Thứ Tư ngày 30 tháng 10 năm 2024

Trung Quốc: con cái lớn không thường xuyên thăm viếng cha mẹ có thể bị kiện

 

Quốc hội Trung Quốc ngày 28-12-2012 đã sửa đổi luật về người cao tuổi để yêu cầu các người con trưởng thành phải thường xuyên thăm viếng cha mẹ già của mình, nếu không sẽ bị họ kiện.

Tuy nhiên luật mới lại không quy định số lượng lần thăm viếng cụ thể.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc nói rằng luật mới sẽ cho phép các cha mẹ già nào cảm thấy bị con cái bỏ rơi có thể kiện con ra tòa. Việc sửa luật này được thực hiện sau khi xảy ra ngày càng nhiều trường hợp cha mẹ già yếu bị con cái bỏ rơi hay phớt lờ bổn phận chăm sóc.

Các nhà quan sát nói rằng: đất nước Trung Quốc phát triển quá nhanh đang phải đương đầu với tình hình khó khăn ngày càng gia tăng trong việc chăm lo cho số dân lớn tuổi. Ba thập niên cải tổ thị trường đã làm gia tăng sự phá vỡ các gia đình nhiều thế hệ (như tứ đại đồng đường) theo truyền thống ở nước này. Trước đây, người già thường sống chung với một trong những đứa con của mình. Ngày này, ngày càng có thêm nhiều người trưởng thành tách ra sống độc lập, để cha mẹ già sống một mình. Cũng có nhiều đôi vợ chồng trẻ vẫn còn sống với cha mẹ, nhưng không phải vì truyền thống mà chủ yếu bởi họ chưa thể thuê hay mua căn hộ riêng. Một cuộc khảo sát toàn quốc cho thấy có khoảng 23% người trên 65 tuổi đang sống một mình. Trong khi đó, kết quả một cuộc khảo sát tại Bắc Kinh cho thấy chưa tới 50% số phụ nữ lớn tuổi sống với con mình.

Hồi đầu tháng 12-2012, truyền thông Trung Quốc gây xôn xao dư luận với tin một bà lão độ tuổi 90 ở tỉnh Jiangsu phồn vinh (miền tây Trung Quốc) đã bị con trai buộc phải sống trong một chuồng heo suốt 2 năm trời. Lập tức bạn đọc cung cấp thêm nhiều trường hợp cha mẹ bị con cái đối xử tệ hay bỏ rơi. Có những đứa con tìm cách tranh đoạt tài sản của cha mẹ già.

Trung Quốc hiện là nước đông dân nhất hành tinh (hơn 1,3 tỷ người). Váo năm 2007 có khoảng 167 triệu người từ 60 tuổi trở lên (tức chiếm tới hơn 10% số dân, tỷ lệ người già cao nhất thế giới). Ước tính Trung Quốc có thể có khoảng 480 triệu người trên 60 tuổi vào năm 2050 (khoảng 1 phần 4 số dân trên 65 tuổi). Hiện nay, tỷ lệ giữa người trưởng thành ở tuổi lao động và người nghỉ hưu là 3:5, nhưng có thể giảm còn 2:1 vào năm 2035.

Số dân lớn tuổi ở Trung Quốc đang gia tăng chủ yếu bởi hai lý do chính. Một là sự tăng tuổi thọ từ 41 tuổi lên 73 tuổi trong vòng 50 năm nay. Hai là chính sách kế hoạch hóa gia đình khống chế hầu hết gia đình chỉ có 1 đứa con, và phần đông chọn sinh con trai để nối dõi tông đường, vì thế cha mẹ già có nguy cơ cao phải sống một mình. Khác với ở những nước phát triển và văn minh, hệ thống an sinh xã hội chăm sóc cho người lớn tuổi ở Trung Quốc vẫn còn rất yếu kém. Chẳng hạn ngay tại thủ đô Bắc Kinh, vào cuối năm 1998 chỉ có 289 nhà hưu dưỡng, chỉ có thể chăm sóc 9.924 người (chiếm 0,6% số người trên 60 tuổi của thành phố này). Theo báo Anh The Guardian (1-10-2012), mức lương hưu cơ bản hiện nay chỉ có 55 nhân dân tệ (8,75 USD) một tháng.

Chính sách mỗi gia đình chỉ có 1 con.

Chính phú Trung Quốc đã đưa ra kế hoạch hưu trí nông thôn vào năm 2009 và một kế hoạch hưu trí thành thị mới hồi năm 2011. Trước năm 2009, chỉ có 30% số dân có lương hưu, hiện nay nâng lên 55% (tức 664 triệu người). Cho tới nay có 240 triệu người ở vùng nông thôn đăng ký tham gia kế hoạch hưu trí. Nhưng mức lương hưu khác nhau giữa các địa phương, giữa vùng nông thôn và thành thị, giữa khu vực nhà nước và tư nhân. Hồi hạ tuần tháng 10-2012, Trung Quốc đã đưa ra kế hoạch cải tổ hệ thống lương hưu sau khi có một báo cáo của Ngân hàng Trung Quốc và Ngân hàng Đức cho thấy quỹ an sinh xã hội có thể bị thâm thủng tới 18,3 tỷ nhân dân tệ (2,9 tỷ USD) vào năm 2013. Và nếu không có biện pháp xử lý, khoản thiếu hụt này sẽ lên tới 68,2 tỷ nhân dân tệ (10,9 tỷ USD) vào năm 2033.

PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 28-12-2012)