Thứ Hai ngày 29 tháng 4 năm 2024

Giúp giảm phiền hà cho người dân bằng ứng dụng công nghệ

TP.HCM đang cùng với các tỉnh thành khác trên cả nước bước vào cao điểm nước rút sắp xếp lại các đơn vị hành chính từ cấp tổ dân phố, khu phố và xã phường đến quận huyện, giai đoạn 2023-2025. Số lượng các đơn vị hành chính phải sắp xếp thuộc 56 tỉnh thành là không nhỏ. Chỉ tính riêng cấp xã, tổng đơn vị hành chính phải thực hiện sắp xếp là 1.243 đơn vị.

Quy trình sắp xếp cũng không đơn giản chỉ là nhập vào hay chia tách rồi thay đổi tên gọi, mà còn ảnh hưởng tới vô số phần việc khác, ngay cả thuộc công tác quản lý nhà nước và vận hành của các tổ chức. Đặc biệt, việc sắp xếp lại đơn vị hành chính này sẽ gây xáo trộn về nơi cư trú, địa chỉ của nhiều triệu người dân.

Kết nối giữa chính quyền với người dân qua ứng dụng. (Ảnh do Zalo cung cấp).

Ví dụ như ở Phường 9 (Quận 5, TP.HCM), nơi chiều 8-4-2024 vừa tổ chức lễ công bố Nghị quyết 11 của HĐND TP.HCM về thành lập, chia tách, sáp nhập, đổi tên khu phố, ấp trên địa bàn thành phố (có hiệu lực từ ngày 1-4-2024). Phường này không thuộc diện phải sắp xếp lại theo đơn vị cấp xã phường, nhưng phải sắp xếp lại các khu phố. Từ 7 khu phố, nay còn 6 khu phố, trong đó có 4 khu phố giữ nguyên hiện trạng, 1 khu phố được sáp nhập với khu phố khác và 1 khu phố phải đổi tên.

Thật ra, việc sắp xếp lại đơn vị hành chính này là cần thiết, nhưng chỉ phục vụ cho công việc quản lý của nhà nước. Nói rõ là các địa phương phải quán triệt đây là lợi ích của nhà nước. Vì thế, các địa phương phải hạn chế tới mức thấp nhất việc gây phiền hà cho người dân khi tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính.

Việc ứng dụng công nghệ hoàn toàn có thể giúp giảm thiểu sự phiền hà cho người dân.

Chẳng hạn như địa phương có thể nhắn tin vào điện thoại, gửi email, nhắn tin vào tài khoản Zalo của cá nhân và khu phố,… để thông báo cho từng cư dân việc mình thay đổi đơn vị hành chính mới. Thậm chí ngay cả những người không bị ảnh hưởng cũng cần được thông báo để biết và an tâm.

Song song đó, cơ quan quản lý nhà nước cấp phường xã và quận huyện phải phối hợp với ngành Công an và các ngành có liên quan để tự động cập nhật thay đổi về đia danh cư trú mới của công dân trong Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư và Căn cước. Việc này sẽ giúp người dân khỏi phải tự cập nhật các thay đổi này trong cơ sở dữ liệu của nhà nước.

Ngoài ra, các cơ quan có liên quan cũng cần có những biện pháp để giúp người dân dễ dàng trong việc thay đổi giấy tờ khi cần thiết.

HOÀI XUÂN