Thứ Năm ngày 18 tháng 4 năm 2024

Bữa ăn trưa tai ương của học sinh Ấn Độ

130717-india-sick-kids-01

 

Hàng chục học sinh tuổi từ 5 tới 12 đã ngã bệnh ngay sau khi ăn bữa trưa miễn phí tại một ngôi trường làng ở bang Bihar (miền đông Ấn Độ) ngày 16-7-2013. Theo báo USA Today (19-7), có 23 em đã tử vong và 24 em phải điều trị tại bệnh viện, trong đó có 2 em rất nguy kịch.

Thực đơn của bữa ăn đó gồm cơm, đậu lăng, đậu nành và khoai tây. Rau củ đã bị nhiễm thuốc trừ sâu. Một quan chức nói rằng có lẽ do thực phẩm đã không được rửa đúng cách trước khi nấu.

Bữa ăn này nằm trong chương trình cung cấp cho các học sinh nghèo ít nhất một bữa ăn nóng miễn phí mỗi ngày. Đây là một trong những chương trình dinh dưỡng trường học lớn nhất thế giới.

Ngôi trường này ở làng Gandamal thuộc khu Masrakh, cách thủ phủ Patna khoảng 80km. Các viên chức của trường đã lập tức ngừng phục vụ bữa ăn trưa này sau khi những học sinh trúng độc ói mửa.

130717-india-sick-kids-03

Savita, một học sinh nữ 12 tuổi, cho biết bao tử của em đã bị đau sau khi ăn đậu nành và khoai tây, rồi sau đó bị ói mửa. Sau đó cô bé ngất xỉu và được đưa cùng các bạn học bị trúng độc tới cấp cứu tại một bệnh viện địa phương rồi sau đó được chuyển tới bệnh viện trường Cao đẳng Y khoa Patna.

Nhà chức trách đã đình chỉ công tác của viên chức phụ trách chương trình bữa ăn miễn phí của trường này và khởi tố vụ án với tội lơ là gây hậu quả nghiêm trọng đối với nữ hiệu trường – người đã bỏ trốn sau khi các học sinh bị trúng độc.

Hai đầu bếp của nhà trường Manju Devi, 30 tuổi, và Pano Devi, 35 tuổi, cho biết hiệu trưởng đã kiểm soát các loại thục phẩm cho bữa ăn trưa đó. Sáng 16-7, bà phát gạo, khoai tây, đậu nành và những gia vị để chuẩn bị bữa ăn trưa cho học sinh rồi đi làm công việc của mình. Khi một đầu bếp báo rằng mình thấy dầu ăn có vẻ khác thường, hiệu trưởng đã yêu cầu chị cứ sử dụng nó bất cứ cách nào.

Chính hai đầu bếp này cũng là nạn nhân. Manju ăn một ít thức ăn và bị trúng độc. Ba đứa con 5 tuổi, 8 tuổi và 13 tuổi của chị cũng bị trúng độc, nhưng tất cả đã ổn định. Đau đớn nhất là Pano, chị không ăn thức ăn đã nhiễm độc đó, nhưng 3 đứa con chị đã ăn. Hậu quả là 2 đứa đã chết và bé gái 4 tuổi phải nhập viện.

130717-india-sick-kids-02

Các dân làng giận dữ đã phối hợp với các đảng đối lập ở địa phương đóng cửa các cửa hàng và doanh nghiệp gần nhà trường và lật nhào rồi đốt 4 xe cảnh sát.

Bộ trưởng Giáo dục bang P.K. Sahi cho biết kết quả điều tra bước đầu tình nghi rau củ này chứa một chất organophosphate dùng trong thuốc trừ sâu cho lúa và lúa mì. Theo ông, người ta cho rằng gạo đã không được vo sạch trước khi nấu.

Tuy nhiên, các dân làng lại cho rằng nguyên nhân là ở các món đậu nành và khoai tây chứ không phải ở gạo. Nhiều dân làng cho phóng viên hãng tin Mỹ AP biết rằng những học sinh không ăn hai món này đều bình thường, cho dù chúng có ăn cơm và đậu lăng.

Amarjeet Sinha, một quan chức cao cấp của bang Bihar, cho biết nhà chức trách đã phát hiện có một vật đựng thuốc trừ sâu ở khu vực nấu ăn của trường, ở bên cạnh dầu ăn và dầu mù tạc, nhưng chưa rõ đây có phải là nguồn gây nhiễm độc. Ông nhấn mạnh: “Đây không phải là một trường hợp đầu độc thực phẩm. Nó là một vụ có chất độc trong thực phẩm với dư lượng lớn, gây ra những cái chết tức thời.”

Nhà chức trách bang Bihar đã thông báo sẽ bồi thường 200.000 rupee (3.370 USD) cho mỗi trẻ em bị chết. Bihar vốn là một trong những bang nghèo nhất và đông dân nhất của Ấn Độ.

Ngày 18-7, có 19 trong 23 học sinh chết đã được an táng ở trong và chung quanh khuôn viên của nhà trường.

130717-india-sick-kids-04

Trong chương trình bữa ăn miễn phí Mid-Day Meal cho nhà trường, các chính quyền bang có toàn quyền quyết định về thực đơn và giờ phục vụ bữa ăn, tùy theo điều kiện ở từng địa phương và loại thực phẩm có được. Chương trình này được triển khai đầu tiên ở miền nam Ấn Độ, nơi nhà chức trách coi đây là một cách để khuyến khích các cha mẹ nghèo cho con đi học. Chương trình hiện đã được triển khai trên khắp cả nước và đã phục vụ cho khoảng 120 triệu học sinh tại 1,2 triệu ngôi trường. Đây cũng là một nỗ lực để chống tình trạng suy dinh dưỡng mà có gần một nửa số trẻ em Ấn Độ đang bị.

Vụ ngộ độc nhà trường này đã gây chấn động Ấn Độ và cả thế giới. Saurabh Sharma thuộc JOSH, một tổ chức phi lợi nhuận tại New Delhi vốn kiên trì vận động cải thiện chất lượng bữa ăn miễn phí cho nhà trường từ năm 2006, nói rằng: “Hiệu trưởng sẽ đổ lỗi cho nhà thầu tư nhân cung ứng thực phẩm và nhà thầu này sẽ đổ lỗi cho chính quyền vì chỉ chi có 4 rupee (6 cent Mỹ) cho mỗi học sinh.” Có người nói đây là một trường hợp của cho là của ôi. Nhiều người quy cho sự tắc trách của những người có trách nhiệm. Nhưng rõ ràng có sự bất cập trong nguyên cả hệ thống. Ngân sách ít trong khi số lượng học sinh nghèo cần cứu trợ quá đông dẫn tới tình trạng giảm chi phí cho mỗi bữa ăn. Chỉ có điều, các em có thể ăn chưa ngon, chưa no nhưng không thể kém an toàn. Đã nghèo lại mắc cái eo!

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 19-7-2013)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

VIDEO CLIPS: