Thứ Sáu ngày 19 tháng 4 năm 2024

Thảm kịch phà Sewol Hàn Quốc: giờ chỉ có thể là chờ… nhận thi thể người thân

South Korea Ship Sinking

 

Tôi không hề muốn gây thêm đau lòng cho các bạn bè của mình. Ngay cả chính tôi cũng chỉ có đủ can đảm lướt qua các bản tin, đưa mắt thoáng qua những đoạn mô tả tình cảnh những thân nhân nhận thi thể người thân bất hạnh của mình, chỉ dừng lại ở những thông tin về thảm kịch. Và tôi chỉ xin được cập nhật thông tin với các bạn.

Ngay từ chiều thứ Bảy 19-4-2014, tức gần 4 ngày sau khi phà Sewol chìm trên đường từ cảng Incheon (gần thủ đô Seoul) đi tới đảo du lịch Jeju ở miền nam, khi những thợ lặn bắt đầu lọt vào được bên trong con phà đang nằm sâu dưới đáy biển, lực lượng cứu hộ đã hết hy vọng tìm cứu được ai còn sống. Con phà dài 146 mét, rộng 22 mét, tải trọng 6.825 tấn chở 476 người đã bị lật và chìm quá nhanh. Lúc 8g55ph, phà gọi điện báo nguy cấp với trạm hàng hải đảo Jeju. Tới 9g30, khi tàu tuần duyên và trực thăng cứu hộ tới nơi thì phà đã bị nghiêng về bên trái 60 độ. Chỉ 30 phút sau, tàu bắt đầu lật úp và tới 10g23ph thì hoàn toàn lật úp. Trong vòng vài giờ sau là tàu đã bị chìm dưới mặt biển.

Bên trong con phà khi lật chìm có hơn 300 người, hầu hết là học sinh của một trường trung học đang trên đường đi dã ngoại trên đảo Jeju. Theo lệnh của thuyền trưởng, họ đã ở nguyên tại chỗ ở các khoang phà bên dưới, và không còn có thể thoát thân khi có lệnh bỏ tàu. Khi tàu lật úp, sàn tàu trở thành trần tàu và khi phà chìm xuống với đuôi tàu cắm xuống dưới, vách tàu lại trở thành trần tàu. Tất cả chìm trong nước biển, không ai có thể thoát được nữa và cũng không ai có thể thoát khỏi cái chết vì ngộp nước xộc đến quá nhanh.

Cho tới chiều tối 22-4, tổng số thi thể tìm được đã lên tới 108 người, và số mất tích còn tới 194 người (họ cũng sẽ được chuyển sang danh sách người chết trong thời gian tới).

Có mấy con số thống kê nghiệt ngã. Trong số 476 người trên tàu, có tới 352 học sinh trường Trung học Danwon tại thành phố Ansan, ngay phía nam thủ đô Seoul. Trong số 174 người được cứu thoát, có 20 trong tổng số 30 thành viên đội phà. Thuyền trưởng và các thuyền phó đều kịp thoát thân.

Cho tới nay, cảnh sát đã bắt giữ 7 người thuộc đội phà. Ngày 19-4, họ đã bắt thuyền trưởng Lee Joon-Seok, 69 tuổi, nữ thuyền phó thứ ba Park Han-kyul, 25 tuổi, và người lái tàu Cho Joon-ki, 55 tuổi.

Tệ hại nhất là thuyền trưởng Lee, người đã có hơn 40 năm kinh nghiệm hàng hải và 8 năm chạy tuyến đường này. Sau khi cấp báo và được trạm hàng hải Jeju đề nghị cho mọi người mặc áo phao, sẵn sàng bỏ tàu, rồi sau đó yêu cầu thuyền trưởng là người chỉ huy cao nhất có mặt tại chỗ quyết định việc sơ tán hành khách, ông Lee đã trì hoãn, ra lệnh cho mọi người ai ở chỗ nấy trong khoang tàu, mà mãi hơn 30 phút sau mới chịu ra lệnh sơ tán thì đã quá muộn. Ông ta lại là một trong những người thoát thân đầu tiên. Theo truyền thống hàng hải quốc tế, thuyền trưởng phải là người rời tàu cuối cùng sau khi tất cả mọi người, đặc biệt là hành khách, đã rời khỏi tàu an toàn. Có người đồng hương của ông Lee đã biện minh rằng người Hàn Quốc không có thói quen làm như vậy, và cho đó là do sự khác biệt giữa nền văn hóa Hàn Quốc và văn hóa phương Tây. Thật ra, vấn đề là ớ cái tâm và tinh thần trách nhiệm.

Thuyền trưởng Lee biện hộ cho quyết định của mình là do lúc đó các dòng hải lưu chảy rất mạnh, biển lại rất lạnh và không có tàu bè nào gần đó nên ông sợ mọi người có thể gặp nguy hiểm khi rời tàu.

Còn nữ thuyền phó Park mới có 6 tháng kinh nghiệm đi biển, và đây là lần đầu tiên cô điều khiển phà ở khu vực có các dòng hải lưu rất mạnh này. Do lúc đó thuyền trưởng xuống cabin của mình làm gì đó, Park chịu trách nhiệm lái tàu và chẳng hiểu lý do nào cô đã cho tàu quẹo gắt về bên phải khiến phà bị nghiêng không thể cứu được nữa.

Quyết định trì hoãn việc sơ tán và cách hành xử của đội phà đã làm bối rối các chuyên gia hàng hải trên thế giới. Người ta nói rằng lẽ ra trong tình huống khẩn cấp và phà nghiêng quá nhanh như vậy, đội phà phải sơ tán hành khách càng nhanh càng tốt hoặc ít nhất là tập trung họ lại ở các vị trí để sẵn sàng rời bỏ tàu khi có lệnh. Đằng này có tin nói rằng, thuyền trưởng Lee đã ra lệnh cho mọi người ở nguyên tại chỗ trong các khoang trên phà. Đó chính là lý do họ không thể thoát ra khỏi phà khi phà lật úp và chìm xuống biển.

Càng kinh hoàng hơn khi trong số 46 chiếc thuyền cứu sinh của phà, chỉ có 1 chiếc được sử dụng, và chiếc đó chở thuyền trưởng và đội phà của mình.

Nữ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye đã mô tả hành động của thuyền trưởng Lee và đội phà của mình “tương đương với tội giết người”.

Quả là trớ trêu khi trước đó không lâu, “bậc thầy hàng hải” Lee này đã xuất hiện đĩnh đạc trong một video clip quảng cáo của hãng tàu, trong đó ông nhấn mạnh rằng khi tàu gặp tai nạn, yếu tố để bảo đảm sơ tán an toàn là mọi người phải tuân theo lệnh của đội tàu.

Mario Vittone, cựu thanh tra và điều tra viên về tai nạn hàng hải của Tuần duyên Mỹ, và Thad Allen, cựu chỉ huy lực lượng Tuần duyên Mỹ, cho biết, trong tình huống đó, thuyền trưởng có thể ra lệnh cho hành khách lên trên boong, ngay cả cho dù không chắc là họ sau đó có phải sơ tán khỏi phà không. Allen nói rằng có 2 việc cần phải làm đồng thời lúc đó: “Duy trì cố gắng để cứu con tàu nhưng đồng thời phải giảm nhẹ nguy cơ gây chết người bằng cách sẵn sàng cho các hành khách có thể rời khỏi con tàu.” Theo Vittone, lẽ ra đội phà nên tập trung hành khách tại những khu vực đã được định sẵn khi xảy ra sự cố để có thể kiểm soát được mọi người, bảo đảm họ đã mặc áo phao và có thể hướng dẫn họ lối thoát thân.

Các chuyên gia hàng hải đều nói rằng khi tàu gặp nguy hiểm, việc cứu hành khách vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu. Các nỗ lực cứu tàu khỏi nguy hiểm vẫn là để bảo đảm cho hành khách an toàn.

Việc phà chở khách này còn chở thêm cả trăm xe hơi và container cũng góp phần làm cho mức độ nguy hiểm gia tăng. Sự bất ổn định và bị xô lệch của những món hàng nặng nề này khi xảy ra sự cố sẽ khiến phà bị lật và chìm nhanh hơn. Điều này đã được khẳng định sau khi các thợ lặn cho biết vỏ tàu không bị hư hỏng gì. Như vậy, khi tàu bất ngờ quẹo gấp, các hàng hóa nặng đã bị xô lệch làm con tàu bị nghiêng.

Ngay cả viên chức ở trên trạm hải hành Jeju cũng làm điều khó hiểu. Ông ta cho phà biết là mình đã báo cho lực lượng tuần duyên và chừng 10 phút nữa tàu cứu hộ sẽ tới. Nhưng ông ta lại quên chuyện một tàu dân sự gần đó đã đề nghị tới tiếp cứu trước đó 10 phút.

Nhiều thân nhân của các nạn nhân đã nổi giận vì cho rằng nhà chức trách đã phản ứng quá chậm trễ. Từ khi tàu lật úp cho tới khi chìm hẳn mất khoảng 2 giờ. Trong lúc đó, vô số tàu cứu hộ chỉ biết chạy vòng vòng, những nhân viên cứu hộ leo lên thân phà rồi lại tụt xuống. Lẽ ra họ phải tìm cách phá ngay thân tàu để cho các nạn nhân thoát ra. Tới khi phá được cửa sổ tàu, thợ lặn lại chỉ có thể ở bên ngoài nhìn vào vì không có dụng cụ chiếu sáng, trong khi bên trong tối như mực. Lực lượng cứu hộ nói rằng các dòng hải lưu chảy rất mạnh, có thể gây nguy hiểm cho những người cứu hộ. Chỉ có điều họ là những người cứu hộ chuyên nghiệp chứ đâu phải thợ lặn bình thường. Quả thật là nhìn hình ảnh những nhân viên cứu hộ ngồi trên thuyền phao bên cạnh xác phà chờ đợi giống như chờ hội họp khó ai có thể kềm lòng. Hình ảnh những chiếc tàu cảnh sát trương cờ Hàn Quốc chạy quanh coi có phần phản cảm. Ngay chính Tổng thống Hàn Quốc cũng đã phải tuyên bố cần phải xem xét lại quy trình cứu hộ.

Làm sao không lăn tăn khi vị trí phà Sewol chìm gần bờ và vùng biển này chỉ sâu có 30 mét.

Tôi chỉ cầu mong là mình hoàn toàn võ đoán và suy diễn, không có mặt tại chỗ nên không rõ được thực trạng của những người cứu hộ. Tôi cũng không tin rằng họ lại dững dưng trước sự sống còn của những đồng loại, huống chi là những đồng hương. Tôi tin rằng họ đau xé lòng và bất lực khi phải ngồi bên ngoài trong lúc hơn 300 nạn nhân đang đối mặt với cái chết bên trong, chỉ cách mình một lớp vỏ tàu mà sao không thể phá được.

Đây là tai nạn hàng hải thảm khốc nhất trong vòng 21 năm qua của Hàn Quốc. Người Hàn Quốc vốn dễ tự sát khi quá đau buồn hay tuyệt vọng. Người ta lo ngại rằng trong những ngày tới có thể phải chứng kiến những hành động đau lòng của những thân nhân.

Vào ngày 22-4 có gần 750 thợ lặn, hầu hết thuộc lực lượng tuần duyên và quân đội, tham gia tìm kiếm nạn nhân trong xác phà. Trong ngày này, lực lượng cứu hộ có nhiệm vụ mở đường vào khoang nhà ăn của phà, vì họ tin rằng lúc đó đang có nhiều học sinh đang ăn sáng.

140416-skorea-sunken ferry-45

Lực lượng cứu hộ đã điều những cần cẩu khổng lồ tới để lật lại chiếc phà lên. Nhưng họ vấp phải sự phản đối của nhiều thân nhân với yêu cầu phải chờ tới khi tìm được hết các thi thể nạn nhân rồi mới làm như vậy.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 22-4-2014)

 

+ Nguồn ảnh: Internet.

South Korea Ship Sinking

140416-skorea-sunken ferry-map3 140416-skorea-sunken ferry-31 140416-skorea-sunken ferry-32 140416-skorea-sunken ferry-33 140416-skorea-sunken ferry-34 140416-skorea-sunken ferry-35 140416-skorea-sunken ferry-36 140416-skorea-sunken ferry-37 140416-skorea-sunken ferry-38 140416-skorea-sunken ferry-39 140416-skorea-sunken ferry-40 140416-skorea-sunken ferry-41 140416-skorea-sunken ferry-42 140416-skorea-sunken ferry-43 140416-skorea-sunken ferry-44