Thứ Năm ngày 21 tháng 11 năm 2024

Bông hồng trắng mừng bông hồng đỏ

vulan-bongjhong

 

Nói thiệt bụng đó, chớ hề GATO (ghen ăn tức ở) chi đâu. Tôi trong đạo quân “bông hồng trắng” ngày càng thêm đông thiệt lòng chúc mừng các bạn mình vẫn còn được hạnh phúc gắn bông hồng đỏ trong mùa Vu Lan Phật lịch 2560. Càng hạnh phúc hơn nếu như bạn có được mẹ mình tận mắt chứng kiến lúc mình được gắn bông hồng đỏ hay chí ít thì sau đó cũng có thể chạy u về sà vào lòng mẹ mà khoe với mẹ mình. Và thiệt là lý tưởng khôn xiết nếu như hai mẹ con bạn cùng được gắn những bông hồng đỏ trên ngực áo.

Vào ngày Vu Lan (Rằm tháng 7 âm lịch), Phật tử người Việt mình có một tập tục tốt đẹp là cài bông hồng đỏ cho những người còn có mẹ đang sinh thời và cài bông hồng trắng cho những ai không còn có mẹ trên đời này nữa. Riêng các nhà tu hành thì được cài bông hồng màu vàng. Nghi thức trên nền tảng đạo hiếu này được giải thích là để nhắc nhở mọi người về lòng hiếu thảo và tình người. Đó là lý do mà người ta quen gọi Vu Lan là mùa báo hiếu, hay mùa Vu Lan báo hiếu.

vulan-bongjhong-2

Một số nước Á Đông chọn ngày Rằm tháng Bảy là dịp để thể hiện lòng hiếu thảo của con cái với cha mẹ ông bà mình. Ngày báo hiếu này có từ rất lâu đời. Trang Chúng Ta cho biết: Lễ Vu Lan chính thức được bắt nguồn từ một bản kinh ngắn của Phật Giáo Đại Thừa “Phật Thuyết Kinh Vu Lan Bồn”, do ngài Trúc Pháp Hộ dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hán vào đời Tây Tấn, tức khoảng năm 750-801 sau Công nguyên. Nó xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã dũng cảm xuống tận địa ngục với sự hợp lực của chư tăng khắp mười phương để cứu người mẹ quá cố của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ.

Nhưng nghi thức cài bông hồng của Phật tử người Việt chỉ được thực hiện sau năm 1962 ở miền Nam Việt Nam xuất phát từ đoản văn Bông Hồng Cài Áo của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, viết tại Medford (Hoa Kỳ) tháng 8-1962, và sau đó được xuất bản tại Saigon. Trong đoản văn viết về Mẹ rất cảm động này, Thiền sư nhắc lại một tập tục của người Nhật Bản mà ông được trải nghiệm trong một lần đến thăm Tokyo. Hôm đó vào Ngày của Mẹ (Mother’s Day) của người Nhật (gọi là ngày haha no hi, tổ chức vào Chủ nhật thứ hai của tháng 5), Thiền sư được một cô sinh viên Nhật Bản gặp dọc đường gắn một bông hoa cẩm chướng màu trắng vào khuy áo tràng của ông. Thiền sư được giải thích: “Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng…” Với sức lan tỏa của đoản văn này, nhất là sau khi nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ vào khoảng năm 1965-1966 đã lấy cảm hứng từ tác phẩm của Thiền sư Nhất Hạnh sáng tác ca khúc cùng tên Bông Hồng Cài Áo được nhiều người yêu thích, nghi thức cài bông hồng ngày Vu Lan đã nhanh chóng lan rộng trong các chùa chiền và hội đoàn ở miền Nam.

Vào ngày Vu Lan 2016 này (17-8-2016), tôi đã đọc lại đoản văn Bông Hồng Cài Áo của Thiền sư Nhất Hạnh và cảm nhận rằng cho dù đã qua 54 năm, nó cứ y như thể Thiền sư vừa mới viết hôm nay cho chúng ta.

thich-nhat-hanh-3

Thiền sư Thích Nhất Hạnh,

bonghong-caiao-nhathanh

Bìa một tập đoản văn Bông Hồng Cài Áo.

Tôi xin phép Thiền sư Nhất Hạnh cho tôi được trích phần cuối của Bông Hồng Cài Áo:

“Anh cũng đừng tưởng tôi khuyên anh: “Không nên đuổi theo sự nghiệp mà chỉ nên ở nhà với mẹ!”. Tôi đã nói là tôi không khuyên răn gì hết – tôi không giảng luân lý đạo đức – rồi mà! Tôi chỉ nhắc anh: “Mẹ là chuối, là xôi, là đường, là mật, là ngọt ngào, là tình thương”. Ðể chị đừng quên, để em đừng quên. Quên là một lỗi lớn: Cũng không phải là lỗi nữa, mà là một sự thiệt thòi. Mà tôi không muốn anh chị thiệt thòi, khờ dại mà bị thiệt thòi. Tôi xin cài vào túi áo anh một bông hoa hồng: để anh sung sướng, thế thôi.

“Nếu có khuyên, thì tôi sẽ khuyên anh, như thế này. Chiều nay, khi đi học hoặc đi làm về, anh hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và bền. Anh sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi anh sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ, để trông thấy mẹ và để biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên anh. Cầm tay mẹ, anh sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Anh hỏi: “Mẹ ơi, mẹ có biết không?” Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ nhìn anh, vừa cười vừa hỏi: “Biết gì?” Vẫn nhìn vào mắt mẹ, giữ nụ cười trầm lặng và bền, anh sẽ hỏi tiếp: “Mẹ có biết là con thương mẹ không?” Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù anh lớn ba bốn mươi tuổi, chị lớn ba bốn mươi tuổi, thì anh cũng hỏi một câu ấy. Bởi vì anh, bởi vì chị, bởi vì em là con của mẹ. Mẹ và anh sẽ sung sướng, sẽ sống trong tình thương bất diệt. Và ngày mai mất mẹ, Anh sẽ không hối hận, đau lòng, tiếc rằng anh không có mẹ.

“Ðó là điệp khúc tôi muốn ca hát cho anh nghe hôm nay. Và anh hãy ca, chị hãy ca cho cuộc đời đừng chìm trong vô tâm, quên lãng. Ðóa hoa màu hồng tôi cài trên áo anh rồi đó. Anh hãy sung sướng đi.”

(Ngưng trích dẫn.)

vu lan o thai lan

Có lẽ nhiều bạn cũng như tôi xác tín câu nói của người xưa “có con mới hiểu lòng cha mẹ”. Vâng, chỉ khi nào bạn đã làm cha làm mẹ, bạn mới có thể thấu hiểu được tình yêu thương mà cha mẹ mình luôn dành cho mình. Tình cha mẹ yêu con không chỉ là lao tâm lao lực kiếm tiền nuôi dưỡng con, sẵn lòng nhường miếng ngon, dành thức ăn cho con, mà còn vĩ đại tới mức sẵn sàng đổi mạng sống của mình cho con được sống. Khi chưa làm cha làm mẹ, bạn có thể nghĩ chuyện “cha mẹ có thể hy sinh mạng sống vì con” là “tiểu thuyết” hay “chuyện cổ tích”. Lúc có con rồi, bạn mới thấy đó là “chuyện nhỏ”, mạng sống và hạnh phúc của con cái là điều khiến bạn chẳng tiếc thân mình.

Tôi từng nhiều lần nghe những lời bàn tán của những người chứng kiến cảnh những đám giỗ hoành tráng rằng: khi cha mẹ còn sinh thời, con cái chớ hề đoái hoài tới, lúc cha mẹ mất đi mới làm đình đám cho thiên hạ thấy mình “có hiếu tới chừng nào”. Cũng thường nghe câu chê trách: Khi cha mẹ còn sống thì không cho ăn uống, lúc chết mới cúng món ngon vật lạ lên bàn thờ. Tất nhiên ở đây không có sự vơ đũa cả nắm. Nhưng đáng tiếc là phải công nhận những “tài tử diễn sâu” đó không hề ít quanh ta.

Ừ, nếu như có được hạnh phúc còn cha mẹ sống trên đời với mình như các bạn, tôi sẽ buông bỏ bớt những đam mê công việc và vui thú bản thân để dành nhiều thời gian hơn cho cha mẹ mình. Cha mẹ càng cao tuổi, tôi càng sống với các ngài nhiều hơn. Bởi thời gian cha mẹ được Thượng đế cho sống trên đời này đang ngày một cạn dần đi. Bởi cha mẹ mất rồi là con trắng tay, không thể nào tìm lại hay thay thế được.

Bạn chớ có nghĩ rằng mình 40, 50 tuổi rồi, có con cháu rồi, không thể nhõng nhẽo với cha mẹ như thời trẻ nít. Làm ơn tin tôi đi, cho dù bạn bao nhiêu tuổi, làm tới chức tước gì, giàu nghèo ra sao, bạn vẫn luôn là một “con trẻ” trong đôi mắt cha mẹ mình.

Đời người là hữu hạn. Thời gian cha mẹ còn sống với mình đang ngày càng ít đi. Hôm nay, Vu Lan báo hiếu, bạn hãy tận hưởng hạnh phúc còn được cài bông hồng đỏ lên áo. Cho dù làm cha làm mẹ chẳng ai mưu cầu con báo hiếu mà lấy cuộc sống an lành, vui vẻ và hạnh phúc của con làm niềm vui cho cha mẹ, nhưng phận làm con, bạn hãy đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ theo cách của mình, như thể ngày mai là… bông hồng trắng!

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon Vu Lan 2016)

+ Ảnh: Internet. Thanks.

+ Bạn có thể đọc toàn bộ đoãn văn Bông Hồng Cài Áo của Thiền sư Nhất Hạnh tại đây.

+ Mời bạn thưởng thức ca khúc Bông Hồng Cài Áo của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ được lấy cảm hứng từ đoản văn cùng tên của Thiền sư Nhất Hạnh qua cách trình bày mởi mẻ của hai bạn trẻ Quân Bảo và Bích Thảo.