Thứ Hai ngày 29 tháng 4 năm 2024

Rác thải điện tử trong công nghiệp xanh

Sống trong thế giới công nghệ của thời đại công nghệ, người ta phải chấp nhận các thể loại rác thải điện tử. Đó là những phế liệu và chất thải trong quá trình sản xuất và sử dụng thiết bị điện tử, cũng như các thiết bị cũ đã bất khả dụng. Với đặc thù của mình, Việt Nam sau những năm ngập ngụa những container rác thải điện tử từ nước ngoải đổ vào (mà nay nhà chức trách đã ngăn chặn đáng kể), bây giờ đang ngổn ngang rác thải điện tử tại chỗ. Trong đó có những loại rác thải điện tử là những thiết bị điện tử rẻ tiền, chất lượng và tuổi thọ kém được nhập về vô tội vạ.

Một điểm thu gom rác thải điện tử tại TP.HCM do Việt Nam Tái Chế triển khai. (Ảnh: VNTC)

Theo thống kê của Viện Khoa học và Công nghệ môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội), hiện nay mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 100.000 tấn rác thải điện tử, chủ yếu là đồ gia dụng điện tử, văn phòng; và ước tính đến năm 2025, riêng rác thải từ tivi có thể lên tới 250.000 tấn.

Trong khi đó, Tổ chức Đối tác Thống kê Chất thải Điện tử Toàn cầu (GESP) cho biết, riêng năm 2019, Việt Nam có 514.000 tấn sản phẩm điện tử được đưa ra thị trường, phát sinh 257.000 tấn rác thải điện tử, với mức bình quân 2,7kg/người. Ngoài các loại rác thải điện tử truyền thống, các tấm pin mặt trời, pin xe điện thải gần đây trở nên một thách thức lớn khi mà việc sử dụng năng lượng mặt trời và các phương tiện giao thông chạy điện đang được nhà nước khuyến khích. Rồi còn có khối lượng rác thải điện tử được nhập khẩu dưới dạng phế liệu hoặc máy móc, thiết bị đã qua sử dụng.

Từ lâu, các nhà nghiên cứu vẫn không ngừng cảnh báo: rác thải điện tử có thể gây nguy hiểm cho môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Nếu không được xử lý đúng cách, các loại rác thải điện tử có thể giải phóng các chất độc hại như thủy ngân, chì, crom, arsen, niken,… vào môi trường. Rác thải điện tử ảnh hưởng đến sức khỏe con người qua các con đường ô nhiễm đất, nước, không khí, lao động có tiếp xúc trực tiếp với rác thải. Ngoài ra, còn tiềm tàng nguy cơ rò rỉ thông tin cá nhân, thông tin quan trọng từ các thiết bị điện tử được thải ra mà không được xử lý đúng cách.

Trong những năm qua, nhà nước Việt Nam đã có những nỗ lực xử lý vấn nạn rác thải điện tử. Bên cạnh việc ngăn chặn các nguồn rác thải nhập vào nước mình, nhà chức trách cũng quan tâm xử lý rác thải điện tử tại chỗ. Từ năm 2013, các thiết bị điện – điện tử thải bỏ được xác định là 1 trong 6 nhóm sản phẩm phải thu hồi, xử lý. Quyết định số 16/22015/QĐ-TTg được Thủ tướng ban hành ngày 22-5-2015 quy định rác thải điện tử thuộc nhóm sản phẩm thải bỏ và nêu rõ trách nhiệm của các nhà sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hàng hóa trên thị trường Việt Nam là phải lắp đặt điểm thu hồi, chuyển giao sản phẩm thải bỏ đến các đơn vị có chức năng tái chế, xử lý theo quy định. Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 đã đưa ra những quy định về phát triển kinh tế tuần hoàn, về trách nhiệm tái chế, xử lý các sản phẩm thải bỏ (gọi tắt là EPR).

Thực tế tại TP.HCM, hồi tháng 10-2023, ông Trần Nguyên Hiền, Trưởng phòng Quản lý Chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, cho biết, việc chất thải điện tử được đưa đến các điểm thu mua phế liệu là do thói quen người dân vẫn chuyển giao, cho, bán các chất thải còn giá trị kinh tế. Mặt khác, do các điểm thu hồi chất thải điện tử theo quy định chưa được triển khai tốt, tại TP.HCM đang tồn tại các hoạt động tái chế chất thải điện tử chưa đúng theo quy định. Cũng theo ông, rác thải điện tử là nhóm chất thải đặc thù phát sinh chủ yếu từ các hộ gia đình, các văn phòng công sở,… bao gồm máy tính cá nhân, tivi, đồ gia dụng đã qua sử dụng có chứa các vi mạch, pin,… Thực tế, việc thu gom rác thải điện tử chưa nhiều.  Theo báo cáo, lượng rác thải điện tử thu gom từ hộ gia đình do quận/huyện thực hiện trong năm 2021 là 4.251kg và năm 2022 là 1.078kg. Riêng do các đơn vị tự nguyện thực hiện trong năm 2019 là 20.393kg.

Điều đáng mừng là trong thời gian qua, việc xử lý rác thải điện tử ở Việt Nam đã có những chuyển biến tốt hơn trước, dù vẫn còn rất nhiều hạn chế. Hàng loạt chương trình nâng cao ý thức của người dùng và trách nhiệm của nhà sản xuất – kinh doanh về rác thải điện tử đã được triển khai. Đáng chú ý là Chương trình Việt Nam Tái chế (VNTC) được thực hiện bài bản và bền bỉ (hoạt động xuyên suốt từ tháng 4-2015). Đây là chương trình thu hồi và xử lý, tái chế rác thải điện tử miễn phí do các nhà sản xuất thiết bị điện tử khởi xướng – nòng cốt là ba công ty HP, Apple và Microsoft – nhằm tuân thủ Quyết định 16 của Thủ tướng về thu hồi sản phẩm thải bỏ. Hiện nay, tại hai thành phố lớn nhất nước là TP.HCM và Hà Nội, Chương trình Việt Nam Tái chế đã lập được 10 điểm thu hồi rác thải điện tử. Tại đây, người dùng có thể gửi các thiết bị điện tử cũ, như máy tính, máy ảnh, và các thiết bị gia đình để đội ngũ VNTC xử lý một cách hiệu quả và chuyên nghiệp.

Một chương trình vận động thu gom rác thải điện tử dịp Tết Giáp Thìn 2024 của Việt Nam Tái chế. (Ảnh: VNTC).

Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Vietnam) hiện có 21 thành viên, bao gồm các tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp trong nước có uy tín, nhiều kinh nghiệm, và đặc biệt là tinh thần trách nhiệm cao với môi trường và người tiêu dùng Việt Nam trong ngành công nghiệp hàng tiêu dùng, bao bì, bán lẻ và nhập khẩu, được thành lập vào tháng 6-2019. Trong năm 2023, Liên minh PRO Việt Nam đã cùng cam kết thu gom và tái chế hơn 13.000 tấn bao bì.

Trong mấy năm gần đây, Công ty Điện tử Samsung (Hàn Quốc) đã có nhiều hành động thiết thực trong việc xanh hóa hoạt động của mình. Không chỉ cấu trúc lại quy trình sản xuất cho xanh hơn, sử dụng ngày càng nhiều vật liệu tái chế sau tiêu dùng cho những sản phẩm cao cấp, Samsung còn chú trọng tới bao bì xanh, thân thiện với môi trường. Trong cuộc họp báo tại Hội chợ – Triển lãm công nghệ toàn cầu CES 2024 ở Las Vegas (Mỹ) ngày 8-1-2024, ông Inhee Chung, Phó Chủ tịch Trung tâm Phát triển Bền vững Doanh nghiệp của Samsung, chia sẻ kế hoạch của Samsung về một nền kinh tế tuần hoàn hơn (a more circular economy). Là một phần của kế hoạch này, Samsung ngày càng tăng cường việc sử dụng các vật liệu tái chế vào các sản phẩm của hãng – bao gồm nhựa tái chế có nguồn gốc từ lưới đánh cá bỏ đi trong các thiết bị Galaxy, nhựa tái chế trong tivi và nhôm tái chế trong tủ lạnh Bespoke. Ngoài ra, chương trình Certified ReNewed của hãng – hiện có mặt ở Hoa Kỳ và một số quốc gia Châu Âu – cung cấp điện thoại đã tái chế với giá cả phải chăng, trong khi Galaxy Upcycling cho phép người dùng tái sử dụng điện thoại cũ theo những phương thức sáng tạo. Công ty cũng sẽ mở rộng quy mô tái chế và nâng cấp cho các thiết bị.

Riêng ở Việt Nam, vào giữa năm 2023, Samsung Vina đã phối hợp với hệ thống cửa hàng bán lẻ Thế Giới Di Động triển khai hoạt động “Chung tay xử lý pin đã qua sử dụng” trên toàn quốc nhằm thu gom và xử lý pin cũ từ các thiết bị Samsung. Các thùng thu gom pin cũ được đặt tại hơn 100 cửa hàng của hệ thống Thế Giới Di Động trên toàn quốc, và rác thải điện tử được chuyển tới nhà máy Samsung để xứ lý theo đúng chuẩn. Ông Đặng Minh Lượm, Thành viên HĐQT phụ trách chiến lược Phát triển Bền vững của Thế Giới Di Động, cho biết: “Chúng tôi hy vọng với hệ thống cửa hàng rộng khắp của cả 3 chuỗi Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh và Bách Hóa Xanh trên toàn quốc, thông điệp ý nghĩa của chương trình sẽ lan tỏa mạnh mẽ đến khách hàng.”

Chương trình thu gom pin cũ do Samsung Vina và hệ thống bán lẻ Thế Giới Di Động thực hiện. (Ảnh: Samsung)

Nhật Bản vốn được mệnh danh là một “cường quốc điện tử” nên rác thải điện tử cũng là một vấn nạn môi trường lớn. Theo báo cáo của Chính phủ Nhật Bản, vào năm 2013, nước này đã thu gom và xử lý được 550.000 tấn rác thải điện tử. Chỉ có điều, con số “khủng” này cũng chỉ chiếm có 24-30% tổng lượng rác thải điện tử của Nhật Bản.

Tại Hội thảo về chất thải điện tử ở Hà Nội ngày 15-12-2023,  ông Yutaka Yasuda, Giám đốc Điều hành Cao cấp của Công ty Kim loại JX Nhật Bản, đã chia sẻ ba giải pháp mạnh mẽ mà Nhật Bản đã triển khai để xử lý và tái chế rác thải điện tử. 

Thứ nhất, Nhật Bản thực hiện công tác phân loại và thu gom chất thải tại nguồn một cách chặt chẽ, đặt trách nhiệm xử lý lên các hãng sản xuất. 

Thứ hai, áp dụng luật về tái chế đồ gia dụng cho các sản phẩm như tivi, tủ lạnh, máy giặt, và điều hòa không khí, nhà sản xuất chịu trách nhiệm tái chế các thiết bị cũ hỏng. 

Thứ ba, người dân Nhật Bản phải trả tiền khi loại bỏ thiết bị điện tử cũ, và quy trình sản xuất đặt yêu cầu nghiêm ngặt về tỷ lệ tái chế tài nguyên.

Từ nhiều năm nay, Việt Nam đã triển khai Chiến lược quốc gia Việt Nam về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Và vào đầu năm 2024, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã thể hiện quyết tâm cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng tăng trưởng xanh và bền vững. Các ngành sản xuất – kinh doanh lẫn hoạt động tiêu dùng cũng phải được xanh hóa.

Có một thực tế là Việt Nam luôn bị bao vây bởi vô số nguồn rác điện tử ngoại nhập khi ngày càng nhiều nước siết chặt luật lệ để ngăn chặn rác thải điện tử đổ vào nước mình. Nếu không dựng được hàng rào bảo vệ vững chắc, Việt Nam có nguy cơ trở thành một bãi đổ rác thải điện tử cho thế giới.

Theo Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu Công nghiệp Việt Nam, quá trình thu gom và xử lý rác thải điện tử ở Việt Nam hiện nay vẫn còn ở mức độ thô sơ, đầy bất cập. Khoảng 100 cơ sở thu mua và tái chế rác thải điện tử chỉ hoạt động mang tính thủ công. Những cơ sở ứng dụng công nghệ cao lại gặp khó khăn về nhân lực, trang thiết bị, cũng như thiếu sự đầu tư về khoa học và chuyển giao công nghệ.

Các chuyên gia cho rằng cuộc chiến chống rác thải điện tử phải tiến hành song song việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng kết hợp có các luật định cụ thể và xử lý nghiêm minh. Từ nhà sản xuất – kinh doanh đến người dùng cuối đều có ý thức và trách nhiệm về rác thải điện tử. Riêng trong việc xử lý rác thải điện tử, bên cạnh việc xây dựng thêm nhiều cơ sở xử lý đúng chuẩn, các địa phương cũng cần quản lý chặt chẽ các cơ sở xử lý hiện có trên địa bàn mình, hỗ trợ họ hoạt động theo đúng chuẩn.   

Theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường 2020, từ ngày 1-1-2025, đối với các loại chất thải điện, điện tử như: máy tính bảng, máy tính xách tay, máy tính để bàn, điện thoại di động… nhà sản xuất và nhà nhập khẩu phải có trách nhiệm tái chế theo tỷ lệ và quy cách bắt buộc.

  • Bài in trên báo Người Lao Động thứ Tư 31-1-2024 và trên báo NLĐ Online.

ANH PHÚC