Thứ Hai ngày 06 tháng 1 năm 2025

Đưa vào vận hành thêm tuyến cáp quang biển quốc tế mới ADC có dung lượng lớn nhất ở Việt Nam

Tuyến cáp quang biển quốc tế mới ADC (Asia Direct Cable) có dung lượng lớn nhất ở Việt Nam đã bắt đầu vận hành từ ngày 19-12-2024.

Asia Direct Cable (ADC) dài 9.800km có trục chính Singapore – Hong Kong – Nhật Bản. Ngoài 2 điểm đầu là Tuas (Singapore) và điểm cuối là Maruyama (Nhật Bản), tuyến cáp có 7 trạm cập bờ lần lượt là BU2/Sri Racha (Thái Lan), BU3/Quy Nhơn (Việt Nam), BU4/Batangas (Philippines), BU5/CHK (Hong Kong), BU6/Shantou (Trung Quốc), BU7/Okinawa (Nhật Bản), và BU8/Kyushu (Nhật Bản). Tuyến cáp ADC được thiết kế kết nối trực tiếp tới các trung tâm dữ liệu lớn nhất Châu Á bao gồm: Singapore, Nhật Bản và Hong Kong.

Bản đồ tuyến cáp quang biển quốc tế ADC. (Nguồn ADC/VTS)

Tuyến cáp có cấu hình 8 cặp sợi (8FP), ứng dụng công nghệ ghép bước sóng mật độ cao với tổng dung lượng ban đầu trên 160Tbps. Viettel là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất tham gia đầu tư tuyến cáp ADC. Viettel sở hữu 1 cặp sợi (FP) trên trục chính, với dung lượng thiết kế tối thiểu là 20Tbps và sở hữu toàn bộ nhánh cáp biển và trạm cập bờ tại Việt Nam (ở Quy Nhơn, Bình Định). Khi đưa vào khai thác, ADC sẽ là tuyến cáp biển có dung lượng lớn nhất tại Việt Nam (gấp 2 lần tuyến cáp có dung lượng lớn nhất của Việt Nam hiện tại là AAE-1). 

Tuyến cáp quang biển ADC được đầu tư bởi liên minh gồm các doanh nghiệp: China Telecom Corporation, China Telecom Global, China Unicom (cả 3 của Trung Quốc), National Telecom (Thái Lan), Singtel (Singapore), PLDT (Philippines), Softbank (Nhật Bản), TATA Communications (Ấn Độ), và Viettel (Việt Nam), và do nhà thầu NEC thực hiện. Sau 6 năm triển khai, đặc biệt là trong giai đoạn đại dịch COVID-19, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, căng thẳng và xung đột chính trị trên thế giới, tuyến cáp ADC đã hoàn thành và ký nghiệm thu dự án vào ngày 8-11-2024 (trễ hơn 2 năm so với kế hoạch). Vốn đầu tư ban đầu khoảng 290 triệu USD.

Trước ADC, Việt Nam sử dụng 5 tuyến cáp quang biển quốc tế chính là SMW-3 (South-East Asia – Middle East – Western Europe 3), IA (Intra Asia), AAG (Asia-America Gateway), APG (Asia Pacific Gateway), và AAE-1 (Asia-Africa-Europe-1). Sau 8 năm (gần nhất là AAE-1) mới có tuyến cáp quang biển mới. Trong thời gian qua, các tuyến cáp quang biển ở Việt Nam thường xuyên bị sự cố đứt kết nối, thậm chí có những lần dài ngày, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình trạng kết nối Internet quốc tế của Việt Nam. Đặc biệt trong năm 2023, toàn bộ 5 tuyến cáp quang biển ở Việt Nam đều gặp sự cố một phần hay toàn phần. Và tuyến SMW-3 dài 39.000km vận hành từ năm 2000 đã hết hạn sử dụng từ ngày 2-12-2024. Như vậy, tuyến cáp ADC mới sẽ thay thế cho tuyến SMW-3 và Việt Nam vẫn có 5 tuyến cáp quang biển quốc tế.

Ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Viettel Solutions, cho biết: Tuyến cáp quang biển ADC sẽ giúp hỗ trợ san tải với các tuyến khác, từ đó góp phần nâng cao độ an toàn mạng lưới, an toàn thông tin quốc gia cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông của nhà mạng, đặc biệt trong bối cảnh các dịch vụ mới yêu cầu tốc độ và băng thông Internet lớn như 5G, AI, IoT, AR/VR.

Trong Chiến lược Hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt hồi tháng 10-2024, Việt Nam đặt mục tiêu đến 2025 đưa vào khai thác tối thiểu thêm hai tuyến cáp quang biển quốc tế mới. Sau ADC, tuyến cáp quang biển SJC-2 dự kiến hoạt động thời gian tới. Và đến 2030, Việt Nam sẽ đưa vào hoạt động thêm tối thiểu 6 tuyến cáp quang biển mới, nâng tổng dung lượng thiết kế cáp quang trên biển đạt tối thiểu 350Tbps. Ngoài ra, sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng thêm tối thiểu 1 tuyến cáp quang biển do Việt Nam làm chủ; triển khai và đưa vào sử dụng thêm tối thiểu 1 tuyến cáp quang đất liền quốc tế.

HOÀI XUÂN