Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

Cái “đường lưỡi bò” hết còn là… 9 khúc!

south-china-sea-map

 

“Các nước láng giềng của Trung Quốc sẽ không hạnh phúc với tấm bản đồ mới này.” Đó là cái tít của bản tin mà hãng tin Anh Reuters phát hôm 25-6-2014 về việc Trung Quốc vừa chính thức công bố một bản đồ chính thức mới của nước họ (official map of the country) thể hiện sự thâu tóm của Bắc Kinh đối với hầu như toàn bộ Biển Đông. Sự thách thức của Bắc Kinh đối với cộng đồng quốc tế đã chuyển từ thái độ bất chấp các công pháp và luật lệ mà cả thế giới còn lại phải tuân thủ để cùng sống với nhau, sang việc thể chế hóa coi các vùng lãnh hải đang tranh chấp với các nước láng giềng chính thức là lãnh thổ Trung Quốc.

Tờ Nhân dân Nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc giải thích về sự công bố tấm “bản đồ chính thức đầy đủ” này là: trên các bản đồ trước đây, các đảo mà Trung Quốc tranh giành trên Biển Đông chỉ được thể hiện trong những chiếc khung giống như một phần phụ thêm chứ không phải là một bộ phận hợp nhất của Trung Quốc. Tấm bản đồ mới này sẽ giúp mọi người “chỉ cần liếc mắt một cái là thấy rõ ràng”. Một quan chức giấu tên của cơ quan xuất bản tấm bản đồ mới này nói với Nhân dân Nhật báo: “Tấm bản đồ Trung Quốc theo chiều đứng này có ý nghĩa quan trọng để cổ vũ sự hiểu biết tốt hơn của các công dân về việc duy trì quyền lãnh hải và sự toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta”.

140625-new-china-map

Bản đồ chính thức mới của Trung Quốc.

Trong khi đó, tại một cuộc họp báo thường ngày, Hua Chunying, nữ phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng: “Mục tiêu (của việc xuất bản tấm bản đồ mới) là phục vụ công chúng Trung Quốc. Về những mục đích đó, tôi nghĩ không cần phải nói gì nhiều ở đây.” Đại diện ngành ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: “Lập trường của Trung Quốc trong vấn đề biển Nam Hải (cách Bắc Kinh gọi Biển Đông) là kiên định và cực kỳ rõ ràng. Lập trường của chúng tôi không bao giờ thay đổi.” (China’s position on the South China Sea issue is consistent and extremely clear. Our stance has not changed.)

Bắc Kinh đã đòi làm chủ khoảng 90% Biển Đông vốn được coi là có tiềm năng tài nguyên dầu khí rất lớn. Đây lại là vùng lãnh hải mà các nước Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và lãnh thổ Đài Loan xác định là thuộc chủ quyền của mình.

2013sept-china-map-9-dash

Đường “lưỡi bò 9 đoạn”.

Có một điều mà lâu nay chúng ta vẫn gọi không chính xác. Cái gọi là “đường lưỡi bò 9 đoạn” (nine-dash line) giờ đã “xưa rồi Diễm”. Ngay từ quý 2-2013, Bắc Kinh đã cho vẽ thêm lên bản đồ Trung Quốc một đoạn nữa nằm ở phía đông Đài Loan. Vậy là thành “đường lưỡi bò 10 đoạn”.

2013sept-china-map-10-dash

Bản đồ có đường 10 đoạn của Trung Quốc.

Theo học giả Euan Graham của Singapore trong một bài trên trang của tổ chức tư vấn chiến lược RUSI (www.rusi.org) ngày 3-9-2013, cái vụ “đường lưỡi bò” 9 đoạn hay 10 đoạn không có gì là mới. Hồi năm 1947, chính quyền Quốc Dân Đảng củaTrung Hoa đã cho phát hành bản đồ có “đường lưỡi bò 11 đoạn” mở rộng từ đảo Đài Loan tới Vịnh Bắc bộ (Gulf of Tonkin) cũng theo các vị trí như trên bản đồ Trung Quốc ngày nay. Từ năm 1949, sau khi Tưởng Giới Thạch và chính phủ Quốc Dân Đảng của mình bồng bế nhau xuống tàu tháo chạy ra Đài Loan, cả Bắc Kinh lẫn Đài Loan đều cùng hè nhau tranh giành Biển Đông.  

Học giả Euan Graham phân tích rằng: do các bản đồ mà Trung Quốc trưng ra không có giá trị pháp lý độc lập nào theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS), Bắc Kinh đã không ngừng làm mọi cách để “thể chế hóa” các đòi hỏi về chủ quyển lãnh hải ở Biển Đông.

Rõ ràng. theo một mưu đồ được tính toán kỹ lưỡng và xuyên suốt nhiều thập niên nay, Trung Quốc sẽ dần dần làm cho các tranh chấp chủ quyền trở thành “chuyện đã rồi” và “thực tế nó đã như vậy” để cộng đồng quốc tế cuối cùng cũng “quen tai, quen mắt”. Bạn thử mở Google Maps và tìm tới quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands) coi, tất cả hình ảnh minh họa đều cho thấy toàn là Trung Quốc. Cũng còn may là khi tìm tới quần đảo Trường Sa (Spratly Islands), ta vẫn thấy bóng dáng của Việt Nam ở đó. Cũng đừng trách chi bà con quốc tế, họ nghĩ gì là từ những gì họ thấy, họ nghe chớ họ có tới tận nơi đâu, và hơn nữa cũng chẳng phải là nước của họ. Trong cuộc đua chiếm lấy “con tim và khối óc” của cộng đồng quốc tế, rõ ràng Bắc Kinh thâm hơn, bài bản hơn. Họ không chỉ nhắm vào công luận chính thức (thực chất chỉ giới hạn trong giới chính trị hay cao lắm là giới học giả), mà còn “phủ sóng” tới quảng đại công chúng bằng nhiều chiêu trò theo đúng phương châm “mặc nhiên là như vậy”.

Ngay từ rất lâu rồi, học sinh Trung Quốc đã được các thế hệ nhà cầm quyền dạy rằng đất nước mình bao gồm cả Biển Đông. Các thế hệ người Trung Quốc sau này mặc nhiên nghĩ rằng Biển Đông là của nước họ, “kẻ nào” léng phéng “đụng vô” là mình có quyền “xử đẹp”. Vì lẽ đó, đừng ai mơ hồ sẽ có được một sự nhượng bộ từ Bắc Kinh về Biển Đông. Chẳng lẽ họ phải hủy bỏ tất cả, “giáo dục” lại cho người dân hiểu rằng “Biển Đông không phải của Trung Quốc”. Còn khuya nghe em! Ai cũng có thể hiểu rằng, một khi đã làm cho người dân hiểu Biển Đông là của Trung Quốc, nhà cầm quyền Bắc Kinh mà làm trái lại có nghĩa là “phản bội đất nước”, án tru di tam tộc hay cẩu đầu trảm chớ chẳng chơi. Và chuyện tàu Trung Quốc hùng hổ, hung hăng đâm vào các tàu của Việt Nam ở các vùng biển đang tranh chấp đơn giản được công chúng Trung Quốc coi là những hành động “anh hùng bảo vệ tổ quốc”. Xin nhớ cho thực tế đơn giản như vậy để mà đừng có tiếp tục mơ hồ rồi mất nước theo kiểu “chuyện đã rồi”. Dân tộc Việt có cái gien yêu hòa bình nhưng chớ hề nhu nhược. Người dân Việt có thể mất tất cả, kể cả mạng sống, nhưng chưa bao giờ chấp nhận để mất một tấc đất non sông mà cha ông đã đổ máu xương mới giữ lại được cho con cháu. Thấm nhuần các lời truyền dạy của tiền nhân, Chủ tịch Hồ Chí MInh đã có câu nói bất hủ: “Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nưóc.”

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 27-6-2014)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.