Thứ Tư ngày 24 tháng 4 năm 2024

Bi kịch nhân đạo đằng sau cuộc chiến tranh Mali

Sau khi Pháp đã đưa quân vào can thiệp hồi tháng 1-2013 và tiếp đó là sự tham gia của một số nước châu Phi vào lực lượng liên quân quốc tế cứu giúp cho quân đội chính phủ, tình hình chiến tranh ở Mali hiện vẫn còn rất phức tạp và nguy hiểm.

Phiến quân Hồi giáo có sự liên kết với những tổ chức khủng bố Hồi giáo đã bị chặn đứng kế hoạch tiến chiếm thủ đô Bamako và bị đẩy lùi ra khỏi các thành phố Timbuktu, Gao và Kidal. Nhưng chúng vẫn tiếp tục lộng hành ở miền bắc Mali và thường xuyên gây ra những vụ tấn công khủng bố, đánh bom liều chết vào các mục tiêu chính phủ và quân nước ngoài. Bên cạnh phiến quân của Phong trào Quốc gia Giải phóng Azawad (NMLA) của người Tuareg, còn có tổ chức khủng bố Hồi giáo Phong trào Thống nhất và Thánh chiến ở Tây Phi (MUJAO) và chi nhánh ở vùng Maghreb Bắc Phi của hệ thống khủng bố Hồi giáo quốc tế al-Qaeda.

Trong khi đó, theo báo cáo mới đây của tổ chức nhân đạo quốc tế Các bác sĩ không biên giới (MSF), hàng vạn người di tản Mali đang hứng chịu bi kịch nhân đạo trong các trại tị nạn giữa sa mạc ở nước Mauritania láng giềng.

Làn sóng tản cư của người Mali bắt đầu từ tháng 1-2012 khi các phiến quân bộ tộc Tuareg tuyên bố độc lập ở miền bắc Mali và sau đó bị phiến quân Hồi giáo vũ trang giành quyền kiểm soát. Theo số liệu của Liên hiệp quốc, hơn 270.000 người đã phải sơ tán trong nước và 170.000 người khác phải chạy sang các nước láng giềng, chủ yếu ở Burkina Faso, Mauritania và Niger.

Tổ chức MSF cho biết có khoảng 74.000 người di tản Malia đang cần được cứu giúp. Nhiều người lâm bệnh do điều kiện sống trong các trại tị nạn quá thiếu thốn và mất vệ sinh. Bình quân mỗi ngày có 2 trẻ em dưới 2 tuổi bị chết tại trại Mbera – nơi hầu hết dân tị nạn là người Tuareg. Khoảng 3.000 người chỉ có 1 nhà vệ sinh, trong khi tiêu chuẩn nhân đạo quốc tế là có ít nhất 1 nhà vệ sinh cho 20 người. Trại Mbera chỉ có 4 nhà vệ sinh cho 12.000 người tị nạn. Tình hình càng thêm nguy kịch khi nhiệt độ tăng lên tới 50 độ C. Bình quân mỗi người tị nạn được cấp mỗi ngày 11 lít nước, trong khi thực tế cần có ít nhất 20 lít nước cho việc nấu ăn, uống và làm vệ sinh cá nhân.

Nhiều làng của người Mali dọc biên giới với Mauritania đã bị bỏ hoang vì chiến tranh và xung đột bộ tộc.

Trong một báo cáo mới đây cho Hội đồng Bảo an LHQ, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cảnh báo rằng cuộc xung đột ở Mali đe dọa lan rộng sang vùng lãnh thổ bị tranh chấp ở Tây Sahara với khả năng sẽ có sự xâm nhập của những nhóm tay súng nước ngoài. Ông kêu gọi phải duy trì hoạt động giám sát về nhân quyền ở Tây Sahara. Đây lại là điều Morocco phản đối. Nước này đã chiếm quyền kiểm soát hầu hết Tây Sahara vào năm 1975 khi thực dân Tây Ban Nha triệt thoái, làm nổ ra cuộc chiến tranh du kích giành độc lập kéo dài tới năm 1991 sau khi LHQ làm trung gian đạt được thỏa thuận ngừng bắn và đã tiến hành một sứ mạng gìn giữ hòa bình ở đó.

Các cường quốc phương Tây cũng lo ngại rằng vùng sa mạc Sahara rộng lớn và vô luật pháp của Mali có thể trở thành bàn đạp cho các cuộc tấn công của các tổ chức phiến quân và khủng bố quốc tế nhằm vào các nước trong khu vực. Người ta gọi Tây Sahara là “một trái bom nổ chậm đang tính giờ”.  Tổng thư ký LHQ yêu cầu kéo dài nhiệm kỳ của lực lượng Mũ nồi Xanh LHQ ở Tây Sahara tới ngày 30-4-2014 và bổ sung thêm 15 quan sát viên quân sự và 6 sĩ quan cảnh sát LHQ vào lực lượng này.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 16-4-2013)

Người tị nạn Mali trong trại tị nạn ở Burkina Faso.

Người tị nạn Mali trong trại tị nạn ở Mauritania.

Người tị nạn Mali trong trại tị nạn ở Mauritania.

Người tị nạn Mali trong trại tị nạn ở Niger.

Người tị nạn Mali trong trại tị nạn ở Niger.

Người tị nạn Mali trong trại tị nạn ở Niger.

Nguồn các ảnh: Internet. Thanks.

VIDEO CLIPS:

Malian refugees fight hunger in the Niger.

Mali refugee crisis: UN concerned that flood of displaced persons may destabilize region