Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Các hãng hàng không Mỹ bắt đầu tận thu cước hành lý xách tay

united-airlines-carry-on

 

Theo quy định của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), mỗi hành khách đi máy bay trong nội địa Mỹ được xách theo dạng carry-on (xách tay) miễn phí 1 túi hành lý và 1 đồ vật cá nhân (như xách tay, cặp táp, túi máy tính xách tay). Số hành lý còn lại đều phải ký gửi có thu cước.

Hành lý xách tay cũng phải tuân thủ những quy cách riêng, có thể gia giảm tùy hãng, nhưng chuẩn chung là nặng không quá 40 cân Anh (18kg) và có kích thước không quá 36 x 23 x 56 cm (14 x 9 x 22 in). Vượt quá chuẩn này, hành lý bị coi là hàng quá trọng (overload) và quá khổ (oversize), phải chịu mức cước nặng.

Có lẽ do không muốn khuyến khích hành khách mang theo quá nhiều hành lý khi đi bằng máy bay, các hãng áp dụng mức cước hành lý ký gửi theo dạng lũy tiến, càng gửi nhiều, càng nặng đô. Túi hành lý đầu tiên có giá cước 25 USD, túi thứ nhì 35 USD, túi thứ ba vọt lên 125 USD và từ túi thứ tư tới túi thứ chín 200 USD mỗi túi.

Mà luật lệ ở Mỹ nghiệt ngã lắm. Nếu muốn gửi hành lý theo giá cước chuẩn đó thì bạn phải đăng ký gửi ngay từ khi mua vé hay làm thủ tục check-in. Còn nếu để tới khi đưa hành lý lên cân mới phát hiện quá trọng, bạn bị phạt rất nặng (trừ khi bạn tự mở túi lấy bớt đồ ra).

Tôi đã từng một lần nếm mùi đau thương về cái vụ “người tính không bằng hàng không Mỹ tính”. Sau khi đi từ Bờ Tây sang Bờ Đông với 2 valy, tốn 60 USD tiền cước ký gửi, lượt trở lại, với ý định đỡ được 35 USD tiền cước cho valy thứ 2, tôi dồn đồ vào một valy lớn để ký gởi, còn valy nhỏ xách theo carry-on. Quẹt thẻ trả xong 25 USD cước ký gửi, tôi đưa valy lên quầy làm thủ tục để họ cân và nhận. Lố 4 cân Anh (chưa tới 2kg). Nếu là hãng hàng không ở châu Á, tôi có thể được du di cho qua, đằng này lại là hãng Mỹ United Airlines khét tiếng là cứng ngắt và lại ở ngay nước Mỹ. Do không thể mở valy ra để lấy bớt hành lý (vừa quá ngổn ngang, mở ra là tung tóe, vừa hết xách tay nổi, lại vừa tự giận mình, giận đời), tôi chấp nhận chịu phạt 100 USD cho 4 cân Anh dư đó. Vậy là thay vì chỉ phải tốn 60 USD cho 2 valy rồi mình tay rảnh rang mà bay, tôi đã phải chịu tốn tới 125 USD chó 1 valy ký gởi, trong khi còn phải khệ nệ mang vác hành lý xách tay.

Ngoài ra, theo quy định của an ninh Mỹ, hành lý ký gửi trong nội địa không được khóa (nếu có khóa thì phải xài loại khóa có chìa master mà chìa khóa chuẩn của nhân viên kiểm tra an ninh có thể mở được). Cãi lời là bạn có thể bị cắt ổ khóa nếu họ tình nghi cần phải kiểm tra hành lý của bạn.

Có một điều cực kỳ quan trọng mà hành khách đi máy bay nội địa Mỹ cần chú ý để bảo đảm an toàn cho hành lý của mình. Ở châu Á, các hãng hàng không chất hành lý ký gửi của khách vào những container kim loại rồi mới đưa lên máy bay. Còn ở Mỹ, hành lý ký gửi bị những anh chàng Mỹ vai u thịt bắp quăng rầm rầm từng cái một từ băng tải lên xe và sau đó từ xe lên khoang máy bay, chớ hề dùng container. Mà sức Mỹ quăng quật thì phải biết nó “vũ lực” như thế nào. Valy mà thuộc loại dỏm hay đóng khóa không chắc chắn là dễ bị bể hay bung ra. Trong những lần đi Mỹ, tới nay tôi đã 3 lần nếm mùi hành lý “bị chấn thương” như vậy, mà lần nặng nhất là valy bung ra và nguyên chiếc máy laptop Sony Vaio 13.3 inch của tôi bị bể tả tơi. Ngay lần mới đây nhất, hồi tháng 10-2013, tôi đã phải gửi vào xe rác ở bang Colorado một chiếc xe valy nhựa cứng hiệu Polo do bị nhân viên hãng hàng không US Airways quăng nát cả ổ khóa.

Mấy người bạn tôi sống ở Mỹ nói rằng tại mình là khách nên sợ chớ dân Mỹ họ chớ hề ngán, luôn tìm mọi cách để không phải trả tiền cước gửi hành lý khi đi máy bay nội địa. Tôi xác nhận chuyện này. Trong khi tôi chỉ dám xách tay hành lý theo đúng quy định về trọng lượng và kích thước, hầu hết hành khách Mỹ, đặc biệt là giới trẻ và dân da màu, họ tỉnh bơ xách lên khoang máy bay những chiếc valy hay balô to đùng, nặng lặc lè. Nhiều khi nhân viên sân bay nhìn thấy cũng chỉ ngó lơ, tránh bị vướng vào chuyện kiện cáo lôi thôi từ hành khách (mà một trong những cái khoái nhất của người Mỹ là khoái… kiện tụng). Ngoài ra, nhờ sau nhiều chuyến bay tới bay lui ở Mỹ, tôi đã học được một chiêu nắm thóp hãng hàng không Mỹ. Đó là sau khi các khoang chứa hành lý phía trên ghế (overhead bin) đã bị các hành khách lên trước chất đầy cứng, số hành khách lên sau được hãng hàng không cho ký gửi miễn phí các túi hành lý mà họ đang xách tay.

Phải nói rằng nhiều năm nay mấy hãng hàng không Mỹ phải cắn răng mà chịu đựng cái mánh né cước hành lý của những hành khách chính quốc như vậy. Họ không chỉ bị thất thu mà còn phải gánh thêm chi phí (chủ yếu do máy bay chở nặng hao tốn nhiều xăng hơn). Bây giờ, chịu người hết thấu, United Airlines (UA), một trong những hãng hàng không chính ở Mỹ, đã quyết định ra tay chiếu tướng những hành khách cố tình xách theo mình những hành lý quá khổ. Theo hãng tin Mỹ AP (5-3-2014, phen này hãng UA làm quyết liệt lắm, thậm chí khi phát hiện được ngay tại cổng lên máy bay, hãng sẽ buộc những hành khách này phải quay lại quầy vé để làm thủ tục trả cước cho số hành lý vi phạm này.

Trong mấy tuần lễ gần đây, hãng UA đã triển khai những chiếc khung đo cỡ hành lý mới tại hầu hết sân bay và gửi e-mail thông báo tới những hành khách bay thường xuyên của mình.

Thay vì giống như các hãng khác trước nay vẫn tin tưởng vào sự tự giác của hành khách, hiếm khi tiến hành kiểm tra đột xuất quy cách hành lý xách tay của hành khách, giờ đây ngoài việc bảo đảm quy cách hành lý xách tay ngay từ điểm kiểm tra an ninh, UA sẽ kiểm tra ngay tại cổng trước khi hành khách lên máy bay.

Một số hành khách phản ứng nói rằng đây là do UA muốn thu thêm nhiều tiền cước hơn. Nhưng UA giải thích động thái mới chỉ nhằm “bảo đảm cho mọi hành khách đều có được chỗ cất hành lý xách tay trong các ngăn hành lý trên máy bay”. Người phát ngôn Rahsaan Johnson nói rằng: “Biện pháp mới này là để giải quyết việc những hành khách than phiền rằng mình tuân thủ quy định về kích cỡ hành lý xách tay nhưng vẫn không có chỗ để cất chúng trên máy bay.”

Tất nhiên ai cũng hiểu đằng sau chuyện “bảo đảm công bằng và luật lệ” này là chuyện tận thu của UA trong tình hình kinh tế khó khăn, phải tính toán chi ly mọi chi phí để có thể tiếp tục tung cánh bay dài lâu.

Trước nay, hãng UA thu được 638 triệu USD mỗi năm từ khoản cước hành lý ký gửi. Hồi tháng 1-2014, Jim Compton, giám đốc về doanh thu của UA, cho biết hãng hy vọng sẽ thu thêm được 700 triệu USD trong 4 năm tới từ các khoản bổ sung như cước hành lý, cước ghế ngồi có chỗ duỗi chân,… Khoản thu bổ sung này sẽ giúp ngành hàng không trở lại mức có lợi nhuận, ngay cả khi giá nhiên liệu có tăng lên.

Các hãng hàng không Mỹ khác cũng đều có khung đo hành lý xách tay tại nơi làm thủ tục check-in và kiểm tra, nhưng hiếm khi “làm khó” hành khách. Người ta tin rằng họ đang ngó xem UA làm thành công tới đâu để mà còn noi gương.

Hiện nay, hãng American Airlines đã yêu cầu nhân viên tại một số sân bay lớn “tăng cường kiểm tra bằng mắt thường” đối với hành lý xách tay của hành khách. Thậm chí hãng đã dùng cả thước dây để bảo đảm “chính sách được thực thi”.

Hãng Delta Airlines bố trí nhân viên túc trục gần nơi kiểm tra an ninh để phát giác những hành lý xách tay quá khổ “trong những giờ cao điểm tại những sân bay lớn và sân bay trung tâm”. Hãng này cũng đã áp dụng công nghệ được cải tiến để kiểm tra hành lý nhanh hơn ngay tại cổng lên máy bay.

Việc tăng cường các biện pháp siết chặt quy định về hành lý xách tay của các hãng hàng không chắc chắn cũng sẽ làm thay đổi tập quán đi mây về gió của những hành khách thường phải đi lại bằng máy bay. Phần đông sẽ chỉ mang theo những vật dụng thật sự cần thiết và nhờ thế trải nghiệm đi máy bay của họ sẽ thong dong, nhẹ nhàng hơn. Michel Jacobson, một hành khách thường xuyên của hãng UA làm việc cho một tập đoàn thương mại ở Washington, nói rằng từ nay, anh sẽ phải ra sân bay sớm hơn một chút để lo ký gửi hành lý. 

Được giải thích là cũng nhằm giúp hành khách bay một cách thoải mái hơn, kể từ năm 2010, hãng hàng không Spirit Airlines đã áp dụng chính sách thu cước cho ngăn hành lý trong máy bay. Cước hành lý xách tay đắt hơn cước hành lý ký gửi tới 5 USD. Hãng này cho biết, từ đó trở đi, các chuyến bay cất cánh đúng giờ hơn. Nhưng hiện chỉ mới có hai hãng Spirit và Allegiant Air áp dụng biện pháp quá “nặng đô” này.

Trong thời gian qua, hãng UA cũng đã áp dụng những sự cải tiến đáng chú ý để tăng cường chất lượng phục vụ hành khách. Năm 2013, hãng đã bố trí lại những khu vực cổng lên máy bay để tách rời hành khách thuộc Nhóm 1 khỏi Nhóm 2 trở lên. Hầu hết các hãng hàng không Mỹ xếp nhóm hành khách lên máy bay theo nguyên tắc “từ sau tới trước” (Rear-to-Front), nghĩa là khách có ghế ngồi ở phần cuối máy bay (Nhóm 2) sẽ lên trước (ngay sau Nhóm 1 lên đầu tiên là hành khách khoang thương gia – First Class), kế đó là Nhóm 3 rồi lần lượt các nhóm kế tiếp. Tùy hãng mà gọi là nhóm (group) hay khu (zone), và hành khách thuộc nhóm nào có in rõ trên thẻ lên máy bay (boarding-pass).

Để giúp các hành khách bay thường xuyên của mình tuân thủ chính sách hành lý xách tay, ngày 21-2-2014, hãng UA đã thực hiện chương trình giúp họ mua các loại valy đúng chuẩn carry-on từ các thương hiệu nổi tiếng như Tumi, Samsonite và Hartmann với giá khuyến mãi hay đổi bằng dặm thưởng (frequent-flier miles).

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 6-3-2014)

united-airlines-carry-on

Tại một cổng lên máy bay của hãng hàng không Mỹ United Airlines ở sân bay quốc tế O’Hare, Chicago. (Ảnh: AP, M. Spencer Green)