Thứ Năm ngày 25 tháng 4 năm 2024

Hội đồng Bảo an LHQ cấm vận toàn cầu tổ chức khủng bố Nam Á


Ủy ban của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc giám sát việc cấm vận đối với phong trào Hồi giáo cực đoan Taliban ngày 5-11-2012 đã ban hành lệnh cấm vận toàn cầu đối với tổ chức khủng bố Hồi giáo Haqqani ở Afghanistan và kẻ chủ mưu các vụ tấn công liều chết của nó.

Tổ chức khủng bố có liên hệ với hệ thống khủng bố quốc tế al-Qaeda và các nhóm khủng bố khác ở Pakistan như Tehrik Taliban Pakistan, Lashkar-i-Jhangvi và Jaish-i-Mohammed. Nó có sào huyệt đặt tại khu vực bộ tộc vùng biên giới North Waziristan của Pakistan và là mối đe dọa chính đối với liên quân NATO do Mỹ chỉ huy ở Afghanistan. Haqqani đã thực hiện hàng loạt vụ đánh bom liều chết, ám sát cũng như bắt cóc ở thủ đô Kabul và nhiều tỉnh thành ở Afghanistan. Đại sứ Mỹ tại LHQ Susan Rice cho biết: Haqqani đã tấn công 2 căn cứ NATO năm 2010, Khách sạn Intercontinental ở Kabul hồi tháng 6-2012 giết chết 11 dân thường và 2 cảnh sát, tòa đại sứ Mỹ ở Kabul giết chết 16 người Afghanistan. Nó cũng tấn công tòa đại sứ Ấn Độ.

Thủ lĩnh Jalaluddin Haqqani.

Haqqani là một đòn gậy ông đập lưng ông khác đối với Mỹ. Tổ chức khủng bố này được thành lập bởi Jalaluddin Haqqani, 62 tuổi, một điệp viên CIA trở thành đồng minh của al-Qaeda và có những mối liên hệ mật thiết với tổ chức tình báo Pakistan. Thậm chí, Đô đốc Mike Mullen, cựu Tổng tham mưu liên quân Mỹ, hồi năm ngoái từng nói rằng tổ chức Haqqani đã trở thành một “cánh tay thật sự” của cơ quan tình báo ISI Pakistan.

Báo The Kashmir Monitor (29-9-2011) tường trình: Bộ trưởng Nội vụ Pakistan Rehman Mallik xác nhận: “Jalaluddin Haqqani, thủ lĩnh của hệ thống Haqqani, là một viên chỉ huy được kính trọng và là một đồng minh then chốt của Mỹ và Pakistan trong cuộc chiến chống Liên Xô sau khi Liên bang Xô viết đưa quân sang Afghanistan năm 1979. Thậm chí Haqqani từng được Tổng thống Mỹ Ronald Reagan mời sang Nhà Trắng.” Năm 1992, ba năm sau khi Liên Xô rút quân khỏi Afghanistan, Haqqani và các thủ lĩnh Taliban nắm quyền cai quản Afghanistan với sự phê chuẩn của Mỹ. Trong các thập niên 1980 và 1990, Haqqani bảo bọc cho các tay súng Arập Saudi, trong đó có Osama bin Laden – trùm hệ thống khủng bố quốc tế al-Qaeda. Sau khi Taliban lên cầm quyền ở Afghanistan hồi giữa thập niên 1990, Haqqani là một bộ trưởng. Rồi sau khi chế độ Taliban bị Mỹ đưa quân vào đánh đổ năm 2001, Haqqani lại được mời tham gia Nội các, lần này do Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai mời. Nhưng ông ta đã từ chối để tập trung chống lại sự có mặt của liên quân NATO ở Afghanistan. Tuy nhiên, Bộ trưởng Mallik bác bỏ tin nói rằng cơ quan tình báo Pakistan ISI hậu thuẫn cho hệ thống Haqqani và huấn luyện các thành viên của nó. Ông này khẳng định: “Chính CIA Mỹ đã hình thành nên hệ thống Haqqani.” Hệ thống khủng bố này cũng phủ nhận việc có liên hệ với ISI. 

Lâu nay, Haqqani được coi là lực lượng nguy hiểm nhất trong Taliban ở Afghanistan. Hồi tháng 8-2012, cơ quan tình báo Afghanistan loan báo Badruddin Haqqani, con trai của thủ lĩnh Haqqani và là chỉ huy các hoạt động của tổ chức này, đã bị máy bay không người lái của Mỹ tiêu diệt. Hiện nay, Haqqani được lãnh đạo bởi Sirajuddin Haqqani, một con trai khác của người sáng lập.

Badruddin Haqqani vừa bị Mỹ tiêu diệt.

Sirajuddin Haqqani đang bị truy nã.

HĐBA LHQ ra lệnh cho tất cả 193 nước thành viên LHQ phong tỏa tài sản của tổ chức Haqqani và cấm vận vũ khí đối với nó. Lệnh phong tỏa tài sản, cấm vận vũ khí và cấm đi lại ở nước ngoài cũng được thi hành đối với  Abdul Rauf Zakir (còn có tên là Qari Zakir), một người sinh ở Afghanistan. Hắn là kẻ đứng ngay bên dưới thủ lĩnh Sirajuddin và chỉ huy mọi hoạt động đánh bom liều chết của tổ chức khủng bố này. Ngay trước khi HĐBA ban hành lệnh cấm vận, Zakir đã bị Mỹ áp dụng lệnh cấm vận tài chính và coi hắn là một tội phạm khủng bố toàn cầu. Hồi tháng 9-2012, Mỹ đã đưa tổ chức Haqqani vào danh sách đen các tổ chức khủng bố quốc tế.

Một nhóm tay súng Haqqani trên vùng núi ở biên giới Pakistan – Afghanistan.

Quyết định cấm vận này theo quy trình phải được toàn bộ 15 thành viên HĐBA, trong đó có Pakistan đang là 1 trong 10 thành viên không thường trực, thông qua. Vì thế, nó được đánh giá là một hành động tích cực mới từ Islamabad nhằm làm nhẹ sự căng thẳng lâu nay với Washington. Mỹ đã hoan nghênh quyết định cấm vận Haqqani, nói rằng nó phản ánh sự cam kết của HĐBA là sẽ dùng biện pháp cấm vận chống lại những ai đe dọa nền hòa bình ở Afghanistan.

Lính Mỹ trong liên quân NATO ở Afghanistan đang tuần tra ở vùng biên giới giáp Pakistan, nơi hệ thống khủng bố Haqqani hoạt động.

Để hỗ trợ những nỗ lực hòa giải dân tộc của chính quyền mới ở Aghanistan, hồi tháng 6-2012, HĐBA LHQ đã quyết định tách bạch Taliban ra khỏi các biện pháp xử lý đối với al-Qaeda, dọn đường cho Taliban có thể trở thành một tổ chức chính trị. Hồi tháng 11-1999, HĐBA đã cấm vận Taliban do nó từ chối giao trùm khủng bố Osama bin Laden cho Mỹ hay một nước thứ ba để xét xử về tội khủng bố có liên quan tới vụ đánh bom hai tòa đại sứ Mỹ ở Kenya và Tanzania năm 1998.  

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 06-11-2012)

Haqqani Network War in Afghanistan (Tư liệu 10-2011)