Palestine, đường về nhà vẫn còn lắm chông gai
Tháng 12, mỗi lần mùa Giáng sinh về, người dân Palestine lại càng thêm khắc khoải hơn với “miền đất hứa” từ nhiều ngàn năm trước tới nay vẫn còn lâm vào tình cảnh: ở ngay trước mặt mà với không tới! Cho tới nay, họ vẫn là một dân tộc không có đất nước.
Sự độc lập của Palestine đã được Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) chính thức công bố trong Tuyên bố Độc lập Palestine ngày 15-11-1988 tại Algiers (Algeria). Năm 2011, chính quyền tự trị của “Nhà nước Palestine” (State of Palestine) đã đệ đơn xin làm thành viên Liên Hiệp Quốc. Do có những tế nhị, đặc biệt là vấp phải sự phản đối từ Mỹ, LHQ vào năm 2012 chỉ mới công nhận Nhà nước Palestine là một nước quan sát viên của mình. Có nghĩa Palestine đã được LHQ nhìn nhận là một nhà nước nhưng chưa phải là thành viên LHQ. Cho tới nay, Nhà nước Palestine đã được 135 nước trên khắp thế giới công nhận.
Vùng lãnh thổ Palestine do Anh ủy trị đã được Đại hội đồng LHQ ngày 29-11-1947 đồng ý chia làm hai cho người Do Thái và người Arập Palestine lập nhà nước riêng, còn thành phố Jerusalem hưởng quy chế quốc tế đặc biệt. Trong khi giới lãnh đạo Do Thái chấp thuận, Ủy ban Cấp cao Arập đã bác bỏ nghị quyết này. Ngay trong ngày quyền ủy trị của Anh chấm dứt, ngày 14-5-1948, những người Do Thái đã tuyên bố thành lập Nhà nước Israel. Ngay hôm sau, quân đội những nước Arập láng giềng đã tràn qua vùng lãnh thổ Palestine và bắt đầu cuộc chiến với Israel. Cuối cùng, Israel đã ký được hiệp ước hòa bình với Ai Cập và Jordan, nhưng vẫn kéo dài cuộc xung đột Israel – Palestine cho tới ngày nay.
Vậy là người Palestine đã không thể thành lập nhà nước riêng như người Do Thái. Họ đã phải sống trên những vùng lãnh thổ bị chiếm bởi Israel trong cuộc Chiến tranh 6 ngày (1967) và trước đó là suốt 18 năm (từ 1949) bởi Ai Cập (Dải Gaza) và bởi Jordan (Bờ Tây). Sau khi Nhà nước Palestine được công bố, vùng lãnh thổ của người Palestine cũng bị chia cắt. Hai phái trong Chính quyền Quốc gia Palestine (PNA) chia rẽ nhau trong xung đột đẫm máu để rồi phái quân sự Hamas hiện chiếm Dải Gaza, còn phái chính trị Fatah – đại diện được quốc tế công nhận của Nhà nước Palestine, cai quản Bờ Tây. Cả hai vùng lãnh thổ này cộng lại chỉ có khoảng 4 triệu người Palestine.
Thành phố Jerusalem thì bị cả hai nhà nước Israel và Palestine cùng tuyên bố chủ quyền và cùng coi là thủ đô của mình. Trong cuộc Chiến tranh Arập – Israel năm 1948, Tây Jerusalem bị Israel chiếm đóng và sau đó bị sáp nhập vào nước này; còn Đông Jerusalem bị Jordan chiếm đóng và sau đó cũng bị sáp nhập vào nước này. Israel chiếm nốt Đông Jerusalem trong cuộc Chiến tranh 6 ngày năm 1967 và sáp nhập luôn vào Tây Jerusalem thành một thành phố Jerusalem thống nhất rồi cai quản nó cho tới nay. Vị thế của Jerusalem là một trong những vấn đề cốt lõi trong cuộc xung đột Palestine – Israel. Cho tới nay, cộng đồng quốc tế vẫn coi Đông Jerusalem là lãnh thổ của Palestine bị Israel chiếm đóng. Cộng đồng quốc tế không công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel nên các cơ quan ngoại giao nước ngoài vẫn đóng tại Tel Aviv.
Mặc dù đã được công nhận là một nhà nước, Palestine cho tới nay vẫn không thể có được vị thế nhà nước (statehood) như mọi nhà nước khác do sự phản đối của Israel với sự hậu thuẫn của Mỹ – nước coi Israel là đồng minh chiến lược của mình ở Trung Đông.
Những nỗ lực giành vị thế nhà nước cho Nhà nước Palestine hiên đang nóng trở lại. Mới đây, Jordan đã phát hành tới Hội đồng Bảo an LHQ gồm 15 nước thành viên một dự thảo nghị quyết do Palestine soạn thảo kêu gọi chấm dứt việc Israel chiếm đóng trái phép lãnh thổ Palestine vào tháng 11-2016. Trong khi đó, Pháp đang đứng đầu nhóm nước châu Âu soạn thảo một nghị quyết công nhận vị thế nhà nước Palestine, nhưng với thời gian biểu linh hoạt hơn. Một số nghị viện châu Âu, trong đó có Anh và Pháp, với đa số áp đảo đã bỏ phiếu ủng hộ vị thế nhà nước Palestine với những nghị quyết không ràng buộc.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu của Israel tuyên bố Israel phản đối bất cứ nỗ lực nào công nhận vị thế nhà nước của Palestine. Ông kêu gọi Washington dùng quyền phủ quyết để bác bỏ bất cứ dự thảo nghị quyết nào trình lên HĐBA LHQ nhằm thiết đặt thời gian cụ thể cho việc này.
Trong khi đó, trong những ngày trung tuần tháng 12-2014, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã phải ngược xuôi tới Rome (Ý), Paris (Pháp) và Luân Đôn (Anh) để gặp các ngoại trưởng châu Âu, đại diện Israel, Palestine và Liên đoàn Arập thảo luận về một nghị quyết LHQ nhằm chấm dứt cuộc xung đột Israel – Palestine. Chỉ còn chưa tới một tuần nữa là năm 2014 sẽ khép lại. Nhưng cho tới nay đường về nhà của những người dân Palestine vẫn còn mịt mùng giữa biết bao bão cát chính trị. Điều nghiệt ngã là người Palestine nếu không phải tiếp tục sống kiếp lưu lạc kéo dài từ đời cha ông, thì cũng là cảnh ăn nhờ ở đậu ngay trên mảnh đất của tổ tiên mình để lại.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 27-12-2014)
+ Ảnh: Chừng nào hình ảnh này trở thành hiện thực? (Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)