Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Làm báo, lằn ranh đạo đức mỏng manh

Hôm rồi, tôi thấy báo chí nước Anh và những nước thuộc Anh rôm rả vụ Công nương xứ Cambridge (Kate), 30 tuổi – phu nhân của Hoàng tử Anh Williams (con trai lớn của Thái tử Charles và cố Vương phi Diana) bị ốm nghén phải vào điều trị tới 3 đêm tại Bệnh viện Vua Edward VII. Thôi thì, đó là chuyện con nhà giàu đứt tay lớn chuyện như con nhà nghèo đổ ruột, huống chi đây lại là thành viên một hoàng gia nổi tiếng thế giới.

Hoàng tử William và Công nương Kate.

Bi kịch của vụ này lại nằm ở chỗ cướp mất mạng sống của một người – nữ điều dưỡng Jacintha Saldanha, một người mẹ 46 tuổi có 2 con, người trực tiếp chăm sóc công nưong.

Số là sau nhiều lần gọi điện tới bệnh viện mà không săn được thông tin, cặp đôi phụ trách chương trình (DJ) của đài phát thanh 2Day FM (Sydney, Úc) là Mel Greig, 30 tuổi, và Michael Christian, 25 tuổi, hồi 5g30 sáng 3-12-2012 (giờ Anh) đã mạo danh là người nhà Hoàng gia Anh gọi điện tới bệnh viện hỏi thăm bệnh tình Công nương Kate. Có tin nói Mel đã giả giọng Nữ hoàng Anh Elizabeth II và Michael giả giọng Thái tử Charles. Bị trúng quả lừa quá siêu, nữ điều dưỡng Saldanha đã nối máy cho một đồng nghiệp thông báo tình hình của công nương. Đôi DJ lừa gạt kia đã ghi âm toàn bộ cuộc điện đàm rồi sau đó tung lên sóng. 72 giờ sau, người ta phát hiện chị Saldanha chết tại nhà riêng gần bệnh viện. Trong khi bệnh viện và cảnh sát đang điều tra, báo chí cho rằng nạn nhân đã tự sát.

Hoàng tử William cho biết ông và Hoàng gia không hề có ý định kiện tụng gì, mặc dù việc bệnh viện cung cấp thông tin bệnh nhân cho người ngoài như vậy là sai. Khi nghe tin về cái chết của nữ điều dưỡng Saldanha, Hoàng tử Anh đã nổi cơn thịnh nộ.

Bệnh viện đánh giá Saldanha – một người Anh gốc Ấn – là một điều dưỡng giỏi và tận tâm, luôn có cách cư xử đúng mực – vì thế mới chọn chị để chăm sóc cho Công nương Kate. Giám đốc bệnh viện John Lofthouse nói rằng các điều dưỡng được đào tạo để chăm sóc bệnh nhân chứ không phải để đối phó với sự dối trá của những người làm báo. Saldanha là một người theo đạo Công giáo rất mộ đạo. Nếu như chị đã phải chọn cách tự sát thì là chuyện đã tới cùng cực. Bởi đạo Công giáo cấm con chiên tự sát, ai vi phạm sẽ bị mất linh hồn và bị vạ tuyệt thông.

Nữ điều dưỡng Jacintha Saldanha.

Nữ điều dưỡng Saldanha và chồng.

Bà con dòng họ của Saldanha ở Ấn Độ đón hung tin.

Benedict Barboza (giữa), 49 tuổi, chồng của Jacintha Saldanha, với 2 con của họ Lisha (trái), 14 tuổi, và Junal (phải), 16 tuổi bên di ảnh của người vợ – người mẹ yêu thương. (Ảnh của Daily Mail 10-12-2012)

Ngay sau khi bi kịch xảy ra, hai thủ phạm đã nhanh chóng nhận trách nhiệm, nhưng việc mà họ có thể làm bây giờ chỉ là gửi lời xin lỗi tới gia đình nạn nhân của mình. Khi xuất hiện trên đài truyền hình Úc, Mel đã khóc ân hận. Cả hai đã bị đài phát thanh đình chỉ việc lên sóng. Đài phát thanh này lo sợ sẽ bị tổn thất nặng về tài chính do có thể có một số khách hàng hủy bỏ hợp đồng quảng cáo vì sợ “văng miểng”.

Nữ DJ 30 tuổi Mel Greig giàn giụa nước mắt ân hận.

Mel là một cựu người mẫu. Ảnh chụp trong một buổi chụp hình người mẫu tại Adelaide tháng 8-2011.

Khi xuất hiện trên truyền hình Úc sau bi kịch, hai DJ trẻ đã nương tựa vào nhau, động viên lẫn nhau bằng những cử chỉ “cùng làm cùng chịu”.

Nước Anh chính là nơi ra đời và là “vương quốc” của loại báo lá cải, gọi là “tabloid” – một kiểu làm báo rẻ tiền (kể cả bán giá rẻ), chuyên săn tìm các tin giật gân, câu khách kiểu “chó cán xe, xe cán chó”. Vì thế, đây là một đòn “gậy ông đập lưng ông”.

Tôi không phải là người phán xét, tôi cũng là một đồng nghiệp của 2 DJ Úc kia. Tôi bị giằng co giữa những lý lẽ khác nhau. Liệu có thể xếp vụ lừa gạt này vào loại “tai nạn nghề nghiệp”, mà không làm hoen ố những nhà báo chân chính bị “tổ trác” khi tác nghiệp? Liệu đây có phải là hậu quả của kiểu làm báo vô đạo đức, vô trách nhiệm, dám làm bất cứ cách nào – kể cả giở thủ đoạn – miễn là có được tin tức độc quyền, giật gân mà câu khách? Nói đi thì cũng cho nói lại, xét về phương diện nghiệp vụ, nhà báo cũng như nhà điều tra, có thể sử dụng các ngón nghề – miễn là không để vi phạm pháp luật và lương tâm cho phép – để thu thập thông tin. Lằn ranh đạo đức mỏng manh còn nằm ở chỗ nhà báo xử lý các thông tin đó. Đằng này, hai DJ của đài Úc lại bê nguyên xi bản ghi âm cuộc điện thoại lừa gạt kia tung lên sóng, bất chấp hậu quả cho người cung cấp tin. Cho dù biện minh đó là do đặc thù của đài phát thanh, chứng cứ không bằng hình ảnh, con chữ mà bằng âm thanh, đây vẫn là cách xử lý thông tin thiếu cẩn trọng, vô trách nhiệm. Khó thể nói là hai DJ non tay nghề khi họ đều là những người chuyên nghiệp, có nhiều năm kinh nghiệm trong nghể phát thanh – truyền hình.

Dù sao, tôi tin – hay tự cho mình nên tin – hai DJ trẻ tuổi kia thật sự không lường trước được hậu quả của việc này. Có khi nếu êm xuôi, họ còn được thưởng vì “thông minh”. Có lẽ họ chịu nhiều áp lực trong thời buổi cạnh tranh truyền thông – chậm chân và không có tin hot là thua, là thiệt hại kinh tế. (Đáng tiếc chăng là ở chỗ họ không biết lúc nào phải chấp nhận chậm một bước để không gây hậu quả nghiêm trọng cho mình và cho người khác.) Nhìn hai người xuất hiện trong cuộc phỏng vấn của truyền hình Úc, tôi tin – lại tin – là họ thật tâm hối hận. Tôi mong họ coi đây là một bài học nghề nghiệp lớn nhất trong đời mình. Tất nhiên, bài học này sẽ không nên khiến họ phải rùn tay, chùn bước khi tác nghiệp, mà chỉ cần nhắc nhớ họ làm gì cũng phải cẩn trọng và lường được càng nhiều hậu họa càng tốt. Tôi tin rằng nếu thật sự là người tốt, chỉ vì lỡ “sai một con toán, bán một con trâu”, trong những ngày này, đêm nào hai DJ trẻ cũng đầy ác mộng.

Nhiều báo Úc hôm Chủ nhật 9-12-2012 đều cho rằng 2 DJ không có tội. Theo báo Anh Daily Mail (10-12-2012), nhật báo Úc Sydney Daily Telegraph đã tổ chức một cuộc thăm dò dư luận, có hơn 34.000 người đọc đã tham gia, với kết quả là 68% (tức hơn 2 phần 3) không quy trách nhiệm cho 2 DJ đối với cái chết của nữ điều dưỡng Anh Saldanha.

Một cuộc chiến giữa báo chí Anh và báo chí Úc cũng đã nổ ra vì vụ này. Điều cay đắng là cả 2 nước Anh và Úc đều có chung một Nữ hoàng. (Úc là một nước quân chủ lập hiến với hình thức liên bang coi Nữ hoàng Anh cũng là Nữ hoàng Úc, có một Toàn quyền Anh đại diện cho Nữ hoàng Anh và Thủ tướng Úc điều hành bộ máy chính quyền).

Nhà báo và người viết báo chớ hề là một. Ở đâu cũng vậy, người viết báo hằng hà sa số, còn nhà báo thì chỉ có số ít. (Nó cũng giống như trong ngành giáo dục, người dạy học thì nhiều mà nhà giáo thì ít hơn.) Bởi chỉ cần viết vài dòng tin được đăng báo thì ta đã là người viết báo. Còn từ vị trí người viết báo tới danh phận nhà báo lại là một chặng đường xa thăm thẳm, gian nan, chẳng bao người có thể tới đích. Hiện nay ở xứ ta, về mặt thủ tục, để được nhà nước công nhận là nhà báo thì người viết báo phải là hội viên hội nhà báo và có thẻ nhà báo. Nhưng suy cho cùng, đó chỉ là thủ tục hành chính. Còn nhà báo thật sự thì phải được xã hội nhìn nhận. Theo tôi, nhà báo “chính chủ” phải có đủ 3 chuẩn mực cơ bản: tâm, đức và trình độ (tri thức xã hội và tay nghề).

Hồi còn làm ở báo Long An, mỗi khi tập huấn cho phóng viên mới của báo nhà hay những đài truyền thanh huyện, tôi vẫn luôn nhấn mạnh tới 2 tiêu chuẩn ắt có và đủ của người viết báo là tâm và đức, kế đó mới tới cái nghề. Viết gì viết, viết hay hoặc dở là chuyện khác, nhưng đều phải viết với cái tâm và cái đức của một con người. Nhất là khi viết chống tiêu cực, phê bình ai đó, ta lại càng phải cực kỳ cẩn trọng, càng phải lấy cái tâm và cái đức ra mà làm nền tảng, không chỉ viết cho người ta tâm phục khẩu phục (vì chính xác, trung thực, có tình hợp lý) mà còn phải chừa cho họ con đường sống, cho họ có cơ hội mà sửa chữa để tốt lên.

Thiệt là khủng khiếp và tai ương cho xã hội nếu như một người viết báo giỏi mà lại thiếu cái tâm và cái đức. Mỗi bài viết của người đó chẳng khác gì một trái bom C4, một đòn hiểm độc.

Sức mạnh thiên hạ vô đối của báo chí thì chẳng có phải phải bàn cãi nữa. Ở các nước dân chủ phương Tây, báo chí được coi là quyền lực thứ tư (đệ tứ quyền) – sau lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nhưng mỗi con chữ giống như một viên đạn, bắn ra khỏi nòng thì không thể thu hồi nguyên vẹn. Nhiều người bảo nhau: chớ dại mà gây chuyện mất lòng mấy tay nhà báo. Khi công kích người ta, báo trương ảnh to đùng, giựt tít bự chảng, có khi tràn nguyên cả trang nhứt; tới chừng biết sai thì báo xài chiêu “nói lại cho rõ” (chứ hỗng chịu cải chính, nhận lỗi sai à nghen) chỉ bằng vài dòng trên một kích thước nhỏ xíu, chẳng mấy ai đọc tới. Vậy là được vạ thì má đã sưng, thậm chí đời đã tiêu tán đường – thân bại danh liệt.

Chắc chắn có người cho rằng trong cái vụ này có phần nào trách nhiệm của người đọc báo, xem đài. Những người viết báo phải chiều theo họ mới ra nông nỗi. Tôi thì cho rằng đây chỉ là một cách ngụy biện, “chia sẻ” trách nhiệm (không dám nói là “bán cái” trách nhiệm). Bạn đọc là một đối tượng nói chung, bao gồm đủ loại trình độ, nhu cầu, thị hiếu,… Họ chớ hề là người chủ động hay người “đặt hàng”. Khi đọc mỗi số báo mới, người đọc như đi dự một bữa tiệc mà các món đều được chủ nhân nấu nướng và dọn sẵn.

Sau vụ bê bối đầy bi kịch này, cả phía bệnh viện lẫn cánh viết báo đã có thêm một bài học kinh nghiệm trả bằng máu. Chỉ có điều, trong một xã hội chụp giựt, đảo lộn nhiều giá trị sống, khi đồng tiền “cầm cương nảy mực”, những bài học kiểu này lại rất dễ… quên!

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 11-12-2012)

VIDEO: Nurse Commits Suicide after Prank Call to Duchess Kate

VIDEO: Hospital Prank Call – Radio DJs Prank Call to Duchess Kate Hospital Hoax.


VIDEO: Aussie DJ Prank Call (Kate Middleton) Official Interview