Đêm kính vỡ Kristallnacht của người Đức
Đêm thứ Bảy 9-11-2013 trên khắp nước Đức, người ta kỷ niệm 75 năm ngày xảy ra sự kiện Kristallnacht (đêm kính vỡ) ghi dấu sự khởi đầu của làn sóng diệt chủng người Do Thái ở Đức và Áo dưới thời Đức quốc xã của gã “quái thai” Adolf Hitler. Đó là một đêm đau thương của người Do Thái.
Vào đêm 9-11-1938, hàng trăm ngôi giáo đường đạo Do Thái đã bị phóng hỏa, vô số ngôi nhà và cửa tiệm do người Do Thái làm chủ đã bị cướp phá, khoảng 1.000 người bị giết chết và hơn 30.000 người Do Thái đầu tiên đã bị lùa vào các trại tập trung.
Các vụ tấn công này đánh dấu sự bắt đầu của cuộc đàn áp bạo lực do nhà nước của những đầu óc bệnh hoạn thực hiện chống những người Do Thái mà chỉ kết thúc vào lúc Đế chế thứ ba (Third Reich) bị tiêu diệt sụp đổ hồi năm 1945. Có khoảng 6 triệu người Do Thái ở châu Âu đã bị phát xít Đức thảm sát, hầu hết trong các trại tập trung với những phòng hơi ngạt và những lò thiêu người kinh hoàng.
Trong ngày 9-11-2013, những người Đức tại nhiều thành thị đã thắp những cây nến và lắng nghe những nạn nhân Do Thái còn sống sót tới ngày nay kể lại những hồi ức đau thương đó. Họ cũng tới các nghĩa trang của người Do Thái để tưởng niệm những người đã mất. Tại Berlin, nhiều người tham gia những đoàn có người hướng dẫn tới thăm các khu láng giềng, tìm lại vị trí những cửa hàng và những ngôi nhà của người Do Thái từng tồn tại trước khi bị Đức quốc xã và những kẻ ủng hộ nó tàn phá cách đây 75 năm. Nhiều người lau chùi cho sạch bóng những viên đá lát bằng đồng (người Đức gọi là “Stolpersteine”, đá vấp) khắc tên những nạn nhân Do Thái như những tấm bia mộ tí hon được gắn trước những ngôi nhà trước đây họ từng sống. Mỗi viên đá khắc tên một nạn nhân, có đầy đủ ngày sinh và ngày bị giết chết. Có tổng cộng 5.000 viên đá tưởng niệm như vậy tại Berlin.
Trong gần 1 tuần ở Berlin hồi thượng tuần tháng 9-2013, hầu như ngày nào tôi cũng đi ngang qua khu tưởng niệm các nạn nhân Do Thái Holocaust Memorial nằm trên một công viên mở được bao bọc bởi 4 con đường: Ebert, Behren, Cora-Berliner, và Hannah-Arendt trong khu láng giềng Friedrichstadt ở phía nam cổng Brandenburg Gate. Trên diện tích 19.000 mét vuông là 2.711 khối bêtông gọi là “stelae” có chiều dài và rộng bằng nhau (2,38 x 0,95 mét), với những chiều cao khác nhau (từ 0,2 tới 4,8 mét) mô tả hình dạng những ngôi mộ, nhưng không ghi tên ai. Công trình do kiến trúc sư Peter Eisenman và kỹ sư Buro Happold thiết kế với kinh phí xây dựng tới 25 triệu euro này được xây dựng hồi tháng 4-2003 và khánh thành ngày 10-5-2005 nhân kỷ niệm 60 năm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai.
Đương kim nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng cái đêm Kristallnacht là “một sự kiện làm nhục người Do Thái theo một cách thức không thể tin nổi… một điểm thấp thật sự trong lịch sử nước Đức mà người ta đã chạm tới. Thật đáng tiếc, sau đó lịch sử Đức đã phát triển theo một cách thậm chí còn tệ hại hơn mà cuối cùng đã kết thúc trong thảm kịch Shoah (diệt chủng người Do Thái).” Bà kêu gọi người Đức không bao giờ được quên cái quá khứ đó.
Nhưng thực tế trớ trêu là chủ nghĩa bài Do Thái (anti-Semitism) cho tới tận hôm nay vẫn còn là một vấn đề nhức nhối ở châu Âu. Kết quả một cuộc thăm dò dư luận trong cộng đồng người Do Thái châu Âu được công bố ngày 8-11-2013 cho thấy có tới 3 phần 4 số người được hỏi tin rằng chủ nghĩa bài Do Thái hiện đang nổi lên ngay tại các nước quê hương của họ. Thậm chí có gần 1 phần 3 cho biết họ đang xem xét việc di dận vì cảm thấy không được an toàn ở đây.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 10-11-2013)
Có thể đọc bản đăng trên báo Tuổi Trẻ Online http://tuoitre.vn/The-gioi/579627/khi-nguoi-duc-ky-niem-dem-kinh-vo.html#ad-image-0
Một bia tưởng niệm tại nghĩa trang Do Thái ở thành phố Rostock (miền Đông nước Đức) có khắc dòng chữ bằng hai thứ tiếng Đức và Do Thái: “Hãy nhớ. Không bao giờ quên.” Ảnh chụp ngày 9-11-2013. (Ảnh: AP Photo/dpa, Bernd Wuestneck)
Những viên đá tưởng niệm Stolpersteine bằng đồng khắc tên những nạn nhân Do Thái bị giết trong thảm họa diệt chủng được gắn trước nhà của họ tại Berlin. Ảnh chụp ngày 9-11-2013. (Ảnh: REUTERS/Tobias Schwarz).
Khoảng 120 cửa tiệm ở Berlin đã tham gia sự kiện “Diversity Destroyed” (sự đa dạng bị hủy diệt) để kỷ niệm 75 năm ngày xảy ra sự kiện Kristallnacht bằng cách dán trên cửa kính poster mô tả chiếc cửa kính bị đập vỡ. Ảnh chụp ngày 8-11-2013. (Ảnh: REUTERS/Thomas Peter).
Khu công viên tưởng niệm thảm kịch diệt chủng người Do Thái Holocaust Memorial tại Berlin. Ảnh chụp ngày 3-9-2013. (Ảnh: PHP)
Khu công viên tưởng niệm thảm kịch diệt chủng người Do Thái Holocaust Memorial tại Berlin. Ảnh chụp ngày 5-9-2013. (Ảnh: PHP)