Thứ Năm ngày 28 tháng 3 năm 2024

Thế là… đưa nhau vào… Tết Con Dê

150208-20-tet-atmui_resize

 

Thật ra cái tựa này là tôi trộm vía của bác Trầm Tử Thiêng cải biên từ cái ca khúc Đưa Em Vào Hạ bất hủ của bác ấy. Thêm nữa, tôi cũng tự đấm ngực tự kiểm thấy mình có tội khi cả gan gọi linh vật cầm tinh của năm Ất Mùi bằng tên cúng cơm, không xài nickname hay tên chữ. Xin hiểu cho lòng tôi khi xưa nay tôi vẫn coi cái loài động vật 4 chân có chòm râu hàm không đụng hàng này là “đại lão sư phụ” của mình.

Tết này Dê liệu giữ hồn

Dê già thì được, Dê xồm thì không.

Vậy là hôm nay ngày Chủ nhật 8-2-2015, cho dù rất ham (như mấy nàng chưn dài tới nách), hay rất sợ (như gã giang hồ lãng tử tôi đây), toàn bộ những người cõi Dương mà xài lịch Âm đã chính thức bị cuốn vào cái guồng máy thời gian bắt đầu thời kỳ Tết. Người ta xưa nay vẫn có thói quen khuyến mại thêm cái tiếp vĩ ngữ “tết” vào sau những ngày từ 20 tháng Chạp tới ngày mùng 10 tháng Giêng.

Hôm nay 20 Tết.

Sau khi đi retouch lại cái đầu mà ngày càng lâm vào tình cảnh “rửa mặt thì lâu, gội đầu thì chóng”, tôi trở về hang động của mình tìm đọc lại bài thơ Xuân của nhà thơ Chế Lan Viên (trong tập Điêu Tàn, 1937).

Khổ đầu tiên của bài thơ là một lời than trách, dằn dỗi:

“Tôi có chờ đâu, có đợi đâu

Ðem chi xuân lại gợi thêm sầu?

– Với tôi, tất cả như vô nghĩa

Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau!”

Thiệt tình, tôi khoái nhất 2 câu đầu. Có khác chăng là với tôi, xuân không phải “lại gợi thêm sầu”, mà gợi tùm lum tà la thứ (nói theo dân công nghệ là “multi-thing”). Còn với 2 câu sau, tôi cũng tâm đắc. Nhưng chỉ một phần, giống như một partition trên một cái ổ đĩa cứng (HDD) dung lượng “khủng” nhiều terabyte (TB). Bởi với tôi, mùa xuân không hề là “vô nghĩa”. Chỉ có điều, nó toàn là những cái nghĩa khiến tôi ngồi nơi một góc nhỏ Saigon rên ư ử trong cổ họng hai câu thơ trong bài Đôi Mắt Người Sơn Tây của nhà thơ Quang Dũng:

“U uẩn chiều lưu lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây”

Dù chưa phải là mình (que sera sera), nhưng tôi cám cảnh với Chế Lan Viên về: “Có một người nghèo không biết Tết”. Tôi cảm thông rất thấm thía vì mình từng trải qua cái đận vào sáng mùng Một Tết trong túi chỉ còn đúng 20.000 đồng (hồi đó chỉ đủ ăn 3 tô hủ tíu Nam Vang ở tiệm Kim Tháp ven quốc lộ 1 ngay cửa ngõ về miền Tây của Saigon). Vậy mà rồi cũng xong một cái tết!

Hình như cái mà Chế Lan Viên nói giùm tôi từ 20 năm trước khi tôi cất tiếng khóc chào đời và khoảng 80 năm trước đây là:

“Ai biết hồn tôi say mộng ảo

Ý thu góp lại cản tình xuân?”

Các bạn chơi game hay từng trải nghiệm thực tế ảo (3D virtual reality) ắt hiểu cái cảm giác chông chênh như thế nào khi ngắt cầu dao trở về đời thực. Thôi thì năm hết tết đến, xin mở rộng lòng đại xá cho tôi, kẻ không bia rượu thuốc lá nên không thể “say rượu, say thuốc”, cũng đành có lúc “say mộng ảo” cho biết thế nào cuộc đời là bể khổ trầm luân.

Cách đây mấy bữa, một cô bạn ở Đà Nẵng hỏi tôi trên Messenger của Facebook: “Trong Saigon có không khí Tết chưa anh?” Tôi gõ ngay 3 chữ: “Lặng như tờ”. Nàng cũng buông tiếng thở dài hơn tôi 1 chữ: “Ngoài em cũng vậy.” Tôi thì suốt ngày bế hang tu luyện nên có thể chưa hiểu rõ sự tình thực tế chung quanh. Nhưng nàng là người buôn bán hàng họ ở chợ nên chắc chắn cảm nhận là chính xác rồi.

Những ngày tết ở Saigon mà được thong dong trên các đường phố quang đãng, ít xe gắn máy qua lại, tôi sướng lắm. Cái sướng của cảm giác sung mãn. Bởi ngoài chuyện có được những ngày hiếm hoi thoát được cái nghiệp chướng kẹt xe toàn tập, tôi cảm thấy lòng mình bình an chi lạ với ý nghĩ có nhiều người tha phương cầu thực có thể về quê nhà ăn tết đoàn viên cùng gia đình. Tôi không vui khi vài ba năm trở lại đây, Saigon ngày tết vẫn còn nhiều xe gắn máy ngược xuôi. Bởi có không ít người lao động làm quần quật cả năm vẫn không đủ tiền về quê ăn tết. Ngoài những người kẹt cứng ngắt như mô tả của Chế Lan Viên “Có một người nghèo không biết Tết”, còn có nhiều hơn là những người đành chọn giải pháp gom chút tiền ki cóp được gửi về quê cho người nhà vui tết, còn mình hy sinh ở lại chốn tha hương. Đó là lý do mà ở các xóm nhà trọ, mỗi năm càng rộ thêm bài hát Xuân Này Con Không Về của Trịnh Lâm Ngân (sáng tác trong khoảng thập niên 1960):

“Con biết bây giờ mẹ chờ tin con

Khi thấy mai đào nở vàng bên nương

Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về

Nay én bay đầy trước ngõ

Mà tin con vẫn xa ngàn xa…”

Để rồi cứ bị echo như thể rối băng kẹt đĩa mà tự AQ với chính mình: “Mẹ thương con! Xin đợi ngày mai!”

Còn tôi, mẹ về với Chúa đến tết này là 6 mùa xuân làm sao tôi dám ca như vậy nên vặn hết volume mà rằng: “Bậu thương qua! Xin đợi ngày mai!”

Hôm nay 20 Tết.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 8-2-2015, 20 Tết Ất Mùi)