Thứ Tư ngày 18 tháng 9 năm 2024

Nhạc sĩ Phạm Duy những ngày bạo bệnh

 

Nhạc sĩ Phạm Duy mừng sinh nhật thứ 93 của mình vào ngày 5-10-2012 (trong giấy tờ ghi ông sinh năm 1921, 91 tuổi). Như ông thú nhận, ông đã trải qua nhiều bạo bệnh và sức khỏe giờ đang ngày càng yếu đi.

Biết làm sao được khi con người nào cũng bị trói chặt vào 4 cái vòng kim cô trần gian: sinh – bệnh – lão – tử, và điều nghiệt ngã là phải may mắn và thọ lắm mới có thể trải qua được đủ 4 định mệnh đó. Nhạc sĩ Phạm Duy tới giờ đã nếm đủ 3 vòng, chỉ còn chiếc vòng cuối cùng cũng là xong một kiếp người. Ông nói rằng từ lâu nay mình luôn sẵn sàng cho một chuyến ra đi về miên viễn. Với tuổi đời và tình trạng sức khỏe như vậy, chẳng ai nói trước được điều gì sẽ xảy ra trong một canh giờ sắp tới.

Nhạc sĩ Phạm Duy thời tham gia kháng chiến tại chiến khu. (Ảnh tư liệu, nguồn Internet).

Phạm Duy là một nhạc sĩ tài hoa (nhưng không bạc mệnh). Tài âm nhạc của ông thuộc loại thiên tài. Ông quả là một phù thủy âm nhạc, hễ chạm tới cái gì là cái đó lập tức bật lên thành nhạc – mà toàn là nhạc hay. Phạm Duy là một danh nhân đất Việt. Ông cũng là một nghệ sĩ đa tình thiên hạ vô đối, mà như ông tự trào: không yêu thì không thể viết nhạc được. Có người ví von: “Nếu nhìn thấy phụ nữ đẹp mà không yêu thì chẳng phải là Phạm Duy.” Phạm Duy thì nói rằng mình đa tình nhưng chung tình.

Nhưng thôi, đó là chuyện đời tư – cho dù là của một người của công chúng. Chẳng trách mà người ta đúc kết: “kẻ lắm tài thường nhiều tật” hay “có tài có tật”. Nhiều người yêu mà thể tất, nhưng không ít kẻ ghét Phạm Duy vì những cái tật đó. Chỉ có điều – mà mới là quan trọng hơn cả – dù yêu hay ghét, chẳng ai phủ nhận được sự tài hoa của nhạc sĩ Phạm Duy. Rất nhiều (nhưng không phải tất cả) trong số hơn 1.000 sáng tác của ông được hát từ thế hệ này sang thế hệ khác. Có những bài hát đưa người ta trở về miền quá khứ (cho dù mình có trải qua hay không), và có những bài hát không có tuổi.

Nhạc sĩ Phạm Duy và Thứ trưởng Vương Duy Biên tại Saigon 2-11-2012. (Nguồn ảnh: Internet)

Ngày 2-11-2012, Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên đã đến nhà riêng của nhạc sĩ Phạm Duy ở quận 11 (TP.HCM) để thăm và trao thư trả lời của bộ về việc đang tiến hành thẩm định để cấp phép cho các tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy. Nhạc sĩ nói rằng: “Tôi vừa mới ra viện ngày hôm qua sau khi được cấp cứu. Tôi biết thời gian của mình không còn nhiều nên không có mong muốn nào lớn hơn việc Nhà nước xem xét cấp phép cho những tác phẩm của mình. Trong hơn 1.000 bài hát của tôi có nhiều ca khúc ngợi ca tình yêu quê hương đất nước, ngợi ca tình yêu thương con người và những khúc thiền ca giúp tâm hồn người nghe thanh thản, vui sống. Tôi mong có nhiều ca khúc của mình đến với khán giả trong nước chứ không chỉ là những bài hát đã quá quen thuộc”.

Hạ tuần tháng 11-2012, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã cấp phép phổ biến thêm 21 tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy. Trong đó có: Mẹ ta, Mẹ xinh đẹp, Mẹ chờ mong, Lúa mẹ, Nước mắt rơi, Những gì sẽ đem theo về cõi chết, Phố buồn, Tiếng hát trên sông Lô, Viễn du, Xuân nồng, Biển khúc, Em hát, Khúc ru tình, Nỗi nhớ vô thường, Tình qua tin nhắn. Có hai ca khúc sáng tác vào năm 1947 là Bên cầu biên giới và Mùa đông chiến sĩ. Ngoài ra, còn có bốn ca khúc do Phạm Duy phổ nhạc từ thơ Nguyễn Tất Nhiên: Anh vái trời, Cô Bắc kỳ nho nhỏ, Em hiền như masoeur, Thà là giọt mưa rớt trên tượng đá. Như vậy cho tới nay, hơn 100 bài hát của Phạm Duy đã được cấp phép lưu hành ở Việt Nam. Nhạc sĩ kể, có người bạn nói vui, nếu cứ theo tiến độ này “tính ra đến năm 2102, số ca khúc đang có của ông mới được phổ biến hết”.

Chiều Chủ nhật 2-12-2012, trong lúc tìm tòi trên Internet tư liệu để viết bài giới thiệu 2 bài hát cùng mang tên Tình ca của Phạm Duy và Hoàng Việt, tôi tình cờ tìm được một số hình ảnh về một lần bạo bệnh của nhạc sĩ Phạm Duy. Những tấm ảnh này có thể làm giảm đi hình ảnh đẹp trong óc nhiều người về một nhạc sĩ tài hoa. Nhưng thực tế ông là một ông già có quá nhiều bệnh tật. Tôi thì muốn qua những hình ảnh này, những người yêu nhạc Phạm Duy sẽ hiểu thêm người nghệ sĩ của mình đã và đang phải chống chỏi thế nào với bệnh tật để tiếp tục trụ lại giữa cuộc đời.

Một trang Internet hồi tháng 6-2012 tường thuật lại một cuộc trò chuyện của nhạc sĩ Phạm Duy với nhà báo ở Saigon, trong đó ông kể về lần bạo bệnh của mình: “Tôi phải mổ tim, phải thay hết huyết quản. 5 con đường để máu đi ra và đi vào tim tôi bị nghẹt hết, bác sĩ phải lấy gân ở dưới chân để nối lên trên tôi mới sống được. (Nói đến đây, nhạc sĩ Phạm Duy vén áo cho xem các vết mổ chằng chịt ở ngực và một vết mổ dài ở chân). Người ta như thế 5 năm là chết, còn tôi được hơn 7 năm nay, vì tôi uống thuốc kỹ lắm. Buổi sáng hôm đó tôi thấy đau ngực, buổi chiều họ đã “đè” tôi ra để mổ. Tỉnh dậy, tôi phải tập đi một tháng. Còn tâm hồn thì tôi thấy rất sảng khoái, thấy mình khỏe, ăn được ngủ được. Còn trước kia tôi ăn không ngon ngủ không yên, thỉnh thoảng thổ huyết, mà mỗi lần như thế ra cả bát máu. Giờ thì hết rồi.”

Mặc dù cùng họ Phạm (Phạm Duy tên thật là Phạm Duy Cẩn, thuộc dòng Phạm Duy), ông và tôi chẳng có dây mơ rễ má gì hết. Thời ông đứng trên sân khấu ở Saigon trước 1975, tôi còn là một cậu học trò nhỏ mê nhạc tập tành làm thơ, viết nhạc ở một tỉnh lẻ biên cương vùng Đồng Tháp Mười. Cá nhân tôi cũng chẳng thích, chẳng hợp với lối sống – thậm chí với con người của ông, nhưng tôi yêu nhạc Phạm Duy và kính trọng nhạc sĩ Phạm Duy như một người tài. Là một người “phóng dật” (chữ ông dùng để chỉ lối sống thoải mái, theo tự nhiên), ông có tài đặt lời nhạc thật hay nhưng cũng thường bị vạ miệng với những cách nói, lời nói thậm xưng, vống lên, khinh mạn, bất cần đời. Trong dòng đẩy đưa của lịch sử, khi đứng bên bờ này thì ông bị bờ khác lên án. Tới cuối cuộc đời, việc chọn trở về cùng cội nguồn dân tộc của mình cũng đã khiến Phạm Duy và gia đình bị “ném đá” không nương tay. Bao nhiêu tội tình, tật xấu về cá nhân riêng tư của ông bị phơi bày tràn ngập Internet. Ngay cả chuyện con trai ông là ca sĩ Duy Quang bị bạo bệnh đang cận kề cái chết cũng bị cho là cái giá phải trả, là cái nghiệp chướng cho đời sống riêng tư. Thì ra ông bà mình tự kiểm một cái cố tật được di truyền của dân mình chớ có sai: “Thương nhau, thương cả đường đi. Ghét nhau, ghét cả tông ti họ hàng.” Cũng may cho Phạm Duy và tất cả chúng ta, trong cuộc đời nhiều nhiễu nhương và giữa khi nhiều giá trị cuộc sống bị đảo lộn tùng phèo, người tốt bao giờ cũng là đa số.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 9-12-2012)

NHỮNG HÌNH ẢNH CHỤP LÚC NHẠC SĨ PHẠM DUY LÂM BẠO BỆNH

(Nguồn ảnh: Internet)

VIDEO: Phỏng vấn nhạc sĩ Phạm Duy.

VIDEO: Thăm nhà của nhạc sĩ Phạm Duy.