngập nước Nong Kham Sen 

Khu đất ngập nước Nong Kham Sen, một khu vực được bảo tồn phong phú về đa dạng sinh học với hơn 175 loài chim được ghi nhận, đóng vai trò thiết yếu trong việc hỗ trợ cộng đồng lân cận trong lĩnh vực thực phẩm và nông nghiệp. Giá trị văn hóa cao, đa dạng sinh học nước ngọt và tiềm năng cho giáo dục môi trường làm nổi bật tầm quan trọng của khu vực này đối với sinh kế của cộng đồng địa phương. Dự án hỗ trợ việc tạo và lắp đặt tài liệu giáo dục và các biển báo, cũng như xây dựng các khu quan sát chim cho cư dân địa phương và du khách nhằm ghi nhận và đánh giá cao đa dạng sinh học địa phương. 

Cambodia: hỗ trợ Kiểm lâm ở Vùng Đồng bằng Phía Đông 

Vùng Đồng bằng Phía Đông (EPL) rộng 600.000 hecta được coi là điểm nóng về đa dạng sinh học toàn cầu, với quần thể lớn nhất thế giới của loài banteng hoang dã và quần thể voi châu Á lớn nhất ở Cambodia. Tuy nhiên, do chỉ có 99 kiểm lâm đang hoạt động tuần tra trên diện tích rộng lớn này, các hoạt động săn bắn trái phép và khai thác rừng đã trở thành một thách thức lớn. Điều này đã dẫn đến sự suy giảm nghiêm trọng của quần thể động vật hoang dã như hổ, hiện được coi là đã tuyệt chủng về mặt chức năng trong khu vực này. Dự án hỗ trợ việc tài trợ và đào tạo thêm kiểm lâm và các đội tuần tra để thực hiện các cuộc tuần tra chống săn bắn trái phép thường xuyên hơn. 

H.Đ.M.

Nguồn do Agoda cung cấp.