Chủ nhật ngày 28 tháng 4 năm 2024

Chặn điện thoại 2G giúp chặn rác thải điện tử

Từ ngày 1-3-2024, theo thông báo do Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) công bố ngày 23-2-2024, các mẫu điện thoại di động chỉ hỗ trợ công nghệ 2G (2G Only) không nằm trong danh sách các máy điện thoại 2G được chứng nhận hợp quy sẽ không còn được hòa mạng mới với các mạng di động ở Việt Nam. Những chiếc “điện thoại cục gạch” không còn khả dụng nữa này chính thức trở thành những “cục gạch” kỷ niệm một thời “mở cõi di động” ở Việt Nam (vào năm 1993).

Điện thoại chức năng 2G. (Ảnh: Internet. Thanks.)

Tuy nhiên, theo giải thích của Cục Viễn thông với báo chí, sau ngày 1-3-2024, chỉ có các mẫu “điện thoại cục gạch” 2G Only không được Bộ TT&TT cấp chứng nhận hợp chuẩn mới bị chặn hòa mạng mới (gắn SIM mới). Số điện thoại 2G Only bị chặn này là loại trôi nổi trên thị trường, có thể là thiết bị xách tay, nhập lậu hoặc nhập qua đường tiểu ngạch. Còn các mẫu điện thoại 2G Only đang hòa mạng và hợp chuẩn vẫn tiếp tục được phép hoạt động.

Vậy là, quyết định mới này của cơ quan quản lý có tác động như một mũi tên bắn trúng 2 con chim. Bên cạnh là một bước tiến mới trên hành trình tắt sóng mạng 2G hoàn toàn ở Việt Nam, nó còn giúp chặn một nguồn rác thải điện tử tiềm năng là những chiếc điện thoại chất lượng kém, không đạt chuẩn quốc gia, nhập lậu vào Việt Nam vốn trôi nổi đầy trên thị trường. Từ lâu, người ta đã cảnh báo rằng những chiếc điện thoại kém chất lượng này có thể gây ra nhiều tác hại, như bị kẻ xấu sử dụng, có thể là “cửa sau” cho bọn tội phạm mạng, hay gây nguy hiểm cho người sử dụng. Tất nhiên, nếu có thể làm cho đến nơi đến chốn, cơ quan chức năng cũng cần đưa ra giải pháp để thu gom số điện thoại “rác” này hòng xử lý đúng quy chuẩn an toàn môi trường.

Về pháp lý, các loại điện thoại 2G và cả 3G đã bị “cấm cửa” chính thức ở Việt Nam từ lâu rồi. Ngay từ năm 2020, Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư 43/2020/TT-BTTTT, trong đó quy định tất cả điện thoại di động được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu vào Việt Nam từ tháng 7-2021 phải tích hợp công nghệ 4G. Theo giới chuyên môn, cần phải xác định cụ thể đây là smartphone 4G thật sự hỗ trợ 4G cho cả gọi lẫn data.

Nhân tiện, việc tắt sóng 2G cũng phải xem xét đến thực tế là ở Việt Nam vẫn đang có rất nhiều mẫu điện thoại 3G và 4G đời đầu chưa tích hợp tính năng gọi điện VoLTE, buộc phải gọi thoại qua sóng 2G, 3G. Nếu tắt sóng 2G ngay, số điện thoại này cũng bị ảnh hưởng. Phải chăng vẫn cần phải có thêm một giai đoạn “chuyển đổi mềm”, trong thời gian đó kiên quyết không phát triển thêm thuê bao 2G mới?

Tất nhiên, việc duy trì phủ sóng 2G ra sao là tùy thuộc bài toán kinh doanh của từng nhà mạng di động. Cho đến thời điểm này, theo lộ trình cũ, tức tháng 9-2024, các nhà mạng lớn đều đã tắt sóng 2G ở nhiều khu vực có lưu lượng thấp. Nổi bật là nhà mạng Viettel không chỉ đã tắt sóng 2G mà đã bước sang lộ trình tắt cả sóng 3G. Sau bước thử nghiệm vào năm 2020, Viettel đã tắt sóng 3G trên diện rộng trong năm 2022 (với quy mô lên tới 35.000 trạm BTS) để tập trung phát triển 4G và 5G.

Chủ trương của Chính phủ Việt Nam khi tắt sóng 2G rồi tiếp đó là 3G là không để người dùng di động nào bị bỏ lại phía sau. Trong thời gian qua, các nhà mạng di động đều có những chương trình hỗ trợ và khuyến khích thuê bao chuyển lên 4G. Trên thị trường cũng có rất nhiều mẫu điện thoại phổ thông có hỗ trợ gọi điện 4G VoLTE chỉ có giá dưới 1 triệu đồng, thậm chí dưới 500.000 đồng.

Những chiếc điện thoại phổ thông hỗ trợ 4G VoLTE giá rẻ hiện có rất nhiều trên thị trường. (Ảnh: Internet. Thanks)

  • Bài in trên báo Người Lao Động thứ Tư 28-2-2024 và trên báo NLĐ Online.

HOÀI XUÂN