Thứ Ba ngày 21 tháng 1 năm 2025

Ngao du Đường Hoa Nguyễn Huệ Tết Bính Thân 2016

160209-tetbinhthan-duonghoa-nguyenhue-157_resize

 

Từ lâu rất lâu rồi, Đường Hoa Nguyễn Huệ không chỉ là một sự kiện văn hóa đặc sắc dịp Tết hàng năm, mà đã trở thành một thương hiệu, một đặc trưng văn hóa của thành phố thu hút sự chú ý của bà con bốn phương tám hướng.

Đường Hoa Nguyễn Huệ chỉ mới ra đời từ Tết Giáp Thân 2004, nghĩa là tới nay được 12 năm – tròn một con giáp. Trong số 13 lần tổ chức cho tới nay, chỉ có lần thứ 12 (Tết Ất Mùi 2015) là đường hoa phải “di tản” sang trục đường Hàm Nghi bên cạnh vì phải nhường chỗ cho công trình xây dựng phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Trước đó nhiều chục năm, từ thời Pháp thuộc cho tới sau 1975, đường Nguyễn Huệ (tên thời Pháp là Đại lộ Charner) đã gắn với chợ hoa ngày Tết. Với vị thế đắc địa trên bến dưới thuyền, ngay trung tâm thành phố và gần Chợ Bến Thành, con đường này (được chính quyền Pháp cho lấp từ con kênh đào Charner) đã trở thành nơi tập trung bán hoa kiểng do các nhà vườn, chủ yếu từ miền Tây Nam bộ, chở ghe lên bán trong dịp Tết. Mãi tới Tết Giáp Thân 2004, chợ hoa nổi tiếng gắn với Saigon này đã được chính quyền dời về Công viên 23-9 (nơi trước kia là nhà ga xe lửa Saigon, phía trước Chợ Bến Thành).

160209-tetbinhthan-duonghoa-nguyenhue-030_resize

Đường Hoa Nguyễn Huệ Tết cái con Khỉ này bị không ít người chê vì không còn hoành tráng như trước và mang nghệ thuật sắp đặt là chính. Thực tế là nó không tạo được ấn tượng mạnh tới “ngộp thở” giữa ngàn hoa như trước đây. Thật ra, đây là năm đau đầu, khó khăn nhất cho đơn vị tổ chức Đường Hoa. Chủ yếu bởi đường Nguyễn Huệ nay đã được xây dựng thành quảng trường và phố đi bộ Nguyễn Huệ với nền đường được lát bằng đá granite dày 8cm (tổng vốn đầu tư ban đầu lên tới hơn 400 tỷ đồng). Vì thế các nhà thiết kế Đường Hoa Tết Bính Thân phải thay đổi hoàn toàn phong cách và kỹ thuật thiết kế, xây dựng cho phù hợp với mặt bằng mới. Đặc biệt là họ không được phép “đụng” tới mặt đường nên không thể tạo những tiểu cảnh vùng quê như ao nước có cầu khỉ bắc qua, các thửa ruộng lúa,… Tất cả các hạng mục của Đường Hoa năm nay đều phải tuân thủ yêu cầu là chỉ gá lên trên mặt đường và có thể tháo gỡ dễ dàng và không làm ảnh hưởng tới chất lượng mặt phố đi bộ. Vì thế, các nhà thiết kế Đường Hoa Bính Thân chỉ có thể tập trung vào nghệ thuật sắp đặt các loài hoa lại trong những khu tiểu cảnh mang tính cách điệu và ước lệ. Đó là lý do mà tuy cũng dùng hoa thật, nhưng Đường Hoa Nguyễn Huệ mang tính cảnh trí giả tạo và dàn dựng; trong khi Hội Hoa Xuân thành phố ở Công viên Tao Đàn lại thật hơn, tự nhiên hơn.

Giống như Hội Hoa Xuân thành phố ở Công viên Tao Đàn, Đường Hoa Nguyễn Huệ Tết Bính Thân bị một số người chê là xấu, cạn kiệt ý tưởng. Điều đó là không sai đối với những ai đã nhiều lần tới hai nơi này vào mỗi dịp Tết. Vì thế, giải pháp tốt cho tất cả là đơn vị tổ chức nên mở những cuộc thi ý tưởng và thiết kế để khai thác được ý tưởng rộng rãi và phong phú hơn. Hình như trước đây có những năm, Đường Hoa là công trình thiết kế của những tập thể sinh viên. Nhưng đó là chuyện của tương lai, còn bây giờ ta vẫn phải công tâm mà cảm ơn tất cả những ai đã bỏ nhiều tâm sức, mồ hôi và tiền của để tiếp tục sáng tạo một Đường Hoa Nguyễn Huệ cho mọi người thưởng ngoạn trong những ngày Tết cái con Khỉ này. Cả những người làm ra lẫn những người bảo vệ và duy trì nó đều xứng đang được nhận lời cảm ơn – ít nhầt là từ tôi.

160209-tetbinhthan-duonghoa-nguyenhue-201_resize

Cũng chính trong Tết Bính Thân này, do chỉ được làm theo kiểu lắp ráp và gá vào, Đường Hoa Nguyễn Huệ đã trở thành nạn nhân đáng thương cho cái ý thức và cách hành xử văn hóa công cộng ngày càng kém đi của một số người du xuân. Một số tiểu cảnh đã bị người ta chen lấn để chụp ảnh làm cho hư hỏng mà những nhân viên trực không ít lần phải tốn công sửa chữa. Những công nhân vệ sinh cũng phải thường xuyên đi dọc theo Đường Hoa mà… lượm rác được xả vô tội vạ.

Bất luận thế nào, Đường Hoa Nguyễn Huệ và Hội Hoa Xuân Tao Đàn đã trở thành hai biểu tượng văn hóa ngày Tết của TP.HCM. Không ít khách du xuân từ các tỉnh chung quanh và du khách nước ngoài hàng năm đã tìm đến thưởng ngoạn. Và đặc biệt hơn cả, đây chính là hai nơi sáng giá nhất, rực rỡ nhất, mang đậm chất Tết nhất để mọi người ăn Tết ở TP.HCM đến để khoe áo mới, chụp ảnh kỷ niệm mỗi dịp Tết đến. Nói thiệt, nếu không có những nơi như thế này, ngày Xuân ngày Tết, người ở Saigon biết đi đâu mà du xuân cho nó thanh lịch đây. Cũng nói thêm mốt ý nữa, Đường Hoa Nguyễn Huệ và Hội Hoa Xuân Tao Đàn dưới góc độ nào đó đã trở thành hai địa điểm tâm linh để người ta xuất hành đầu năm bảo đảm nơi đến luôn rực rỡ sắc màu, ngập tràn hoa xinh, cây xanh, cũng như đậm chất văn hóa và thanh lịch phù hợp với tâm lý những người vẫn tin rằng có trời trên đầu, có đất dưới chân mình.

Đường Hoa Nguyễn Huệ Tết Bính Thân phục vụ người dân trong 8 ngày Tết, từ 19g ngày 5-2 đến khuya 12-2 (tức từ tối 27 tháng Chạp năm Ất Mùi đến khuya mùng 5 tháng Giêng năm Bính Thân).

PHẠM HỒNG PHƯỚC

160209-tetbinhthan-duonghoa-nguyenhue-001_resize

160209-tetbinhthan-duonghoa-nguyenhue-002_resize

160209-tetbinhthan-duonghoa-nguyenhue-004_resize

160209-tetbinhthan-duonghoa-nguyenhue-005_resize

160209-tetbinhthan-duonghoa-nguyenhue-007_resize

160209-tetbinhthan-duonghoa-nguyenhue-008_resize

160209-tetbinhthan-duonghoa-nguyenhue-009_resize

160209-tetbinhthan-duonghoa-nguyenhue-010_resize

160209-tetbinhthan-duonghoa-nguyenhue-011_resize

160209-tetbinhthan-duonghoa-nguyenhue-012_resize

160209-tetbinhthan-duonghoa-nguyenhue-014_resize

160209-tetbinhthan-duonghoa-nguyenhue-015_resize

160209-tetbinhthan-duonghoa-nguyenhue-017_resize

160209-tetbinhthan-duonghoa-nguyenhue-018_resize

160209-tetbinhthan-duonghoa-nguyenhue-019_resize

160209-tetbinhthan-duonghoa-nguyenhue-020_resize

 

XIN MỜI XEM THÊM ẢNH ĐƯỜNG HOA NGUYỄN HUỆ SAIGON TẾT BÍNH THÂN 2016

P1     |     P2     |     P3     |     P4     |     P5     |     P6     |     P7     |     P8     |     P9