Thứ Sáu ngày 26 tháng 7 năm 2024

Bangkok 2024 nhớ lại Bangkok 2006

Chiều qua 15-5-2024 (nhằm ngày 8 tháng Tư Giáp Thìn), khu Hồng Công bên hông Chợ Lớn của A Phủ có một trận mưa “mưa vậy mới gọi là mưa” kéo dài từ 5g chiều tới hơn 6g chiều, nước đọng thành vũng trên đường. Lần đầu tiên từ đầu năm 2024 mới có một trận mua “hả hê” như vậy.

Sáng nay, trong nỗi nhớ Bangkok da diết, lục tàng thư các, A Phủ tình cờ tìm thấy bộ ảnh chụp hồi tháng 9-2006. Lúc đó, Thái Lan đang có binh biến (coup d’état). Ngày 19-9-2006 xảy ra biến cố tại thủ đô Bangkok. Ngày 24-9-2006, A Phủ đáp máy bay từ Sân bay Tân Sơn Nhất – SGN tới Sân bay Don Mueang – DMK (Bangkok) để thỏa cái máu mê nhà báo. Còn nhớ, ngày 1-11-1963, A Phủ là một cậu nhóc 6 tuổi ở tại tỉnh lẻ biên giới Kiến Tường tuốt Đồng Tháp Mười đã ôm suốt ngày chiếc radio ấp chiến lược bằng nhựa màu vàng để nghe tường thuật cuộc binh biến trên đài phát thanh quân đội từ Sài Gòn.

Ngày 24-9-2006, tại quầy check-in trong SGN, cô nhân viên hỏi đi hỏi lại A Phủ có biết tình hình Thái Lan không và có chắc chắn muốn bay không? Tất nhiên là tới luôn bác tài, “đẹp trai đâu sợ nhân tai”. Chuyến bay của Vietnam Airlines từ SGN đi Bangkok mà nếu theo ngôn ngữ mùa dịch COVID là “giải cứu”, cốt qua chở người Việt bị kẹt ở Thái Lan về nước nên chiều đi vắng như chùa Bà Đanh. Cả chiếc Airbus A300 số hiệu VN 851 chỉ có dăm hành khách, chủ yếu là người Thái Lan.

Tới Bangkok, quẳng hành lý trong khách sạn xong là A Phủ bắt xe tuk-tuk chạy tới điểm nóng đầu tiên là Chùa Cẩm Thạch Wat Benchamabophit (The Marble Temple), nơi tập trung nhiều xe tăng.

Không biết mấy ngày đầu mới xảy ra thì sao, chứ 5 ngày sau, khi A Phủ có mặt, biến cố trở thành như một “lễ hội quốc dân”. Người dân kéo nhau đến các khu có nhiều xe tăng để chụp ảnh “check-in” và “selfie”. Có những người tặng hoa cho binh lính. Tới bữa, người dân còn chở cơm nước tới phát cho binh lính, Khá nhiều phóng viên nước ngoài có mặt tác nghiệp, chỉ có điều A Phủ không may mắn gặp ai là đồng bào mình. Cũng tại Chùa Cẩm Thạch, A Phủ gặp một cậu thanh niên là kỹ sư CNTT đã có sáng kiến “làm giàu không khó” đẩy ngay một “quầy chụp ảnh lưu động” đặt trên chiếc xe đẩy có máy ảnh số, máy in màu và pin sạc tới “chụp ảnh lấy liền ăn tiền” cho ai có nhu cầu.

Lúc đó, đang lúc căng thẳng giữa các lực lượng có biều tượng là các màu áo: vàng, xanh, đỏ,… Bữa A Phủ mặc áo hường hường tới khu vực Chùa Cẩm Thạch, đang chụp ảnh trước một chiếc xe tăng thì cảm thấy ơn ớn lạnh. Nhìn lên thì thấy một tay sĩ quan quân đội mặc rằn rì đang chĩa mũi khẩu súng lục vào đầu A Phủ. A Phủ xém hồn, nhưng lập tức cười cầu hòa rồi lẩn ngay vào đám đông. (Đây là lần thứ hai A Phủ bị ai đó chĩa mũi súng vào mình – lần đầu là vào tháng 4-1975 với một họng súng M16 khi A Phủ mới có 18 tuổi). Sau đó, A Phủ bắt xe tuk-tuk chạy ra chợ mua một chiếc áo thun vàng có thêu huy hiệu hoàng gia trên túi mặc vô liền. Từ đó, mấy ngày sau có đi tới đi lui cũng an tâm hơn.

Giờ 18 năm sau, sao mà nhớ Bangkok 2024 da diết. Bangkok ơi có nhớ!

A.P.