Thứ Tư ngày 18 tháng 9 năm 2024

Xin đừng xem nếu bạn yếu tim: những phút cuối đời trên phà Sewol

140416-korea-sewol-ferry-last-moments-02

Ảnh trích từ video clip những phut1 cuối đời của học sinh Hàn Quốc trên phà Sewol ngày 16-4-2014.

 

Đây là một video nát tim (heartbreaking video) làm đứt ruột, nát lòng biết bao người trên hành tinh, đặc biệt là những bậc phụ huynh và những bạn trẻ đồng trang lứa. Tất nhiên, cha mẹ và người thân của những nạn nhân có mặt trong video clip này chắc chắn có những người đau tới mệt tim, ngất xỉu khi nhìn thấy và nghe thấy con em mình trong những phút cuối đời.

Hãng tin Mỹ AP ngày 2-5-2014 đã cho phát một đoạn dài 3 phút trích trong một video clip quay lại những gì đang xảy ra trong một cabin ngay sau khi con phà biển Sewol bị nghiêng vào khoảng 9 giờ sáng thứ Tư 16-4-2014 khi gần tới đảo du lịch Jeju trên biển Hoàng Hải (Hàn Quốc). Ngay sau khi phà bị nghiêng do cú quẹo gắt trong khi phà chạy với tốc độ cao của cô thuyền phó thứ ba 25 tuổi Park Han-kyul, các học sinh 16, 17 tuổi của trường Trung học Danwon thuộc thành phố Ansan (gần thủ đô Seoul) vẫn vô tư, hồn nhiên đùa giỡn với nhau. Những tiếng cười nắc nẻ, những lời nói đùa nhắc lại vụ chìm tàu Titanic huyền thoại, những status được post lên Facebook, những cú điện thoại cho người thân,… Nhưng ngay sau đó là những sợ hãi, hốt hoảng. Có những lời nói cuối cùng của những học sinh nam nữ sắp chết gửi cho cha mẹ mình. Cái hoạt cảnh nhốn nháo, ồn ào rồi hoảng loạn đó đã diễn ra trong một cabin bên dưới con phà chạy từ cảng Incheon tới đảo Jeju.

Trước đó, đài truyền hình Hàn Quốc đã cho phát tới 15 phút của video clip này.

140416-korea-sewol-ferry-last-moments-01

Ảnh trích từ video clip những phut1 cuối đời của học sinh Hàn Quốc trên phà Sewol ngày 16-4-2014.

Đây là video clip do nam sinh 17 tuổi Park Su-hyeon ghi được bằng smartphone của mình. Khi tìm được thi thể của em vào một tuần sau đó, người ta cũng có được chiếc điện thoại đó trong túi nạn nhân với chiếc thẻ nhớ còn nguyên vẹn. Sau đó, cha của Park đã cung cấp video clip do con trai ghi cho đài truyền hình Hàn Quốc và tới ngày 1-5 thì cung cấp cho hãng tin AP. Ông nói mình muốn cho cả thế giới biết được tình trạng trên phà Sewol khi nó đang chìm.

Qua video clip này, người ta thấy nhóm học sinh này đã chuyển qua lại giữa sự nhốn nháo, những cố gắng khôi hài có lẽ để trấn áp nỗi lo sợ và cuối cùng là sự sợ hãi tột cùng. Người ta chỉ nhìn thấy 1 học sinh có mặc áo phao ngay từ lúc bắt đầu clip vào lúc 8g52ph sáng 16-4 và kết thúc vào lúc 9g09ph khi mọi người đều đã mặc áo phao. Một vài em đang loay hoay khóa chiếc áo phao của mình. Khi phà nghiêng dữ hơn, các em đã cười đùa về những “tấm hình lưu niệm cuối cùng” và việc một số em nghịch ngợm cố gắng bước lên những vách phòng giờ nằm nghiêng. Có tiếng em nào đó thốt lên: “Giống như thể chúng ta đang trở thành Titanic.”

Vào lúc 8g53ph (theo như đồng hồ ghi trên clip), tức chưa đầy 2 phút sau khi clip bắt đầu được quay và 2 phút trước khi một nhân viên đội tàu trên đài chỉ huy gọi cú điện cấp cứu đầu tiên, có tiếng một học sinh nào đó thốt lên: “Bạn nghĩ là tôi thật sự sắp chết ư?”

Vào đầu clip, người ta nghe tiếng nhân viên đội tàu thông báo trên loa phóng thanh: “Đừng di chuyển ra khỏi chỗ của mình và cố gắng hết sức mình cho bất cứ tai nạn nào có thể xảy ra.”

Trong nhũng thông báo sau đó, hành khách lại được đội tàu yêu cầu ở nguyên tại chỗ, ngay cả khi một số thắc mắc liệu họ có phải sơ tán không. Thông báo cuối cùng mà người ta nghe được trong clip này là vào lúc 9g08ph: “Chúng tôi loan báo lần nữa: Đối với các hành khách nào có thể mặc áo phao, hãy mặc nó ngay. Đừng bao giờ di chuyển khỏi nơi mình đang ở.”

Lời cảnh báo cuối cùng này phát ra 8 phút sau khi một nhân viên đội tàu báo với một cán bộ ở trạm kiểm soát hàng hải rằng: “Thân tàu đã bị lật nghiêng, không thể nào di chuyển được.”

Khi các hành khách được lệnh ở nguyên trong các phòng của mình trong các tầng bên dưới con phà, thuyền trưởng Lee Joon-seok đã chần chờ mất tới ít nhất nửa tiếng đồng hồ trước khi ra lệnh cho sơ tán. Cũng không rõ là lệnh sơ tán đó có được chuyển tới các hành khách không.

Sau một lúc đứt đoạn ngắn, video clip của nam sinh Park Su-hyeon đã được ghi hình tiếp. Các học sinh đã hỏi liệu con tàu có bị chìm không và các thầy cô của mình đang ở đâu. “Thuyền trưởng đang làm gì thế?”

Sau khi các học sinh trong phòng đó nói về tình hình và post những trạng thái cảm xúc của mình lên Facebook, nỗi sợ hãi trong phòng đã gia tăng. Một số nói mình cảm thấy choáng váng, chân mình run lẩy bẩy. Người ta nhìn thấy một học sinh đang cố đi lại với hai tay chống lên vách phòng để giữ thăng bằng khi con phà tiếp tục nghiêng, cho thấy khó thể di chuyển. Một học sinh nói: “Mình thật sự là sợ hãi.” Một tiếng nói khác vang lên: “Tàu đang chìm thiệt sao?” “Ồ, họ đang cho chúng ta áo phao kìa.” Một học sinh nói: “Tôi ra khỏi đây đây.” Một tiếng nữa vang lên: “Mình nữa, mình nữa.” Một học sinh thốt lên: “Bây giờ chúng ta phải tìm cách sống sót.”

Có một số học sinh trong video clip thắc mắc về lệnh kêu mình phải ở yên trong phòng. Có tiếng một em nói: “Thật vô lý. Tôi muốn thoát khỏi đây. Tôi muốn như vậy.” Một học sinh khác cũng thắc mắc về những mệnh lệnh đó và hỏi: “Chuyện gì tiếp theo đây? Nếu họ kêu chúng ta mặc áo phao, chẳng lẽ không có nghĩa là tàu này đang chìm ư?

Trong video có tiếng những học sinh gọi điện thoại cho người thân của mình để nói những lời vĩnh biệt. Có một số em khuyến cáo những anh chị em của mình ở nhà là đừng bao giờ đi dã ngoại với nhà trường trừ khi muốn kết thúc giống như họ. Có tiếng nói của một học sinh: “Tất cả chúng ta đã kết thúc. Tôi phải để lại mấy lời vĩnh biệt trước khi chết.” Một giọng khác vang lên: “Mẹ ơi, con yêu mẹ.”

Có lẽ không một lời bình luận nào có thể xứng với tình cảnh này. Học sinh được lệnh thuyền trưởng mặc áo phao ở yên trong phòng mình đã hỏi: “Thuyền trưởng đang làm gì thế?” Và đây là hành động của tay thuyền trưởng 69 tuổi với hơn 40 năm kinh nghiệm hàng hải: không còn bộ đồng phục với cấp hiệu thuyền trưởng nữa, chỉ mặc chiếc áo len xậm màu và chiếc quần lót, ông ta hấp tấp vọt khỏi con phà đang chìm xuống một chiếc ca nô cứu hộ, hấp tấp tới mức vấp ngã khi lên tới ca nô. Thuyền trưởng đã bỏ mặc hàng trăm hành khách và một số thuyền viên của mình đang kẹt bên dưới con phà. Cùng nhanh chân thoát thân với ông ta còn có 21 nhân viên đội tàu khác. Chỉ có 7 người ở lại cùng chia chung số phận với các hành khách và họ nằm trong số 302 người chết và mất tích trên chuyến phà chở 476 người này.

Khi phát đoạn video này vào tối 28-4-2014, đài truyền hình Hàn Quốc đã cẩn thận xóa mờ khuôn mặt của các học sinh trong video để tránh cho cha mẹ, người thân các em khỏi đau lòng. Nhưng quần áo đó, giọng nói đó,… làm sao cha mẹ không nhận ra. Hơn thế nữa, xưa nay cha mẹ luôn rất nhạy cảm với các núm ruột của mình, chỉ cần một thoáng qua là đủ để họ nhận ra con mình rồi.

Nhà sản xuất truyền hình Choi Seung-ho nói trong khi phát video clip này: “Đây là cảnh nát lòng nhất mà tôi từng gặp trong 27 năm làm nghề truyền hình của mình.”

140501-korea-sewol-ferry-seoul-02

Những chiếc ruybăng vàng tưởng nhớ các nạn nhân phà Sewol.

Bà mẹ Jong-dae nói trong khi đang đọc thông báo trên JTBC, mạng Hàn Quốc có phát video clip này: “Con trai ơi, ở nơi con ở nó phải là lạnh lẽo và tối tăm. Con phải lạnh lẽo và sợ hãi lắm phải không? Mẹ đã hy vọng và cầu nguyện cho con sống sót, nhưng nó đã không như vậy. Con trai ơi, giờ là lúc chúng ta nói lời chia tay nhau. Giờ là lúc con và mẹ nói chia tay… Xin hãy tha thứ cho mẹ.”

140501-korea-sewol-ferry-seoul-labour-day-03

Người lao động Hàn Quốc ngày 1-5-2014 tuần hành tại Seoul với khẩu hiệu “Chúng tôi không cần cái loại tổng thống này.”

Ngày 1-5, người lao động Hàn Quốc đã tuần hành ở Seoul để đón ngày Quốc tế Lao động. Rợp trời lần này là những khẩu hiệu: “Chúng tôi không cần cái loại tổng thống như thế này.” Họ muốn nói tới nữ Tổng thống Park Geun-hye. Còn Thủ tướng Chung Hong Won ngày 27-4 đã tuyên bố từ chức để chịu trách nhiệm về thảm kịch này, đặc biệt là cho việc phản ứng ban đầu không tương xứng của chính quyền khi cứu nạn.

Ngày 1-5, lực lượng tìm cứu lo ngại rằng thi thể nạn nhân kẹt trong phà có thể bị các dòng hải lưu rất mạnh ở vùng biển này cuốn đi mất. Nếu để điều đó xảy ra, thân nhân của số nạn nhân còn mất tích sẽ sống sao cho nổi nữa. Tới thời điểm này vẫn còn hơn 80 nạn nhân mất tích. Người ta vẫn còn nhớ những tuyên bố của lực lượng cứu họ ngay sau khi phà chìm ngày 16-4 là họ dùng phao nổi để đánh dấu nơi phà chìm và dùng lưới quây chung quanh để bảo đảm các nạn nhân còn kẹt lại không bị các dòng hải lưu cuốn đi. Đành rằng đã hơn 2 tuần sau khi phà chìm. Nhưng chẳng thể nào đành rằng khi một đất nước giàu có và phát triển như Hàn Quốc lại cứ chịu loay hoay giống như tới đâu hay tới đó với con phà chìm ở một nơi gần bờ và chẳng phải là quá sâu (hãng tin Trung Quốc Xinhua cho biết nơi phà Sewol chìm sâu 30 mét và có dòng hải lưu chảy với tốc độ 8km/g). Kiểu nghĩ, cách làm của nhà chức trách Hàn Quốc ư? Hiểu được chết liền!

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 2-5-2014)

 

Video clip của hãng tin AP:

 

Video clip của đài truyền hình Hàn Quốc: