Thứ Tư ngày 18 tháng 12 năm 2024

Huawei: An ninh mạng đóng vai trò nền tảng của nền kinh tế số đang phát triển

Ngày 27-10-2021 trong ngày đầu tiên của Hội thảo và Triển lãm quốc tế về An toàn không gian mạng (Vietnam Security Summit 2021) do Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin & Truyền thông) phối hợp cùng Tập đoàn tư vấn và sự kiện quốc tế IEC tổ chức virtual trực tuyến trong 2 ngày 27 và 28-10-2021, ông Sam Cheng Qingjun, Giám đốc quan hệ công chúng và các vấn đề chính phủ của Huawei, kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban Kinh tế số Trung Quốc, thuộc Hiệp hội Thương mại quốc tế Trung Quốc, đã có bài phát biểu cho rằng an ninh mạng đóng vai trò nền tảng của nền kinh tế số đang phát triển, giúp phục hồi nền kinh tế sau đại dịch.

Hội thảo 2021 với chủ đề “Bảo đảm an toàn không gian mạng trong kỷ nguyên số: Thách thức và lời giải” tiếp tục là diễn đàn uy tín giúp các nhà hoạch định chính sách và chiến lược, các chuyên gia đầu ngành, các nhà cung cấp giải pháp hàng đầu trong nước và nước ngoài gặp gỡ, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao năng lực ứng phó với các rủi ro an toàn không gian mạng và bảo vệ các hệ thống thông tin trong quá trình chuyển đổi số quốc gia, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số.

Sự kiện thu hút hơn 800 đại biểu cấp cao đến từ khối chính phủ, tài chính – ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, bán lẻ và thương mại điện tử, vận tải – logistics, năng lượng, sản xuất…

Ông Sam Cheng Qingjun phát biểu tại Hội thảo ngày 27-10-2021.

Chia sẻ tại sự kiện, ông Sam Cheng Qingjun nói rằng: “Chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng kết nối. Ngày nay, ngày càng nhiều người trong chúng ta dựa vào Internet và cơ sở hạ tầng cơ bản của nó để tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống xã hội và công việc của mình.”

Tuy vậy, theo ông Sam, tác động của đại dịch COVID-19 đối với tất cả nền kinh tế trên toàn cầu, đã tạo ra một cơn địa chấn – với nhiều doanh nghiệp và dịch vụ bị gián đoạn do mọi người phải làm việc từ xa vì giãn cách xã hội. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt trong khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), đã phải chuyển sang làm việc ở môi trường trực tuyến nhiều hơn và ngay lập tức thiết lập các giải pháp làm việc từ xa cho nhân viên.

Việc chuyển sang thế giới trực tuyến không chỉ giới hạn ở các doanh nghiệp mà ngày càng có nhiều người tận dụng Internet để hỗ trợ cuộc sống hàng ngày của họ như phát triển và duy trì các mối quan hệ xã hội, trò chơi trực tuyến, phim ảnh, âm nhạc, xem phim trực tuyến, mua sắm trực tuyến, học trực tuyến, quản lý các vấn đề tài chính của họ và giao dịch với các cơ quan chính phủ.

Ông Sam Cheng Qingjun

Ông Sam chia sẻ: “Tháng 3-2020, Trung Quốc đã ban hành văn bản đẩy nhanh việc xây dựng hệ sinh thái tiêu dùng “thông minh +”, thúc đẩy việc xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin thế hệ mới, khuyến khích phát triển các mô hình tiêu dùng mới như trực tuyến và ngoại tuyến hội tụ, đồng thời khuyến khích sử dụng các sản phẩm xanh và thông minh. Bộ TT&TT Trung Quốc đã đẩy nhanh việc quảng bá và ứng dụng công nghệ 5G và thúc đẩy các kịch bản ứng dụng như 5G + VR để hỗ trợ phát triển nền kinh tế truyền hình trực tiếp (livestream), đặc biệt là hỗ trợ nông dân ở vùng nông thôn có thể bán hàng trực tuyến và livestream trên các nền tảng thương mại điện tử.”

Tác động của COVID-19 đối với toàn cầu cũng là một minh chứng cho thấy tầm quan trọng của việc có các mạng viễn thông mạnh mẽ, an toàn và ổn định để một nền kinh tế số có thể chống chọi với một sự kiện lớn như đại dịch.

Theo Báo cáo Rủi ro Toàn cầu 2020 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), đại dịch COVID-19 là một trong những rủi ro hàng đầu mà nền kinh tế toàn cầu đã phải đối mặt và nó sẽ tiếp tục là mối đe dọa lớn đối với nền kinh tế toàn cầu trong tương lai.

Ngành ICT đóng vai trò lớn trong việc giúp nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, góp phần thúc đầy nền kinh tế số. Tuy nhiên, những rủi ro về bảo mật là vấn đề đáng lo ngại hiện nay. Năm 2020 cả thế giới chứng kiến ​​các lỗ hổng bảo mật và các cuộc tấn công mạng đạt mức cao mới về số lượng và quy mô. Các sự cố về mã độc tống tiền (ransomware) và rò rỉ dữ liệu liên tục xuất hiện. Theo WHO, số lượng tấn công mạng trong năm 2020 đã tăng gấp 5 lần so với năm 2019 và theo khảo sát của Gartner, 61% các giám đốc công nghệ cho biết sẽ tăng cường đầu tư vào mạng và bảo mật thông tin.

Trên toàn cầu, các tổ chức uy tín, trong đó có ITU, 3GPP, GSMA đang tích cực thúc đẩy việc phát triển các tiêu chuẩn an ninh mạng. 2 tổ chức GSMA và 3GPP đã cùng đề xuất Chương trình Bảo đảm An ninh Thiết bị Mạng (NESAS), cung cấp một đường cơ sở thống nhất để đánh giá bảo mật cho thiết bị mạng.

NESAS là một chương trình đánh giá an ninh mạng được chuẩn hóa bởi tổ chức GSMA và 3GPP, cùng với các nhà khai thác viễn thông, các nhà cung cấp, các đối tác và các cơ quan quản lý trên toàn cầu. Chương trình cung cấp khung bảo đảm an ninh trên toàn ngành để tạo điều kiện cải thiện năng lực bảo mật trong toàn ngành viễn thông di động.

Ông Sam Cheng Qingjun nhấn mạnh: “An ninh mạng là ưu tiên hàng đầu của Huawei. Chúng tôi tuân theo ba nguyên lý cốt lõi “ABC” – Assume nothing, Believe no one, Check everything (Không giả định, Không tin ai, Kiểm tra mọi thứ) – để bảo đảm rằng tính bảo mật được xây dựng trong mọi khía cạnh của quy trình nội bộ của chúng tôi. Trên hết, chúng tôi đã thiết lập một hệ thống bảo đảm an ninh mạng đầu cuối có thể kiểm tra được, bền vững và đáng tin cậy.”

Ông Sam kết luận: “Bảo mật là một phần công việc của mọi nhân viên Huawei. Chúng tôi có thể công bố các quy trình và tiến trình của Huawei trong các lĩnh vực khác nhau để thể hiện tính công khai và minh bạch của mình. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ chính xác cách thức hoạt động của hệ thống an ninh mạng đầu cuối, cách chúng tôi xây dựng bảo mật cho các quy trình của mình và phương pháp tiếp cận ABC với tất cả mọi người, bao gồm cả khách hàng, ngành công nghiệp, chính phủ và giới truyền thông. Chúng tôi sẽ chia sẻ tài liệu, sách trắng và phương pháp luận của mình với bất kỳ khách hàng nào yêu cầu để họ có thể giải quyết các thách thức an ninh mạng khi cần thiết.”

MEDIAONLINE

Nguồn do Huawei cung cấp.