Thứ Sáu ngày 26 tháng 4 năm 2024

Căng thẳng về một “nhà nước trong nhà nước” ở Somalia

2013-somalia

 

Những nỗ lực ngày càng công khai của Kenya để hình thành một nhà nước đệm bên trong lãnh thổ nước Somalia đang bắt đầu gây căng thẳng và tố cáo lẫn nhau giữa 2 đồng minh và láng giềng ở vùng Sừng châu Phi.

Phía Kenya gọi đây là “khu vực an ninh”, có địa danh là Jubaland, nằm bên trong lãnh thổ Somalia, tiếp giáp với Kenya.

Ngày 1-7-2013, chính phủ Somalia đã giận dữ yêu cầu lực lượng gìn giữ Kenya phải rời khỏi nước mình. Họ tố cáo nước láng giềng đang thúc đẩy hình thành quyền lãnh đạo riêng của mình tại Jubaland. Cũng theo Somalia, hồi tháng 5-2013, binh lính Kenya đã đứng về một phía trong cuộc chiến tại Kismayo, cảng lớn nhất vùng này, giết chết 65 người Somalia và là bị thương 155 người khác.

Nairobi đã bác bỏ việc mình thiên vị ở Somlaia và khẳng định mình luôn trung lập trong sứ mạng gìn giữ hòa bình ở đất nước Đông Phi này.

Trong khi đó, nhiều nhà phân tích quốc tế giờ đây thừa nhận rằng Kenya rõ ràng đang theo đuổi kế hoạch lập một vùng an ninh tự trị ở vùng biên giới tiếp giáp Somalia nhằm đấy lùi các nhóm dân quân Hồi giáo giống như nhóm Hồi giáo cực đoan Al Shabab có liên hệ với hệ thống khủng bố Hồi giáo quốc tế al-Qaeda. Abdiwahab Sheikh Abdisamad, một chuyên gia về khu vực Sừng châu Phi ở Kenya, nói rằng: “Kenya đang tìm cách hình thành một cái gọi là “nhà nước” để có thể chủ động trong các lợi ích an ninh của mình. Nước này đã giữ vị trí trung lập trong vấn đề Somalia suốt từ năm 1991 tới năm 2011. Nhưng chúng tôi cho rằng tình hình đã thay đổi.”

Ngày 4-7, căng thẳng giữa hai nước láng giềng này đã gia tăng sau khi có một lá thư của Fawzia Yusuf Adam, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Somalia, gửi cho Liên minh châu Phi (AU) tố cáo rằng các lực lượng Kenya không trung lập và chỉ trích tư lệnh lực lượng Kenya ở khu vực Jubaland là “bất tài”. Chẳng biết vô tình hay cố ý, ngoài việc gửi cho các quan chức AU, lá thư này còn bị “gửi nhầm địa chỉ” tới một số báo chí, trong đó có hãng tin Anh BBC. Và đây là lần đầu tiên cộng đồng thế giới có bằng chứng cho thấy mức độ giận dữ của Mogadishu đối với Nairobi.

Mùa thu năm ngoái, binh lính Kenya đóng ở Somalia đã chiếm Kismayo, một cảng chiến lược cách thủ đô Mogadishu khoảng 300 dặm, vốn bị chiếm đóng bởi Al Shabab, nhóm phiến quân Hồi giáo thường thực hiện những cuộc tấn công vào các tổ chức phương Tây và quốc tế ở vùng Sừng châu Phi. Gần đây nhất là vụ đánh bom tự sát vào một cơ quan của Liên hiệp quốc tại Mogadishu.

Sau đó, để duy trì quyền kiểm soát tại Jubaland và Kismayo, Kenya đã ra mặt hậu thuẫn cho Giáo sĩ Sheikh Ahmed Madobe, một cựu thủ lĩnh chiến tranh ở đây. Lực lượng dân quân Ras Kamboni của ông này được quân đội Kenya hỗ trợ từ khi Kenya đưa quân vào Somalia năm 2011 tham gia lực lượng quốc tế của AU để giúp ổn định tình hình Somalia.

Hồi tháng 5-2013, thủ lĩnh Madobe sử dụng tổ chức dân quân của mình làm nền tảng chính trị đã được bầu làm “tổng thống Jubaland” tại một hội nghị ở trường Đại học  Kismayo với 550 đại biểu tham dự. Chính phủ hiện thời ở Somalia, được Mỹ và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công nhận, đã bác bỏ cuộc bầu cử mà họ gọi là “phi hiến pháp” đó. Thực tế là có khoảng 5 thủ lĩnh chiến tranh ở khu vực Jubaland đang tự xưng là “tổng thống” của vùng này, nhưng đều bị Mogadishu bác bỏ.

Phía Kenya khẳng định rằng mình luôn trung lập và đang nỗ lực giúp Somalia khôi phục an ninh và xây dựng lại đất nước. Nhưng Kenya vẫn có những quan tâm nhằm bảo đảm an ninh cho chính mình. Vì thế, việc xây dựng một vùng đệm ở biên giới Somalia – Kenya là cần thiết.

Giới bình luận quốc tế cho rằng: vấn đề gây rắc rối là vùng đệm này nằm trên lãnh thổ Somalia nhưng lại do Kenya toàn quyền kiểm soát nó.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 11-7-2013)

 PHOTO: Binh lính lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên minh châu Phi đang bảo vệ cơ quan của Liên hiệp quốc ở thủ đô Mogadishu (Somalia). (Nguồn: Internet. Thanks.)