Thứ Tư ngày 25 tháng 12 năm 2024

Ngủ yên các em nhé

140416-skorea-sunken ferry-map3

 

Tôi đã phải cắn chặt răng khi gõ những dòng chữ này. Lòng tôi ngổn ngang, trĩu nặng, xâu xé bởi những cảm xúc tột cùng của nỗi đau xót, uất nghẹn và bất lực. Tôi ước chi mình có cỗ máy thời gian Time Machine để cho mọi thứ quay ngược trở lại buổi sáng định mệnh thứ Tư 16-4-2014, nếu không đủ hiệu lực cho cả thế giới thì cũng ở ngay vùng Biển Hoàng Hải (Yellow Sea) ngoài khơi đảo Jindo của Hàn Quốc. Đó là nơi và thời khắc chiếc phà biển Sewol chở 476 người bị chìm mà chỉ có 174 người sống sót.

Tôi muốn trở về thời khắc đó để có thể cứu được tất cả mọi người. Trên phà có tới 339 học sinh và thầy cô giáo của trường Trung học Danwon tại thành phố Ansan, ngay phía nam thủ đô Seoul đang trên đường đi dã ngoại trên đảo du lịch Jeju ở miền nam Hàn Quốc. Các em cũng bằng lứa tuổi của con trai, của mấy đứa cháu tôi. Tôi cũng từng nhiều lần được gặp gỡ, tiếp xúc với những em học sinh Hàn Quốc như vậy trong những chuyến sang xứ Cao Ly. Và ngay cả hòn đảo du lịch Jeju mà các em bất hạnh không kịp đặt chân tới, dù chẳng còn bao xa, cũng là nơi tôi từng ở mấy ngày.

Các em còn quá trẻ, chỉ từ 18 tuổi đổ lại, còn cả một tương lai rất dài trước mặt nếu như không xảy ra thảm kịch đó. Từng xem phim Titanic và những bộ phim có cảnh chìm tàu, tôi hiểu các em hoảng loạn, sợ hãi như thế nào vào những phút cuối đời mình, khi nhìn thấy cái chết đang xộc tới rất nhanh. Tôi cũng hiểu các em đã chết một cách đau đớn ra sao khi bị ngộp nước biển. Hãng tin Anh Reuters (24-4-2014) cho biết hầu hết thi thể nạn nhân tìm được trong 2 ngày qua đều bị gãy những ngón tay. Điều đó cho thấy các em đã phải bám víu lên tường hay sàn tàu quyết liệt tới mức nào để cố thoát thân. Các em học sinh Hàn Quốc đã không có được một cái chết an bình. Các em không chỉ chết oan ức, mà còn là chết trong đau đớn tột cùng.

Tàu bắt đầu nghiêng vào lúc 9g sáng. Vì thế, lúc đó có nhiều em học sinh đang ăn sáng trong nhà ăn của phà. Có người nói rằng dù sao các em cũng không phải chết khi bị đói. Cũng có những người nghĩ rằng tình cảnh đó quá nghiệt ngã.

Cho tới tối 23-4-2013, tổng số thi thể của các nạn nhân tìm thấy được đã lên tới 150 người. Vẫn còn 152 người mất tích. Trong những ngày qua đã có những đám tang nạn nhân được làm chung với nhau để các em được an nghỉ cùng nhau.

Tôi cũng hiểu được nỗi đau và sự ám ảnh kéo dài từ nay về sau của hơn 550 thợ lặn đang tham gia tìm kiếm nạn nhân trong lòng con phà chìm dưới đáy biển. Đây là một nhiệm vụ khủng khiếp nhất của họ: không tìm cứu người mà là tìm thi thể người, và không phải vài ba mà là hơn 300 nạn nhân. “Chúng tôi được huấn luyện cho những môi trường khắc nghiệt, nhưng khó mà có can đảm khi chúng tôi tìm gặp những thi thể trong vùng nước tối đen”, thợ lặn Hwang Dae-sik tâm sự với phóng viên hãng tin Anh Reuters khi anh dự đám tang 25 học sinh ở gần thủ đô Seoul. Sau chuyến công tác này, chắc chắn sẽ có những người không còn đủ can đảm đi theo nghề!

Không gì diễn tả nổi những nỗi đau tột cùng của người thân, đặc biệt là cha mẹ, của các em. Nhiều người đã nổi giận khi bị yêu cầu cho lẫy mẫu ADN vì họ nghĩ như vậy là xác nhận con em mình đã chết. Trên đời nay không ông cha bà mẹ nào có thể chịu nổi việc biết rằng con mình đã phải chết một cách kinh hoàng và đau đớn như vậy, không gì có thể an ủi được họ. Một ông bố là tài xế khi nhận thi thể đứa con trai cưng 15 tuổi đã giận dỗi càm ràm con sao ngủ gì mà ngủ dữ vậy. Ông thề: “Cha sẽ làm mọi điều để cứu con.” Rồi ông đập mạnh vào ngực con mong kích tim con đập lại, sau đó áp miệng mình vào môi con làm hô hấp nhân tạo mong cứu con. Để rồi ông đau đớn nhận ra rằng còn đâu nữa mùi hơi thở quen thuộc 15 năm nay của con trai, giờ chỉ là mùi xác thịt đang phân hủy!

Có quá nhiều cái nếu mà có lẽ ai cũng muốn chúng đã xảy ra. Nếu như thuyền trưởng lão luyện Lee Joon-Seok, 69 tuổi, với hơn 40 năm kinh nghiệm hàng hải và 8 năm đi trên tuyến hải trình này không bỏ mặc việc điều khiển con tàu cho người chưa có kinh nghiệm tại vùng biển khắc nghiệt này và sau đó không trì hoãn việc ra lênh sơ tán hành khách muộn tới 30 phút, rồi can đảm ở lại tới cùng để làm tròn trách nhiệm tư lệnh tối cao trên phà. Nếu như cô thuyền phó thứ ba Park Han-kyul, 25 tuổi, đang trực tiếp cầm lái không quẹo gắt con phà trong lúc đang chạy với tốc độ nhanh nhất (sau này cô ta ân hận nếu như mình giảm tốc độ trước khi bẻ lái). Nếu như con phà không chở lượng hàng hóa nặng gấp 3 lần tải trọng cho phép. Nếu như công việc cứu hộ được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả hơn, không để lãng phí một giây phút nào… Nghĩa là chỉ toàn những lỗi do con người và do những người lớn gây ra.

Rồi thời gian trôi qua với biết bao sự việc mới sẽ lại làm cho người ta nguôi ngoai rồi quên dần về thảm kịch phà Sewol. Tôi cũng không còn đủ kiên nhẫn để có thể tin rằng những người lớn sẽ ghi nhớ những bài học đau thương này hầu không cho chúng xảy ra lần nữa. Bởi nếu những người lớn, đặc biệt là những người có trách nhiệm, mà chịu nhớ những việc mình từng làm và phải làm cho người khác thì có lẽ chẳng xảy ra thảm kịch phà Sewol. Đành thôi thì đổ cho số phận, trời kêu ai nấy dạ. Tôi cầu mong rằng sau những hoảng loạn, khiếp đảm và đau đớn trước lúc lìa đời, giờ đây các em sớm tìm lại được sự an bình ở thế giới mà rồi ai cũng sẽ phải lần lượt quay về. Chắc các em thấy rồi mà, mấy bữa nay, hễ mỗi lần nhớ tới các em, mắt tôi lại cay xè và lòng tôi thì đau xé!

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 24-4-2014)

 

– Ảnh chụp lần tôi tới thăm đảo Jeju cùng một lúc với rất đông đảo học sinh Hàn Quốc từ mẫu giáo tới trung học cũng tới tham quan.

OLYMPUS DIGITAL CAMERA

Học sinh trung học Hàn Quốc tham quan đảo Jeju.

OLYMPUS DIGITAL CAMERA

Học sinh trung học Hàn Quốc tham quan đảo Jeju.

071029_1103_korea_jeju_214_resize

Các cháu mẫu giáo Hàn Quốc đang ra máy bay sau khi đi chơi trên đảo Jeju về.