Thứ Sáu ngày 27 tháng 12 năm 2024

Chẳng ai có hoàn cảnh giống nước Việt mình

islands-disputes-in-the-south-china-sea

 

Có một đặc thù địa lý là chỗ nhược của Việt Nam. Trong số các nước đang bị Trung Quốc tranh giành lãnh thổ và lãnh hải, chỉ có mình ên Việt Nam nằm sát nách Trung Quốc trên đất liền. Thủ đô Hà Nội nằm cách cửa khẩu Tân Thanh trên biên giới Việt – Trung chỉ hơn 180km theo đường Quốc lộ 1A. Bởi vậy, Việt Nam cũng phải có những bài bản riêng của mình, kẻo xôi hỏng bỏng không hay được vạ thì má đã sưng. Và hơn ai hết, Việt Nam ắt phải hiểu thấu thế nào là những chiêu thức hình như có trong Binh pháp Tôn Tử: được đằng chân, lân đằng đầu; lấn dần từng chút một; lấn được lần này, lần sau lấn tiếp; mềm nắn, rắn buông. Mấy cái chiêu này từng được vua Lê Thánh Tông hồi năm 1473 cảnh báo cho Thượng thư Bộ Binh Lê Cảnh Huy: “Ngươi phải kiên quyết tranh biện chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay lẽ gian.”

Nhiều lần viết về mối quan hệ phức tạp Việt – Trung, tôi vẫn thường nhắc tới cái sự nghiệt ngã của lịch sử hai nước. Do thâm thù những kẻ ly khai là dân Việt phải di tản xuống phương Nam tránh ách cầm quyền của Hán tộc, đồng thời với tham vọng thống lĩnh thiên hạ, thâu tóm các lãnh thổ ở phương Nam, trong chiều dài lịch sử hàng ngàn năm, nhiều triều đại phương Bắc liên tục xâm lược Việt Nam, nên hễ chiến thắng của nước này lại là chiến bại của nước kia. Sách sử hai nước ghi rành rành như vậy. Vì thế, các thế hệ con dân hai nước, hễ còn học lịch sử nước mình là đều biết điều đó. Chỉ có những người học chân chính và được giáo dục đàng hoàng mới thấu lý đất trời hiểu rằng đó là chuyện của lịch sử, của quá khứ. Tới đây, tôi giựt cả mình khi nhớ mới đây có những ai đó ở ngành giáo dục mưu toan bỏ môn lịch sử ra khỏi chương trình giáo dục toàn dân. Chẳng lẽ… thôi không dám suy diễn tiếp.

Có những người ở Việt Nam luôn tự hào về tài ba đấu tranh chính trị. Tiếc một điều là họ bỏ trống nhiều trận địa và thường thì có cái nhìn không xa hơn phao số 0. Trong thời gian qua, Bắc Kinh tìm đủ chiêu, bao gồm đưa vào sách giáo khoa cho học sinh học, để tuyên truyền, giáo dục cho người dân hiểu rằng Biển Đông và các đảo ở đó là của tổ tiên người Trung Quốc để lại cho cháu con. Cụ thể là Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Trung Hoa từ thời cổ đại (!?). Họ chẳng ngần ngại gì mà không làm cho người dân “đinh ninh trong lòng” rằng các đảo đó đã bị Việt Nam xâm chiếm. Còn Việt Nam ta đã làm được những gì? Dạy sử mà giống như dạy chính trị theo lối muôn xưa cũ trộn lẫn thêm phương pháp tài chánh – thống kê ngập ngụa những con số thì nói sao người ta không chán như con gián! Cái tệ nhất trong tất cả các cái tệ là dạy sử mà cái gì có liên can tới Trung Quốc là lấm la lấm lét, nhìn trước ngó sau dẫn tới nhẹ thì đẩy đưa lớt phớt cho qua chuyện, nặng thì vo tròn bóp méo cho vừa khuôn. Học sử chân chính là để biết sự thật lịch sử chớ không nhằm kích động thù hận dân tộc, bài xích người khác. Muốn làm vậy thiết nghĩ cũng chẳng quá khó, chỉ cần giúp người học đặt từng sự kiện trong bối cảnh thời gian và môi trường lúc nó xảy ra để người ta hiểu đó là lịch sử, là quá khứ.

south-china-sea-map

Như đã nói ở trên, do đặc thù địa lý và lịch sử giữa Việt Nam và Trung Quốc, mối quan hệ giữa hai nước luôn mang tính nhạy cảm và phức tạp, đòi hỏi phải được xử lý một cách cẩn trọng với những phương cách phù hợp. Tôi tin rằng trong giới lãnh đạo Việt Nam trước nay, có những người rất đau đầu. Cũng có những người giờ phải tìm cách dọn dẹp cái mớ bòng bong và cả hậu quả của những người tiền nhiệm (ở đây tôi chỉ muốn nói là do cả tin, nghĩ tới lợi ích cục bộ trước mắt, ngây thơ thôi chớ không dám nghĩ tới những khuất tất chi đó mà rồi lịch sử cũng tới lúc làm cho phơi bày để chịu phán xét).

Trong bài tường thuật chuyến thăm Singapore của ông Tập Cận Bình, báo Mỹ New York Times (7-11-2015) viết từ Bắc Kinh rằng: “Trước khi đến Singapore, ông Tập đã thăm Việt Nam, nơi những nhà lãnh đạo của Đảng CSVN duy trì những mối quan hệ bình thường với những người đồng cấp ở Trung Quốc nhưng cũng đua tranh một cách mãnh liệt với Trung Quốc về những yêu sách chủ quyền ở Biển Đông.” (Before arriving in Singapore, Mr. Xi visited Vietnam, where leaders of the Vietnamese Communist Party maintain regular ties with counterparts in China but also compete intensely with China over claims in the South China Sea.)

Từ ngàn xưa, các triều đại cầm quyền của người Việt do quá biết rõ tâm địa của người phương Bắc (gọi là biết người) và sự tương quan lực lượng (gọi là biết ta), nên luôn đề cao cảnh giác phòng ngự đồng thời có đối sách linh hoạt và khôn ngoan, lấy hòa thuận và hòa bình làm nền tảng, nhưng không phải dĩ hòa vi quý một cách mù quáng. Có một điều xuyên suốt lịch sử là các triều đại có thế mất gì thì đành chịu, nhưng không bao giờ chấp nhận bị mất một tấc đất nào của tổ tiên để lại. Thời đại phong kiến đã giữ vững giang sơn để sau này chuyển giao cho thời đại hậu phong kiến. Nói chung, hiểm họa phương Bắc luôn là nỗi ám ảnh của người Việt suốt chiều dài lịch sử, và làm sao để đất nước tồn tại hòa bình với nước lớn phương Bắc luôn là nỗi đau đầu của các nhà cầm quyền Việt Nam. Chỉ cần thiếu bản lĩnh hay tệ nhất là tự tư tự lợi là người ta có thể bị phương Bắc lập tức lợi dụng và xỏ mũi để trở thành kẻ tội đồ của dân tộc, hoặc bán nước, hoặc rước voi về dày mả tổ. Khó lắm, khó lắm.

Càng khó hơn cho nước Việt mình khi trong những năm sau này, Bắc Kinh đi theo chiêu bài gây sự với bên ngoài để thiên hạ phân tâm khỏi chú ý tới nội tình của họ. Nhà cầm quyền cũng tìm cách xoa dịu lòng dân cho họ quên đi những bức xúc và bất mãn với chế độ cầm quyền bằng cách kích động lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc thông qua những cuộc trường chinh thâu tóm lại những mảnh lãnh thổ mà ai đó la toáng lên “thiệt ra là do tổ tiên chúng ta để lại nhưng đang bị bọn láng giềng chiếm giữ”. Mệt cầm canh luôn á.

Có người nhắc lại Hội nghị Diên Hồng với lời thề toàn dân hy sinh chống giặc ngoại xâm. Dân tộc Việt vốn có truyền thống yêu nước cao độ và chống giặc ngoại xâm ngoan cường. Nhưng phải hiểu rằng “toàn dân hy sinh” ở đây không có nghĩa là “hy sinh toàn dân”. Sự hy sinh ở đây không có nghĩa là tự sát một cách mù quáng. Ta không có cửa với Trung Quốc về vụ hy sinh này đâu. Ai từng trải qua cuộc chiến Nam Bắc tương tàn trước 1975, cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam và cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc ắt hiểu thế nào về chiến thuật tấn công biển người “mang màu sắc Trung Quốc”. Từ thời cổ đại, các nhà cầm quyền Trung Hoa đâu có tiếc chi mạng sống của… người khác. Bây giờ cũng vậy. Họ dư dân mà. Đem 1.300 triệu dân so với 90 triệu dân thì dù chấp nhận 3 đổi 1, cuối cùng giang san hình chữ S cũng chỉ còn người của họ mà thôi. Bởi vậy, không được phép manh động và mạo hiểm. Làm sao để vẫn giữ được giang sơn mà không làm bùng nổ chiến tranh mới là tài trí của người Việt. Xin lặp lại, ta đang sống trong thế giới liên lập, mỗi nước độc lập nhưng vẫn có những mối liên hệ cùng tồn tại và phát triển với thế giới chung quanh. Biết chọn bạn mà chơi, biết huy động sức mạnh tập thể của những người có lương tri và chính nghĩa, ta chẳng bao giờ phải “ở đời một mình” (xin lỗi đạo diễn Chris Columbus của bộ phim Home Alone).

Tôi sợ nhất là lòng dân và tình yêu nước bị ai đó lợi dụng và làm cho chệch hướng, lợi bất cập hại. Tin tôi đi, không một ai thật sự là người Việt Nam mà không đau lòng khi lãnh thổ cha ông đổ máu xương và mồ hôi khai phá và bảo vệ để lại cho cháu con lại bị kẻ khác lấn chiếm. Người yêu nước không thể nào là kẻ thù của nhân dân, của dân tộc và càng không phải là kẻ phản quốc. Hơn bao giờ hết, trong cuộc đấu tranh với người ngoài, nội bộ phải thiệt là mạnh. Muốn mạnh thì phải đoàn kết một lòng đồng tâm hiệp lực. Chẳng phải để gây sự với ai đâu. Chỉ là để bảo vệ giang san và lẽ phải cho dân tộc mình.

Không nhìn thì thôi, mỗi lần ngó lên bản đồ châu Á, tôi rợn cả người như coi các tập phim Walking Dead (Xác Sống). Quần đảo Hoàng Sa nằm ngang miền Trung (Huế, Đà Nẵng) – nghĩa là khóa cổ trọn vẹn miền Bắc. Quần đảo Trường Sa nằm trải từ Khánh Hòa tới mũi Cà Mau. Nếu như lại để cho Trung Quốc xâm chiếm nốt Trường Sa như họ đã làm với Hoàng Sa hồi năm 1974, Việt Nam sẽ bị kẹp như thỏi xúc xích trong chiếc bánh hotdog với một bên là Campuchia và Lào (mạn đất liền) mà Bắc Kinh lâu nay tăng cường ảnh hưởng và tác động, và một bên là Trung Quốc (phía biển). Chớ có coi thường và mất cảnh giác.

vietnam-map-2

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 8-11-2015)

+ Nguồn bản đồ: Internet. Thanks.