Chủ nhật ngày 24 tháng 11 năm 2024

Đây là lập luận của Trung Quốc khi đưa tàu thăm dò vào Bãi Tư Chính

HƯỚNG VỀ BIỂN ĐÔNG

Nhìn lên tấm bản đồ Biển Đông (Nguồn UNCLOS-CIA/Đồ họa: Bảo Vinh) đăng trên báo Thanh Niên Online ngày 21-7-2019, người ta có thể hiểu vì sao Trung Quốc ngang nhiên đưa tàu thăm dò địa chất Haiyang Dizhi 8 được hộ tống bởi những chiếc tàu hải cảnh vũ trang hùng hậu vào hoạt động thăm dò tại Bải cạn Tư Chính (Vanguard Bank) ngay trên thềm lục địa của Việt Nam. Bắc Kinh lập luận rằng Bãi Tư Chính nằm trong cái vùng lưỡi bò 9 đoạn (Nine-Dash Line) phi pháp do tự họ vẽ lên bao chiếm gần trọn Biển Đông tuyên bố chủ quyền của mình.

Trong khi đó, thực tế, Bãi Tư Chính nằm trên vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông – tức hoàn toàn thuộc lãnh hải của Việt Nam. Nó không liên quan gì tới Quần đảo Trường Sa đang bị nhiều nước chung quanh tranh chấp chủ quyền.

Trong bài viết “Vạch trần luận điệu ngụy biện của Trung Quốc” đăng trên báo Thanh Niên (21-7-2019), tác giả – Tiến sĩ Trần Công Trực, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, khẳng định ngay đầu tiên: “Lập luận của Trung Quốc để biện minh cho hành vi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa VN hoàn toàn là ngụy biện, trái luật pháp quốc tế.”

Ông nói rõ: “Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa VN ở khu vực phía nam Biển Đông là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN, được xác định theo đúng các quy định trong Công ước LHQ về luật Biển 1982 (UNCLOS) mà VN và Trung Quốc đều là thành viên.”

Tiến sĩ Trần Công Trực viết: “Trong EEZ và thềm lục địa được xác định phù hợp với quy định của UNCLOS, quốc gia ven biển có các quyền thuộc chủ quyền về việc thăm dò khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật, của vùng nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như về những hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế; quyền tài phán theo đúng những quy định thích hợp của Công ước về việc: lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình, nghiên cứu khoa học về biển, bảo vệ và gìn giữ môi trường biển; các quyền và các nghĩa vụ khác do Công ước quy định.”

“Các quốc gia khác, có biển và không có biển, có 3 quyền khi đi vào vùng 200 hải lý thuộc EEZ và thềm lục địa của quốc gia ven biển, bao gồm: quyền tự do hàng hải; hàng không; quyền tự do đặt dây cáp, ống dẫn dầu ở đáy biển của vùng thềm lục địa. Tuy nhiên, nếu các quốc gia thực hiện những quyền này mà ảnh hưởng đến các hoạt động thăm dò khai thác, kinh tế hoặc nghiên cứu khoa học của quốc gia ven biển thì phải được sự cho phép của quốc gia ven biển. Nếu không được phép là vi phạm EEZ và thềm lục địa của quốc gia ven biển…”

 

Rõ ràng, khu vực Bãi Tư Chính và các bãi cạn khác chung quanh nằm ở phía trong lằn ranh 200 hải lý (tính từ đường cơ sở xác định chiều rộng của một nước) được UNCLOS công nhận là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa pháp lý của một nước. Hơn nữa, ngay về địa chất, theo Tiến sĩ Trần Công Trực, các bãi cạn này ngăn cách với Quần đảo Trường Sa bằng một rãnh sâu nên theo UNCLOS, nó không thuộc Quần đảo Trường Sa và càng không phải vùng tranh chấp.

Tàu thăm dò địa chất Haiyang Dizhi 8.


Tàu hải cảnh CCG 35111 hộ trống tàu thăm dò Haiyang Dizhi 8 thăm dò ở Biển Đông tháng 7-2019.


Tàu hải cảnh CCG 3901 hộ trống tàu thăm dò Haiyang Dizhi 8 thăm dò ở Biển Đông tháng 7-2019.

Bạn có thể đọc bài trên báo Thanh Niên: Vạch trần luận điệu ngụy biện của Trung Quốc

P.H.P.