Thứ Năm ngày 28 tháng 3 năm 2024

Chơi mạng xã hội sao cho ích mình lợi người

social_media_network_marketing_strategies

 

Lặp lại không bao giờ thừa rằng: Internet nói chung và các mạng truyền thông xã hội nói riêng chỉ là những phương tiện, những công cụ được con người tạo ra để phục vụ cuộc sống con người, với mục đích làm cho cuộc sống thêm đáng sống hơn. Còn việc sử dụng chúng tốt xấu ra sao là tùy vào mỗi người sử dụng. Thực tế là những tác dụng phụ, những mặt trái của chúng chỉ là phần nhỏ nhoi so với những gì chúng làm được cho con người; đồng thời số người dùng chúng cho những mục đích ích mình lợi người luôn chiếm số đông áp đảo.

Chúng ta đã nói quá nhiều về những mặt trái của mạng xã hội. Biết để mà cảnh giác và tránh né luôn là điều tốt. Nhưng tốt nhất cho tất cả là làm sao tìm được những giải pháp để làm cho không gian mạng trở thành “nơi bình minh chim hót” và “điểm đến an toàn” cho con người.

Từ vụ cậu sinh viên năm thứ nhất Tyler Clementi của trường Đại học Rutgers (bang New Jersey, Mỹ) phải nhảy cầu tự tử ở tuổi 18 sau khi bị bạn chung phòng dùng webcam ghi lén hình ảnh cậu đang thân mật với một bạn trai rồi phát tán lên mạng,

cựu nữ thực tập sinh Nhà Trắng Monica Lewinsky, một nạn nhân nổi tiếng của “trò thể thao đẫm máu sỉ nhục công cộng trên mạng” (như cô nói), đã cảnh báo: “Ngày nay có quá nhiều phụ huynh không có được cơ hội để kịp can thiệp và giải cứu những đứa con yêu quý của mình. Có quá nhiều người chỉ biết được sự đau khổ và nỗi sỉ nhục mà con mình phải chịu đựng khi đã quá muộn.”

ChildLine, một tổ chức phi lợi nhuận của Anh đã tập trung giúp đỡ giới trẻ trong nhiều vấn đề hồi cuối năm ngoái đã công bố con số thống kê: Từ năm 2012 tới 2013 đã gia tăng tới 87% số cuộc gọi điện thoại và email có liên quan tới nạn bắt nạt trên mạng. Một thống kê khác ở Hà Lan lần đầu tiên cho thấy nạn bắt nạt qua mạng đang dẫn tới những ý nghĩ tự tử nhiều hơn là bắt nạt ngoài đời.

Thật ra, cái tệ nạn ném đá trên mạng là một trong những cái giá phải trả cho cách mà người ta lợi dụng Internet. Monica nói rằng: Các trang chém gió, chụp ảnh lén (paparazzi), chương trình thực tế, chính trị, các kênh tin tức và đôi khi cả bọn tin tặc tất cả đều chảy trong sự sỉ nhục người khác. Nó dẫn tới sự vô cảm hóa và môi trường buông thả trên mạng tạo các điều kiện cho sự trêu chọc, xâm phạm đời tư, và bắt nạt qua mạng. Monica nhấn mạnh: “Chúng ta đang bị kẹt trong cái vòng lẩn quẩn nguy hiểm. Chúng ta càng click cho cái loại bài chém gió này nhiều bao nhiêu, chúng ta càng trở nên vô cảm hơn trước những mảnh đời đằng sau câu chuyện đó. Và khi chúng ta càng vô cảm bao nhiêu, chúng ta càng click chuột nhiều hơn bấy nhiêu.”

Cho dù rất dè dặt, tôi vẫn phải nói lên sự quan ngại về cái nền tảng của phần lớn, đặc biệt là các bạn trẻ, khi họ sử dụng mạng xã hội. Họ đã không được giáo dục đầy đủ và đúng đắn để hành xử trước những thông tin trên mạng, cũng như không được trang bị đủ kỹ năng và kinh nghiệm để xử lý những vụ ném đá nhằm vào mình. Cả về tri thức lẫn ý thức và tâm lý của họ đều có nhiều bất cập. Tôi không dám nói về khía cạnh đạo đức và văn hóa.

Chậm nhưng không phải muộn. Đã tới lúc các hệ thống truyền thông đại chúng, nhà trường và gia đình phối hợp với nhau để trang bị cho giới trẻ biết cách sử dụng mạng xã hội thế nào cho an toàn và có lợi. Đừng ai nghĩ tới biện pháp cấm đoán, ngăn chặn – vừa không thực tế với giới trẻ, vừa ngây thơ về công nghệ. Các nhà làm luật cũng cần bổ sung hoàn chỉnh thêm các công cụ pháp lý để xử lý những kẻ lợi dụng mạng xã hội làm chuyện hại người, hại đời. Thời đại này không thể cấm Internet mà phải chung sống với nó, nhưng hễ kẻ nào dùng nó làm điều xấu thì cứ chiếu theo các điều luật liên quan mà trừng trị nghiêm khắc.

Những người sử dụng Internet sẽ ngoan hơn nếu như họ biết rằng mình không phải hoàn toàn vô hình trên mạng và sẽ bị trừng trị nặng nếu như làm điều xấu, vi phạm pháp luật. Những công nghệ ngày này hoàn toàn có thể truy tìm dấu vết những kẻ làm điều xấu trên mạng, cho dù chúng có ẩn sau những nickname gì. Có những người than rằng họ cảm thấy bất an mỗi khi vào mạng, như thể mình đang bị ai theo dõi. Vậy thì ta cũng dĩ độc trị độc, làm cho những kẻ làm điều xấu trên mạng cũng có cảm giác tương tự. Vấn đề là ở chỗ làm sao để kéo toàn xã hội tham gia việc phát hiện những kẻ làm điều xấu trên mạng. Chỉ cần cộng đồng mạng khi thấy điều gì xấu, họ cảnh báo và nhắc nhở thay vì a dua và chia sẻ vô tội vạ. Trên môi trường mạng vốn thật ảo khó lường, bạn hãy suy nghĩ hai lần trước khi nhấn chuột Like hay Share một thứ gì. Cần phải dòm trước ngó sau coi liệu những cú click chuột đó của mình có gây tổn thương hay thiệt hại cho ai khác không. Đó là những cú click chuột có trách nhiệm.

Không thể chịu nổi sự sỉ nhục trên mạng từ các “thánh Net” sau khi hình chụp cảnh mình bị cưỡng hiếp tập thể tại một bữa tiệc của bạn bè bị tung lên mạng, cô nữ sinh 15 tuổi Rehtaeh Parsons ở Nova Scotia (một tỉnh duyên hải ở Canada) đã tự sát vào tháng 4-2013. Không muốn có thêm những nạn nhân tương tự con gái mình, cha của Rehtaeh đã đi tới các trường trung học ở Canada để chia sẻ bài học đớn đau của con gái mình.

Trên trang web chính thức của mình, tổ chức giáo dục Education Scotland của Scotland nói rằng, Internet chỉ an toàn khi được người ta sử dụng một cách có trách nhiệm. Phần mình, tôi xin chia sẻ rằng mỗi khi bước vào không gian ảo Internet, chúng ta luôn tâm niệm trong đầu triết lý sống trong cuộc đời thật: Điều gì mình không muốn người ta làm với mình thì đừng nên làm với những người khác.

Các mạng xã hội sẽ tốt đẹp biết chừng nào chỉ khi nào từng thành viên biết sử dụng chúng một cách có trách nhiệm. Các mạng xã hội sẽ đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng nếu như được mọi thành viên chung tay góp sức. Có thể bắt đầu từ một việc đơn giản: ít nhất mỗi ngày post hay chia sẻ một status tốt.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 7-7-2015)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

+ Có thể đọc bản in trên báo Pháp Luật TP.HCM Chủ nhật 5-7-2015

150705-bao-phapluattphcm-1_resize