Thứ Bảy ngày 23 tháng 11 năm 2024

Vì sao dân Thổ Nhĩ Kỳ ghét ngày lễ Thanksgiving Day?

thanksgiving-turkey-beef

 

  1. Trên mạng đang lưu hành tấm ảnh chế ghép với cảnh Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi điện cho Tổng thống Nga Vladimir Putin hỏi: “What will you have for your Thanksgiving dinner?” (Ngài sẽ xơi gì trong bữa tối lễ Tạ ơn?). Nhà lãnh đạo Nga trả lời gọn lỏn: “Turkey”. Ai muốn hiểu đó là “gà tây” (món truyền thống không thể thiếu trong ngày lễ Tạ ơn) hay “Thổ Nhĩ Kỳ” (một quốc gia bản lề giữa Đông Âu và Tây Á) cũng đều hợp thời sự.
putin-obama-turkey

Ảnh chế trên Internet.

Hôm nay (thứ Năm 26-11-2015) là ngày lễ Tạ ơn Thanksgiving Day (thứ Năm thứ tư trong tháng 11) mà nhiều nước trên thế giới ăn mừng. Hỗm rày, mối quan hệ Nga và Thổ Nhĩ Kỳ căng như sợi dây đờn bầu sau sự cố Thổ Nhĩ Kỳ cho máy bay tiêm kích F-16 của mình bắn rơi một chiếc máy bay cường kích Su-24 của Nga mà phía Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định nó đã xâm nhập không phận nước mình nhưng vẫn không chịu bay ra sau khi đã được chủ nhà nhắc nhở 10 lần.

Vụ việc xảy ra ngày 24-11-2015 tại khu vực Hatay có một phần lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ có hình dạng một mũi đất cắm vào sâu trong lãnh thổ Syria. Theo bản đồ quân sự do Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp, chiếc Su-24 đang hoạt động ở Syria đã bay cắt ngang qua cái mũi đất đó và đã bay khoảng 2 dặm ngang qua không phận Thổ Nhĩ Kỳ. Nga thì cung cấp bản đồ cho thấy chiếc máy bay này đã cẩn thận bay vòng tránh không phận của Thổ Nhĩ Kỳ. Viên hoa tiêu Nga sống sót nói với báo chí rằng họ không hề nhận được cảnh báo nào bằng lời hay dấu hiệu. Máy bay ném bom của Nga có tốc độ chỉ bằng phân nửa máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ, nên nếu muốn, máy bay F-16 có thể bay ép cho Su-24 phải đổi đường bay.

151124-russian-su24-plane-path-turkey-map-01

Đường bay màu đỏ do Nga công bố. Đường bay màu tím do Thổ Nhĩ Kỳ công bố.

151124-russian-su24-plane-path-turkey-map-02

Đường bay trên ảnh do quân đội Thổ Nhĩ Kỳ công bố.

Hai phi công Nga đã nhảy dù ra khỏi máy bay rơi trong lãnh thổ Syria, sát biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng một viên phi công đã thiệt mạng do bị quân nổi dậy ở Syria từ dưới đất bắn như mưa lên trời trong khi nạn nhân đang rơi xuống. Viên phi công thứ hai đã được quân đội Syria cứu sống.

 

Đây là lần đầu tiên trong nửa thế kỷ qua, một nước thành viên Khối NATO bắn rơi máy bay của Nga. Hồi tháng 10-2015, NATO từng phản đối 2 vụ máy bay Nga xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ cũng ở khu vực này. Phía Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ngày 24-11 có 2 chiếc máy bay Nga xâm phạm không phận của mình, nhưng họ chỉ bắn hạ 1 chiếc.

Có một số nhà bình luận cho rằng đây là thuyết âm mưu. Trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ ngoảnh mật làm ngơ cho lực lượng Hồi giáo cực đoan tự xưng là “Nhà nước Hồi giáo” IS lộng hành ở Syria láng giềng. Mãi tới khi IS tấn công tới sát biên giới và chịu không nổi trước sức ép của Mỹ và NATO, Thổ Nhĩ Kỳ mới miễn cưỡng cho phép NATO được sử dụng lãnh thổ làm bàn đạp cho chiến dịch tấn công IS do NATO thực hiện. Bây giờ, với việc bắn hạ máy bay Nga – nước đang đơn phương thực hiện các cuộc oanh kích chống lại các lực lượng đối đầu với chính phủ của Tổng thống Syria, Bashar al-Assad, Thổ Nhĩ Kỳ coi như “gỡ điểm” được với IS.

Chắc chắn ông Putin không ra lệnh trả đũa quân sự chống Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên NATO đâu. Nhưng “ông lớn” Nga có sức mạnh chính trị và kinh tế để “ân đền, oán trả”. Chỉ có điều, đây cũng là một bài học cho “con gấu” Nga cũng như những nước nào đó tự cho mình có quyền xâm phạm lãnh thổ thiêng liêng và hợp pháp của nước khác.

Và đây là lý do mà ngày lễ Tạ ơn năm nay, ông chủ Điện Kremlin phải xơi món “Turkey” dai nhách và đầy xương xẩu!

 

  1. Sếp một đồn của liên quân quốc tế đóng ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ – Syria ra lệnh cho một anh lính binh nhì:

– Đi kiếm một mớ Turkey về dùng cho tối Thanksgiving.

Anh lính hỏi:

– Male hay female?

– Female cho nó mềm và thịt thơm.

Lát sau, anh binh nhì trở lại trình diện, dẫn theo một đám… chị em người Thổ Nhĩ Kỳ.

Tôi đùa thôi. Trong tiếng Anh, Turkey vừa có nghĩa là Thổ Nhĩ Kỳ, vừa có nghĩa là con gà tây.

 

  1. Vì sao lại gọi gà tây (người Việt quen gọi là gà lôi) bằng cái tên “turkey” nhạy cảm như vậy? Từ điển bách khoa Wikipedia giải thích: Khi khám phá ra châu Mỹ, những người châu Âu đầu tiên nhìn thấy những con gà tây đã tưởng lầm chúng là một giống của loài gà Guinea fowl (gà sao hay gà phi) vốn có xuất xứ ở vùng Tây Phi và được đưa đi khắp nơi thông qua những nhà buôn thuộc Đế chế Thổ Nhĩ Kỳ (Ottoman Empire) thời đó đang làm bá chủ nhiều lãnh thổ. Vì thế, họ gọi loài gà Bắc Mỹ này là “turkey fowl” (gà Thổ Nhĩ Kỳ), dần dần rút gọn lại chỉ còn chữ “turkey”.

Loài gà tây này được du nhập vào Anh qua những tàu buôn từ Trung Đông. Những nhà buôn này được người Anh gọi là “nhà buôn Thổ Nhĩ Kỳ” (Turkey merchant). Lúc đó, Thổ Nhĩ Kỳ được gọi là Đế chế Ottoman Empire (1299-1923) – một đế chế Hồi giáo hùng mạnh kiểm soát phần lớn Đông Nam Âu, Tây Á, Bắc Phi, Sừng châu Phi. Vì thế, giống gà đó cũng được gọi là “turkey bird”.

Như vậy rõ ràng gà tây là một giống động vật ở Bắc Mỹ, không có dính dáng gì tới Thổ Nhĩ Kỳ. Cái tên tiếng Anh “turkey” của nó cũng ăn theo tên Thổ Nhĩ Kỳ. Chỉ vì ngộ nhận, nhầm lẫn trong cái thời chưa có mạng Internet nên không thể liên lạc, xác minh được mà dẫn tới sự trùng hợp khiến người Thổ Nhĩ Kỳ quạu truyền kiếp này.

Đó là lý do người Thổ Nhĩ Kỳ ghét ngày lễ Tạ ơn của người Mỹ. Bởi vào cái ngày đó, những người Turkey phải chứng kiến cảnh vô sô con turkey bị đưa vào lò nướng phục vụ bữa tối mừng lễ. Theo kết quả một cuộc thăm dò mới đây của Yahoo, có tới 91% số người Mỹ được hỏi cho biết họ sẽ ăn gà tây trong lễ Tạ ơn 2015. Nước Mỹ hiện có 318 triệu dân (2014). Vào năm 2006, có khoảng 270 triệu con gà tây được người Mỹ nuôi, trong đó có 1 phần 3 dành cho ngày lễ Tạ ơn và lễ Giáng sinh.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon Thanksgiving Day 26-11-2015)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.