Thứ Hai ngày 09 tháng 12 năm 2024

Palestine, tiến gần hơn tới vị thế một nhà nước độc lập

Tổng thống Mahmoud Abbas của Palestine ngày 2-12-2012 đã từ trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York (Mỹ) trở về thành phố Ramallah ở Bờ Tây trong sự đón mừng của khoảng 5.000 người dân. Trước đó, ngày 29-11, Đại hội đồng LHQ với 138 phiếu thuận 9 phiếu chống và 41 nước không bỏ phiếu đã quyết định nâng cấp vị thế của Palestine lên thành một nhà nước quan sát viên chưa là thành viên (nonmember observer state). Tổng thống Abbas tuyên bố trước nhân dân nước mình: “Chúng ta giờ đây có một nhà nước. Thế giới đã nói rõ ràng: Đồng ý với nhà nước Palestine”.

Với vị thế mới này, Palestine từ nay có thể tham gia các cuộc thảo luận của LHQ cũng như ứng cử vào các cơ quan của LHQ, như Tòa án Tội phạm Quốc tế (ICC).

Một điều quan trọng là nó xác nhận sự ủng hộ của LHQ đối với sáng kiến về vị thế nhà nước của Palestine, và như Tổng thống Abbas nói, “đây là cơ hội cuối cùng để cứu giải pháp 2 nhà nước”. Nó cũng xác nhận vị trí của một nhà nước Palestine độc lập bao gồm Bờ Tây, Dải Gaza và phần phía Đông thành phố Jerusalem, các lãnh thổ đã bị nước láng giềng Israel chiếm đóng trong cuộc chiến tranh Trung Đông 1967. Hiện có 4,3 triệu người Palestine sống trong các vùng lãnh thổ này.

Hồi năm ngoái, Tổng thống Abbas đã yêu cầu Hội đồng Bảo an LHQ thừa nhận Palestine là một nhà nước thành viên LHQ, nhưng điều này đã bị Mỹ – một thành viên thường trực HĐBA có quyền phủ quyết – phản đối mạnh mẽ.

Ngay cả cho tới bây giờ, Mỹ và Israel đã phản đối quyết định mới của LHQ.

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon kêu gọi các bên tiếp tục thương thảo, nói rằng nghị quyết của Đại hội đồng LHQ nhấn mạnh tới sự cần thiết phải khôi phục lại các cuộc đàm phán hòa bình có ý nghĩa.

Cách đây 65 năm, ĐHĐ LHQ đã thông qua Nghị quyết 181 phân chia vùng đất Palestine lịch sử thành 2 nhà nước Israel và Palestine. Trong khi nhà nước Israel đã ra đời, người Palestine cho tới nay vẫn phải tìm kiếm sự công nhận quyền là một nhà nước của mình.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu của Israel tuyên bố không chấp nhận trở lại các đường biên giới của năm 1967, vẫn tiếp tục kiểm soát những phần của Bờ Tây và coi phía đông Jerusalem như một phần trọn vẹn của thủ đô Israel (trong khi Đông Jerusalem được Palestine coi như thủ đô tương lai của mình).

Ngay sau ngày ĐHĐ LHQ nâng cấp quy chế của Palestine, Israel đã phản ứng bằng việc công bố sẽ bắt đầu lên kế hoạch xây dựng hàng ngàn ngôi nhà định cư của người Do Thái trên một hành lang cốt yếu của Đông Jerusalem. Khu vực gọi là E1 này sẽ cắt đứt sự liền lạc giữa Bờ Tây và Đông Jerusalem, cũng như chia cắt phần phía bắc của Bờ Tây với phần phía nam của nó. Những người Palestine lên án kế hoạch này sẽ giết chết bất cứ hy vọng nào của họ về việc hình thành một nhà nước toàn vẹn. Ngay cả Mỹ, Anh, Pháp và các nước châu Âu khác cũng phản đối kế hoạch của Israel. Hiện nay đã có nửa triệu người định cư Do Thái sống ở Bờ Tây và Đông Jerusalem rồi.

Washington vốn có truyền thống bảo vệ đồng minh chiến lược Israel tại các diễn đàn quốc tế, ngay cả trước HĐBA LHQ, nhưng giờ đây cũng phải lo lắng trước việc Thủ tướng Netanyahu khăng khăng đẩy mạnh các dự án khu định cư cho người Do Thái. Chỉ có điều Tổng thống Mỹ Barack Obama chắc chắn sẽ miễn cưỡng khi phải trừng phạt Israel. Trong chuyện này, ông sẽ nhận được sự ủng hộ từ Quốc hội. Chính sách Trung Đông của ông Obama và mối quan hệ lạnh nhạt với Thủ tướng Netanyahu từng là một vấn đề của ông trong cuộc tái tranh cử Tổng thống vừa rồi. Theo các nhà phân tích, Mỹ có thể sẽ tránh phải lựa chọn một cách không thoải mái bằng cách gây sức ép để Israel nhượng bộ, không để mọi chuyện bị đưa ra HĐBA LHQ. Một quan chức Palestine nói rằng: “Tại HĐBA, Mỹ sẽ không thể ngăn cản chúng tôi và dùng quyền phủ quyết để chống lại những người đang cố gắng cứu vãn tiến trình hòa bình Trung Đông.” Bất luận thế nào, giờ đây vị thế Palestine đã khác sau khi được LHQ công nhận quy chế nhà nước quan sát viên.

Có lẽ phía Israel cũng hiểu điều đó. Yigal Palmor, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Israel nói rằng: Tốt nhất là người Palestine nên khôi phục thương thảo với Israel thay vì đưa ra LHQ. “Nếu có gì để nói, hãy để họ nói trực tiếp với chúng tôi tại đây chứ không phải tại New York.”

Ngày 2-12, Israel cũng đã tung ra một đòn khác là sẽ giữ lại khoản quỹ hơn 100 triệu USD mà nước này phải chuyển cho Palestine mỗi tháng. Đây là các khoản thuế và phí hải quan mà Israel thu hộ Palestine. Lý do mà Israel đưa ra là dùng khoản tiền này để thanh toán các khoản nợ của Palestine đối với các công ty Israel, bao gồm 200 triệu USD tiền nợ công ty quốc doanh Điện lực Israel. Nhưng đây lại là khoản ngân sách thiết yếu mà chính quyền Palstien cần để trả lương cho hàng vạn viên chức và lực lượng an ninh của mình. 

Đây quả là một cái giá đầu tiên mà Palestine phải trả cho việc được LHQ nâng cấp vị thế thành nhà nước quan sát viên. Nó cũng là một đòn trí mạng khi từ ngày thành lập vào năm 1994 tới nay, chính quyền Palestine luôn trong tính trạng cháy túi, gặp khó khăn trong việc thanh toán lương cho bộ máy và các chi phí hoạt động, dẫn tới nợ nần những công ty cung cấp của Israel. Lý do được cho là nguồn thu tài chính quá hẻo trong khi bộ máy chính quyền hoạt động bất cập, kém hiệu quả và bị những kẻ tham ô bòn rút.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas (trái) tham dự Hội nghị Ủy ban Sáng kiến Hòa bình Arập tại Doha (Qatar) ngày 9-12-2012)

Ngày 9-12-2012, tại Hội nghị Ủy ban Sáng kiến Hòa bình Arập ở Doha (thủ đô Qatar), Tổng thống Palestine đã phải nói thẳng nói thật với các phái đoàn của Liên đoàn Arập rằng: “Chúng tôi hiện đang ở trong tình trạng sụp đổ. Chúng tôi không thể trả lương.” và cầu cứu họ phải có giải pháp trợ giúp tài chính cho Palestine. “Chúng tôi phải biết ý kiến của quý vị sớm.” Ông Abbas thúc giục đầy nôn nóng khi mà đối thủ chính trị của ông là phong trào Hamas ở Dải Gaza từ tháng 10-2012 đã được tiểu vương Qatar hứa cung cấp tài chính.

Thủ tướng Salam Fayyad của Palestine cũng đã kêu gọi các nước Arập giàu có cung cấp 240 triệu USD một tháng để giữ cho chính quyền Palestine có thể tồn tại và hoạt động. Đây quả là một thách thức mới đầy khó chịu đối với các nước chống lưng cho Palestine. Bởi lẽ bao giờ cũng vậy, góp lời thì dễ, chung tiền quá khó.

Mặc dù chưa nhận được lời hứa hẹn công khai nào về trợ giúp tài chính tại cuộc họp Doha này, các quan chức Palestine nói rằng họ cảm thấy được động viên khi Liên đoàn Arập có kế hoạch thành lập một ủy ban đặc biệt để giúp hướng dẫn những đàm phán tương lai của Palestine với Israel. Đây có thể là một giải pháp khả thi hơn trong bối cảnh Bộ Tứ các nhà trung gian Trung Đông (gồm LHQ, Liên minh châu Âu EU, Mỹ và Nga) đã thất bại trong việc thúc đẩy các cuộc đàm phán Palestine – Israel tiến lên phía trước. Saeb Erekat, một quan chức Palestine, nói rằng: “Đây là một ngày mới. Nó đòi hỏi phải có một kế hoạch Arập mới.” Ý ông muốn nói là với vị thế chính trị mới của Palestine, người ta không thể áp dụng những giải pháp trước đây.

Palestine và nhiều nước khác hy vọng sẽ có sự thay đổi từ phía Israel sau cuộc tổng tuyển cử ngày 22-1-2013. Mặc dù theo kết quả nhiều cuộc thăm dò, Thủ tướng Netanyahu sẽ tái đắc cử và đứng đầu liên minh cứng rắn, các quan chức Palestine hy vọng Tổng thống Mỹ Barack Obama ở nhiệm kỳ 2 sẽ tăng tốc giải quyết cuộc khủng hoảng Trung Đông – một trong các gánh nặng trong di sản tổng thống của ông. Dù sao, với vị thế mới được LHQ công nhận, Palestine có tư cách chính trị mạnh mẽ hơn trên trường quốc tế. Danh có chính thì ngôn mới dễ thuận hơn.


PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 9-12-2012)

Người dân Palestine vui mừng trước quyết định của Đại hội đồng LHQ.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ngày 2-12-2012 tuyên bố với người dân ở Bờ Tây: “Chúng ta giờ đây có một nhà nước Palestine.”

Lực lượng an ninh Palestine luyện tạp tại thành phố Jenin ở Bờ Tây.

Một người định cư Do Thái ngày 5-12-2012 đứng nhìn một khu định cư mà Israel xây dựng ở Bờ Tây.

VIDEO: U.N. General Assembly Votes to Recognize the State of Palestine

VIDEO: UN votes to give Palestine non-member status

VIDEO: US Denounces UN Vote on Palestine.

VIDEO: New State Solution: UN triumph for Palestine, diplomatic defeat for Israel.