Trở lại giờ chuẩn, người Mỹ bắt đầu sống sớm hơn 1 giờ
Hôm nay (2-11-2014), các bạn ở Mỹ bắt đầu đổi giờ, chuyển từ giờ Daylight Saving Time (DST) hay còn gọi là giờ mùa Hè (Summer Time) trở lại giờ chuẩn (Standard Time).
Theo luật định và cũng là truyền thống, hầu hết địa phương ở Mỹ mỗi năm phải đổi giờ 2 lần. Giai đoạn giờ DST bắt đầu từ 2:00 AM ngày Chủ nhật thứ hai của tháng 3. Còn giai đoạn giờ chuẩn bắt đầu từ 2:00 AM ngày Chủ nhật đầu tiên của tháng 11. Do nước Mỹ rộng, có tới 6 múi giờ (time zone), mỗi múi giờ sẽ chuyển giờ theo thời gian thực tế ở đó.
Sở dĩ nói là “hầu hết địa phương ở Mỹ” vì có một vài bang và địa phương trong bang không áp dụng luật thay đổi giờ. Đây không phải là luật liên bang bắt buộc các bang phải tuân theo. Các địa phương của Mỹ lâu nay không áp dụng giờ DST là bang Hawaii, American Samoa, đảo Guam, Puerto Rico, quần đảo Virgin Islands, quần đảo Commonwealth of Northern Mariana Islands, và bang Arizona. Riêng ở bang Arizona, các địa phương nằm trong lãnh thổ bán tự trị (semi-autonomous) Navajo Nation vẫn áp dụng luật đổi giờ. Lãnh thổ rộng 27.425 dặm vuông này trải rộng 3 bang: đông bắc Arizona, đông nam Utah, và tây bắc New Mexico.
Người Mỹ vốn là “đệ nhứt cẩn trọng và chu đáo” (và cái gì “lèng èng” thì cũng chỉ là do họ… hỗng thèm làm tốt thôi!). Sở dĩ họ chọn thời điểm 2 giờ sáng để đổi giờ vì đó là thời điểm được cho là ít gây xáo trộn tới sinh hoạt của người ta nhất. Đó là lúc mà hầu hết người dân đã trở về nhà mình (cho dù có đi ăn chơi, nhảy múa, nhậu nhẹt thì cũng tới lúc mỏi gối, ríu mắt rồi). Đó cũng là thời điểm ít có tàu chạy nhất. Nó đủ muộn để gây ảnh hưởng ít nhất tới các quán rượu và nhà hàng (nhiều bang cấm bán đồ uống có cồn từ 2 giờ sáng tới 6 giờ sáng). Nó cũng đủ sớm để toàn bộ các bang lục địa kịp đổi giờ xong trước khi hửng sáng. Việc đổi giờ xảy ra trước khi làm ảnh hưởng tới hầu hết người đi làm ca kíp sớm nhất và hầu hết những người đi lễ nhà thờ sớm.
Ngay cái tên gọi Daylight Saving Time (giờ tiết kiệm ánh sáng ngày) đã giải thích lý do có sự đổi giờ ở Mỹ (cũng như nhiều nước quan tâm tới chuyện tiết kiệm điện năng khác). Vào thời điểm áp dụng DST, mặt trời mọc sớm hơn và lặn trễ hơn, trời lâu tối hơn nên kéo dài thêm một giờ giúp tận dụng được lúc trời còn sáng mà tiếp tục làm việc, chậm bật đèn đường, đèn chiếu sáng các nơi công cộng. Năm ngoái khi qua Mỹ vào tháng 5, tôi đã được trải nghiệm những buổi tối ở bang Arizona vào 7g tối mà trời vẫn sáng trưng.
DST được áp dụng đầu tiên ở Đức hồi đầu thế kỷ 20 để thay thế cho ánh sáng nhân tạo, giúp nước này tiết kiệm được nhiên liệu hòng dành cho chiến tranh trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Chẳng bao lâu sau, nhiều nước thuộc cả 2 bên chiến tuyến, trong đó có Anh và Mỹ, cũng áp dụng giờ DST. Tùy theo thực tế hoạt động của mặt trời ở mỗi nước mà thời gian đổi giờ có khác nhau. Chẳng hạn châu Âu năm 2014 đã kết thúc thời gian Giờ mùa Hè hôm 26-10-2014.
Thời điểm bắt đầu chuyển sang giờ DST lần tới ở Mỹ là ngày 8-3-2015. Còn tối nay (1-11-2014), các bạn ở Mỹ phải vặn đồng hồ lùi lại một giờ để sáng mai dậy sớm hơn một giờ theo giờ chuẩn. Tiếc là cái đồng hồ sinh học không có chế độ đặt giờ. Mấy ngày đầu chắc chắn khó tránh khỏi chập cheng do phải ngủ sớm hơn và thức sớm hơn.
Xin mời xem clip giải thích về chuyện thay đổi giờ:
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 2-11-2014)
+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.