Thứ Ba ngày 15 tháng 10 năm 2024

Cái ôm cuối cùng: cái chết cũng không thể chia lìa

 130424-bangladesh-building-collapsed-dead-copule-2

Đây là tấm ảnh đau lòng nhất mà cũng đẹp nhất và ấn tượng nhất trong số vô vàn tấm ảnh chụp thảm kịch sập nhà xưởng ở Savar (Bangladesh) ngày 24-4-2013.

Chuyên mục LightBox của tạp chí Time (8-5-2013) viết: “Nhiều tấm ảnh mạnh mẽ đã được chụp về hậu quả của vụ đổ sập thành bình địa một tòa nhà xưởng may ở vùng ngoại ô thủ đô Dhaka. Nhưng một tấm ảnh, được chụp bởi Taslima Akhter – một nhà nhiếp ảnh người Bangladesh – đã nổi lên như một tấm ảnh làm nhói tim nhất, chụp nỗi đau buồn của cả một đất nước vào trong một tấm ảnh.”

Shahidul Alam, nhà nhiếp ảnh, nhà báo và nhà sáng lập Pathshala (Viện Nhiếp ảnh Đông Nam Á – SAIP) nhận xét về tấm ảnh này: “Hình ảnh này, trong khi gây đau lòng sâu sắc, cũng đẹp một cách ám ảnh. Một cái ôm trong cái chết, sự dịu dàng của nó nổi lên trên đống đổ nát đốt cháy chúng ta ở nơi dễ tổn thương nhất. Bằng cách làm nó trở nên riêng tư, nó sẽ không cho phép qua đi. Đây là một tấm ảnh sẽ dằn vặt chúng ta trong các giấc mơ của mình. Nó lặng lẽ kể với chúng ta. Không bao giờ lần nữa.” (This image, while deeply disturbing, is also hauntingly beautiful. An embrace in death, its tenderness rises above the rubble to touch us where we are most vulnerable. By making it personal, it refuses to let go. This is a photograph that will torment us in our dreams. Quietly it tells us. Never again.)

Taslima Akhter, tác giả tấm ảnh này đã kể như sau:

“Tôi đã được hỏi nhiều về tấm ảnh một đôi nam nữ đang ôm nhau trong hậu quả của vụ đổ sập đó. Tôi đã hết sức cố gắng, nhưng chưa tìm được bất cứ manh mối nào về họ. Tôi không biết họ là ai hay mối quan hệ giữa họ ra sao.  

Tôi đã trải qua cả ngày trời ở hiện trường vụ đổ sập, nhìn những công nhân xưởng may bị thương đang được giải cứu khỏi đống đổ nát. Tôi nhớ ánh mắt sợ hãi của những người thân – tôi mệt lử cả thể xác và tinh thần. Khoảng 2 giờ sáng, tôi nhìn thấy một đôi nam nữ nạn nhân đang ôm nhau trong đống đổ nát. Phần dưới cơ thể họ bị vùi dưới gạch đá. Máu từ đôi mắt của người thanh niên chảy ra như những dòng lệ. Khi nhìn thấy đôi nam nữ này, tôi không thể tin được. Tôi cảm thấy như thể mình đã biết họ – họ có lẽ gần gũi với tôi. Tôi như nhìn thấy họ trong những giây phút cuối cùng của mình khi họ đứng bên cạnh nhau và cố gắng để cứu nhau – cứu cuộc sống đáng yêu của họ.

Mỗi lần nhìn lại tấm ảnh, tôi cảm thấy khó chịu, Nó ám ảnh tôi. Nó như thể muốn nói với tôi rằng: chúng tôi không phải là một con số – không chỉ là người lao động rẻ tiền và cuộc sống rẻ rúng. Chúng tôi là những con người giống như bạn. Cuộc đời của chúng tôi cũng quý giá như của bạn, và những giấc mơ của chúng tôi cũng quý giá nữa.”

Nhà nhiếp ảnh viết tiếp: “Tấm ảnh này ám ảnh tôi mọi lúc. Nếu những kẻ chịu trách nhiệm không nhận mức trừng phạt cao nhất, chúng ta sẽ lại nhìn thấy loại thảm họa này lần nữa. Sẽ không có sự giảm nhẹ những cảm giác khủng khiếp này. Tôi cảm thấy sức ép và nỗi đau kinh khủng trong suốt 2 tuần qua khi bị bao quanh bởi những xác chết. Là một nhân chứng cho sự tàn khốc này, tôi cảm thấy thôi thúc phải chia sẻ nỗi đau này với mọi người. Đó là tại sao tôi muốn tấm ảnh này được mọi người nhìn thấy.”

Tấm ảnh của Taslima Akhter đã xuất hiện trên trang web của tạp chí Mỹ Time International cho cả thế giới cùng nhìn thấy.

130424-bangladesh-building-collapsed-dead-copule-3

Tôi không biết cảm giác lúc ra đi của đôi nam nữ này. Không biết ai trong họ phải vĩnh biệt người kia? Cái ôm của chàng trai như muốn ghì chặt bằng tất cả sức lực và tình yêu người con gái đã bị khối bêtông đè ngã ra sau. Chàng trai bị ép tới ứa máu mắt. Nhưng hãy nhìn mặt anh – không hề có chút đau đớn mà như đang say đắm trong tình yêu. Cả khuôn mặt cô gái nữa. Một tấm ảnh chết chóc nhưng không tạo cảm giác ghê rợn. Cả hai nạn nhân đều còn nguyên vẹn và chết trong tư thế đẹp nhất của những người yêu nhau. Cánh tay cô gái không buông thõng mà đặt lên ngực mình – chỗ có trái tim. Tôi ngạc nhiên vì lẽ ra trong hoàn cảnh như vậy, người ta phải hoảng loạn. Nhưng có lẽ cả hai đã chấp nhận số phận của mình và họ có thể tự an ủi là mình hạnh phúc hơn cả ngàn nạn nhân khác khi họ vẫn được trong vòng tay của nhau giây phút cuối cuộc đời. Nó cũng không chỉ là một cái ôm mà còn như trong một vũ khúc Nam Á đắm đuối men tình. Người ta quen nói: “chỉ có cái chết mới chia lìa lứa đôi”. Ở đôi nam nữ này thì ngược lại, cái chết đã gắn chặt họ vào nhau. Tôi hình dung đây là một bức phù điêu đẹp nhất về tình yêu – yêu đến chết vẫn còn yêu!

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 11-5-2013)

+ PHOTO: Đôi nam nữ nạn nhân của vụ sập nhà xưởng chết trong tư thế ôm nhau dưới đống gạch vụn. Ảnh của Taslima Akhter (Bangladesh).